Bao giờ Học viện Âm nhạc Quốc gia VN xử lý dứt điểm lùm xùm công tác cán bộ?

08/12/2023 10:26
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giảng viên mong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục có chỉ đạo nghiêm Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thực hiện công tác cán bộ đúng các quy định.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 7/12 đã đăng tải bài viết "GV bức xúc với công tác cán bộ ở Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia VN" phản ánh những tâm tư, băn khoăn của nhiều giảng viên xung quanh công tác làm nhân sự của lãnh đạo Học viện.

Ngay sau khi bài viết đăng tải, một số bạn đọc là giảng viên Khoa Thanh nhạc gửi lời cảm ơn đến Tạp chí vì đã chuyển tải được tâm tư, ý kiến của họ. Những giảng viên này mong muốn Tạp chí tiếp tục chuyển tải tâm tư của họ đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và mong Bộ tiếp tục có chỉ đạo nghiêm Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thực hiện công tác cán bộ đúng các quy định để kiện toàn bộ máy tại Khoa Thanh nhạc.

Không đủ trên 50% phiếu tín nhiệm ở bước 4 vẫn đi tiếp bước 5

Theo phản ánh, thực hiện quy trình bổ nhiệm Trưởng khoa, tập thể lãnh đạo Học viện đã họp, thảo luận và nhất trí phê duyệt chủ trương bổ nhiệm vị trí Trưởng khoa từ nguồn nhân sự tại chỗ. Khoa Thanh nhạc có 2 Phó Trưởng khoa đảm bảo tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh Trưởng khoa là đồng chí N.T.P.N và đồng chí N.T.T.N.

Quy trình trải qua 5 bước để thực hiện việc bổ nhiệm từ nguồn nhân sự tại chỗ. Tuy nhiên, đến bước 4 (tập thể khoa họp và lấy phiếu ý kiến tín nhiệm bằng phiếu kín) đồng chí N.T.T.N chỉ đạt 35% phiếu đồng ý bổ nhiệm, chưa đủ trên 50% nhưng vẫn đi tiếp đến bước 5. Trong khi đó, ở bước 4, đồng chí N.T.P.N đạt số phiếu đồng ý bổ nhiệm là 60%.

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Phạm Thi.

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Phạm Thi.

Thông tin nhân sự chỉ đạt 35% phiếu tín nhiệm vẫn tiến hành tiếp bước 5 đã gây ra những lùm xùm, bức xúc trong cán bộ, giảng viên Khoa Thanh nhạc và khiến dư luận hoài nghi về công tác nhân sự tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Theo thông tin một số giảng viên cung cấp, sau các lùm xùm về công tác cán bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có chỉ đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khẩn trương hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh, chức vụ quản lý của Học viện, báo cáo về Bộ trước ngày 25/8/2023. Tuy nhiên, đến nay, giảng viên chưa có thông tin cụ thể về việc lấy phiếu tín nhiệm lại hay tiếp tục quy trình ra sao.

Đáng nói, nhân sự đạt phiếu tín nhiệm thấp hơn ở bước 4 vào tháng 9 vừa qua đã được lãnh đạo Học viện giao làm Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Thanh nhạc. Điều này khiến nhiều giảng viên đặt câu hỏi, nhân sự có số phiếu tín nhiệm thấp hơn (chỉ 35%), uy tín thấp lại được lãnh đạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam giao làm Phó Trưởng khoa phụ trách có đủ thuyết phục?

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương nhận định: "Việc chỉ đạo của cấp trên là một cơ sở pháp lý mệnh lệnh. Học viện cần phải nghiêm túc thực hiện.

Rõ ràng là bước 4 có một đồng chí đạt tỷ lệ 60% thì đơn vị phải lấy người này để tiến hành tiếp bước 5. Còn nếu lấy cả đồng chí có tỷ lệ 35% đi tiếp là chưa thực hiện nghiêm".

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ. Ảnh: Chinhphu.vn

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ. Ảnh: Chinhphu.vn

Cùng trao đổi về công tác nhân sự tại Khoa Thanh Nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, việc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dừng quy trình bổ nhiệm cán bộ, chưa tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh, chức vụ quản lý (theo thông tin từ giảng viên phản ánh) là đang không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch".

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Nguyễn Túc. Ảnh: Đại Đoàn Kết.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Nguyễn Túc. Ảnh: Đại Đoàn Kết.

Ngoài ra, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng mở rộng về nội dung tại điểm 1.4, Khoản 1, Điều 21, Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Theo đó, tại bước 4 trong quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử đối với nguồn nhân sự tại chỗ không có quy định về tỷ lệ số phiếu cần đạt để tiến hành tiếp bước 5.

Ông Túc chia sẻ: "Văn bản hướng dẫn thì khó để đi vào chi tiết, đầy đủ hết được cả mà căn cứ vào đặc điểm từng địa phương, từng ngành. Trong điều kiện chỉ thị trên hướng dẫn không quy định thì Cấp ủy của đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Cấp ủy cấp trên về quyết định của mình. Nhưng cũng cần đảm bảo nguyên tắc nhân sự phải có uy tín".

Chọn người có tín nhiệm thấp sẽ khiến Ban lãnh đạo mất uy tín

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII bày tỏ quan điểm: "Quy trình bổ nhiệm 5 bước nhưng đến bước 4 một đồng chí không đạt trên 50% phiếu tín nhiệm của cán bộ, giảng viên trong khoa, sau khi dừng bổ nhiệm lại được Ban Giám đốc giao làm Phó Trưởng khoa phụ trách.

Mặc dù theo nguyên tắc, việc giao Phó Trưởng khoa phụ trách không phải lấy phiếu tín nhiệm mà theo chỉ định của lãnh đạo đơn vị nhưng tại sao Ban Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam lại không có sự lý giải một cách rõ ràng, cụ thể vì sao chọn người có tín nhiệm 35% mà không phải nhân sự có tín nhiệm 60%? Ban lãnh đạo Học viện cũng phải chịu trách nhiệm trước quyết định phân công cán bộ của đơn vị này.

Nếu chọn người có tín nhiệm thấp lên làm quản lý sẽ khiến Ban lãnh đạo dễ bị mất uy tín trong mắt cán bộ, giảng viên. Có thể vì không có sự giải trình minh bạch, rõ ràng, công khai nên khiến cán bộ, giảng viên trong khoa bức xúc, tỏ ra khó hiểu".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, có những vị trí cần kiến thức chuyên môn đơn thuần nhưng có những vị trí rất cần kinh nghiệm công tác thực tiễn.

Cần phải minh bạch từ khâu tiêu chuẩn để tuyển chọn cũng như giám sát sau khi đã bổ nhiệm. Chỉ có sự minh bạch thì mới có thể cạnh tranh bình đẳng để chọn được người xứng đáng và được tập thể cán bộ, người lao động "tâm phục, khẩu phục".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nhấn mạnh thêm, công tác cán bộ là căn nguyên của mọi vấn đề phát sinh trong công tác điều hành, quản lý nói chung: "Mục tiêu của công tác cán bộ trước hết phải là phát hiện, tuyển chọn đúng người để bổ nhiệm, đề bạt, sắp xếp vào vị trí phù hợp. Người lãnh đạo cần phải có được năng lực tổng quan, có uy tín để tập hợp được những người khác cùng chung sức thực hiện nhiệm vụ. Có như vậy, ta mới vừa giúp họ phát huy đúng năng lực thực sự của mình, vừa đem lại lợi ích cho đất nước, phục vụ tốt cho quần chúng.

Trong quy trình bổ nhiệm cán bộ, ngoài điều kiện cần về bằng cấp, phải quan tâm đúng mức tới điều kiện đủ là trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ thực tiễn của cán bộ, cần có tranh cử thực chất, công khai, minh bạch, đối với mỗi vị trí lãnh đạo phải có nhiều ứng viên lựa chọn, có chương trình hành động rõ ràng".

Đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An khẳng định thêm: "Cán bộ đề bạt sai thì người tiến cử cũng phải chịu trách nhiệm. Khi trao quyền, được chọn và chịu trách nhiệm về cán bộ được đề bạt thì khi đó người đứng đầu sẽ có trách nhiệm hơn với quyết định của mình".

Liên quan đến công tác cán bộ tại Khoa Thanh nhạc, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên lạc và gửi câu hỏi tới Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, hiện, phóng viên chưa nhận được phản hồi.

Phạm Thi