Báo cáo viên tham dự Hội nghị ngành Y phải đóng 10-15 triệu là hoàn toàn hợp lý

20/06/2022 06:43
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Vân, mức phí được quy định khi tham gia hội nghị là hợp lý, vì sau cùng, số tiền đó cũng được sử dụng hết cho báo cáo viên.

Mới đây, nội dung các báo cáo viên, quan sát viên, đơn vị phải đóng phí khi tham gia Hội nghị Khoa học và Công nghệ Tuổi trẻ ngành Y tế đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Cụ thể, trong quy chế Hội nghị Khoa học và Công nghệ Tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XXI nêu rõ: Mỗi đề tài tham gia báo cáo sẽ đóng 10 triệu đồng. Đối với đơn vị chỉ tham gia 1 báo cáo hoặc chỉ tham gia với tư cách là quan sát viên thì mức đóng góp là 15 triệu đồng.

Để hiểu rõ hơn về thông tin trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vân (Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vân cho biết: “Hội nghị Khoa học và Công nghệ Tuổi trẻ ngành Y đã diễn ra từ năm 1982, đến nay cũng đã 40 năm tổ chức. Và ngay từ những năm đầu tiên, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ khi đó mới chỉ là khoa Y - Nha - Dược thuộc Trường Đại học Cần Thơ, đã bắt đầu tham gia với khoảng 2-3 đề tài trong mỗi kỳ hội nghị.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vân (Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ). (Ảnh: NVCC).

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vân (Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ). (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, với sự phát triển của nhà trường, càng về sau, hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng được mở rộng, đối tượng cũng tăng dần, từ giảng viên trẻ đến sinh viên, học viên... đều hăng say với hoạt động nghiên cứu khoa học.

Đến năm 2014, nhà trường cũng là 1 trong 5 trường xuất sắc thuộc Bộ Y tế có thành tích về nghiên cứu khoa học. Từ giai đoạn đó đến nay, bình quân mỗi kỳ tham gia hội nghị, nhà trường lại chọn từ 10-15 đề tài để tham gia báo cáo”.

“Hằng năm, tổ chức hội nghị khoa học ở quy mô trường cũng có hàng trăm đề tài, vì số lượng đề tài của giảng viên trẻ, sinh viên nghiên cứu khoa học ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, sẽ có hội đồng để xem xét, đánh giá lại các đề tài, chọn khoảng 10-15 đề tài tiêu biểu nhất, là điểm nhấn của từng chuyên ngành, cử đi để tham gia giao lưu, cọ xát ở hội nghị toàn quốc” - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ đối ngoại cho biết thêm.

Về vấn đề quyền lợi của các báo cáo viên trong và sau khi tham gia Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vân thông tin: “Khi các báo cáo viên tại trường có đề tài đạt thành tích, nhà trường sẽ khen thưởng trực tiếp, sau đó, được vinh dự đưa tên “bảng vàng”, và còn rất nhiều quyền lợi phía sau.

Giảng viên trẻ có đề tài báo cáo đạt thành tích xuất sắc, vừa nhận được Bằng khen của Bộ Y tế, Bằng khen của Trung ương Đoàn, nhận huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo..., ngoài ra, cũng làm thêm lý lịch khoa học của các cá nhân, sau này cũng trở thành một “ưu tiên” trong việc xét học hàm, học vị. Đồng thời, cũng góp phần nâng cao uy tín, vị thế của nhà trường. Bởi vậy, đặc biệt là đối với các nhà khoa học trẻ, sẽ cảm thấy rất vinh dự, tự hào khi được chọn đi báo cáo tại hội nghị toàn quốc”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vân nhìn nhận, mức đóng 10 triệu đồng/báo cáo và 15 triệu đồng/đơn vị tham gia, là hoàn toàn hợp lý.

“Mức phí này dường như không thay đổi trong nhiều năm qua. Và đây thực ra là khoản phí mà các trường là thành viên tham gia hội nghị đóng góp, trên tinh thần hỗ trợ, san sẻ cùng trường đăng cai tổ chức. Để tổ chức một hội nghị toàn quốc với quy mô hàng nghìn người thì kinh phí cũng rất tốn kém. Chính vì vậy, các trường cùng đóng góp để tạo sân chơi chung cho cán bộ, giảng viên, sinh viên của mình.

Thực ra, các trường đóng phí như vậy, nhưng sau đó, lại chính các báo cáo viên của trường sẽ được nhận, thông qua hỗ trợ chi phí tham dự, thông qua giải thưởng... Và điều đó trở thành một nguồn động lực rất lớn đến đội ngũ trẻ, tạo môi trường tích cực tham gia nghiên cứu khoa học” - vị này lý giải.

Về một số ý kiến băn khoăn rằng, với các báo cáo viên tham gia với tư cách độc lập mà phải đóng số tiền 10 triệu đồng/báo cáo, liệu có là “quá sức”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vân phân tích: “Từ năm 2018 đến nay, hội nghị bắt đầu mở rộng quy mô, đến nay đã có sự tham gia của có sự tham gia của các học viện, trường đại học, cao đẳng y, dược toàn quốc, các bệnh viện từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, bệnh viện tư nhân từ hạng 2 trở lên và các Viện Nghiên cứu và phát triển, Viện Y học dự phòng, Viện kiểm nghiệm, Viện kiểm định... tạo ra một sân chơi ngày càng phong phú hơn cho tuổi trẻ ngành y tế.

Chính vì quy mô đã mở rộng toàn quốc, nên tôi không nghĩ là sẽ không có báo cáo viên nào tham gia hội nghị với tư cách độc lập. Bởi tất cả giảng viên, sinh viên hay cả nhân viên từ các trường, viện, bệnh viện nào muốn tham gia thì Bộ Y tế đều mở rộng và chào đón, đều có thể tham dự. Các nhà trường, viện hay bệnh viện cũng đều hỗ trợ cho các báo cáo viên đi tham gia hội nghị, bởi, đây là cơ hội để các đề tài của đơn vị được báo cáo, có cơ hội khẳng định vị thế, nâng cao uy tín cho chính đơn vị đó”.

Theo quan điểm của Tiến sĩ Phạm Văn Tân (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội), mặc dù, tham gia hội nghị, các đơn vị, các báo cáo viên cũng cần đóng phí theo một mức nhất định, tuy nhiên, mức 10 triệu đồng/báo cáo và 15 triệu đồng/đơn vị, có lẽ là hơi “quá sức”, nên có sự xem xét và cân nhắc lại cho phù hợp hơn.

Ngân Chi