Theo điều chỉnh mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn Lịch sử sẽ là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các trường đang khẩn trương điều chỉnh để kịp thời triển khai ngay trong năm học tới đây.
Tập trung điều chỉnh khi Lịch sử thành môn bắt buộc
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông được quy định là môn học bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học, dạy cho tất cả đối tượng học sinh lớp 10, 11 và 12.
Lịch sử trở thành môn bắt buộc, một số trường gặp nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh tổ hợp môn, sắp xếp thời khóa biểu giảng dạy.
Đơn cử, thầy Nguyễn Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, kế hoạch cũ đã được nhà trường triển khai ổn định từ tháng 4-5/2022 nên sẽ phải điều chỉnh nhiều để phù hợp với chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Nhà trường rất băn khoăn vì thời gian chuẩn bị từ nay cho đến năm học mới chỉ còn rất ngắn, nhưng tinh thần là sẽ cố gắng tập trung toàn lực để hoàn thành kế hoạch đúng tiến độ.
Công tác tập huấn đội ngũ giáo viên Lịch sử không gặp khó khăn nhiều vì các thầy cô đã chuẩn bị năng lực, tâm lý sẵn sàng với những thay đổi. Hơn nữa, tập huấn là nhiệm vụ được triển khai xuyên suốt, thầy cô đã quen nên không trở thành vấn đề. Với môn Lịch sử, nhà trường vẫn cắt cử 5 giáo viên (giữ nguyên như cũ) để tham gia tập huấn.
Trường đã họp và yêu cầu tổ chức xây dựng lại các tổ hợp môn trước đó. Số tiết học Lịch sử thay đổi kéo theo các tiết học khác cũng thay đổi. Nhà trường căn cứ vào công tác tập huấn và thiết kế chuyên đề môn Lịch sử theo hướng dẫn của Bộ mới có thể sắp xếp thời khóa biểu hợp lý”, thầy Nguyễn Hồng Quang chia sẻ.
(Ảnh minh họa: Doãn Nhàn). |
Cùng trao đổi về vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên B (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết: “Trước đó, nhà trường đã quán triệt xây dựng tổ hợp môn phải bám sát nguyện vọng của học sinh và định hướng của Bộ, chủ động cân nhắc đưa môn Lịch sử vào các tổ hợp, với mục đích sao cho học sinh lựa chọn tổ hợp nào thì vẫn đảm bảo được học môn Lịch sử.
Do đó, khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc và đưa vào dạy đại trà thì về cơ bản, tổ hợp môn được nhà trường xây dựng đến thời điểm này vẫn đáp ứng được yêu cầu theo tinh thần chỉ đạo mới của Bộ, học sinh cũng không cần quá lo lắng.
Vấn đề là ở chỗ, trong tổ hợp môn đó, Lịch sử là môn chuyên hay không chuyên (môn chuyên học sâu hơn và nằm trong khối xét tuyển đại học) nên nhà trường sẽ điều chỉnh việc này để đáp ứng nguyện vọng học sinh”, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên B chia sẻ.
Tăng lượng giáo viên tham gia tập huấn môn Lịch sử
Từ môn học lựa chọn trở thành môn bắt buộc, công tác tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán môn Lịch sử là “bài toán” đang được các trường hết sức quan tâm.
Nhà trường khẩn trương điều chỉnh kế hoạch để kịp tiến độ năm học mới. (Ảnh: Doãn Nhàn). |
Bàn về vấn đề này, Giáo sư - Tiến sĩ Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, Sở đã kịp thời hướng dẫn các trường để cụ thể, thực hiện hoá theo tinh thần chỉ đạo mới nhất của Bộ.
“Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới là định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, giảm tính hàn lâm, gắn với thực tiễn, tăng cường hoạt động thực hành, trải nghiệm cho học sinh, phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế.
Để đạt được mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ đã đặt ra, nhận thức rõ vai trò trực tiếp của đội ngũ giáo viên, Sở đã quán triệt các trường phải làm tốt công tác tập huấn.
Trước đây, giáo viên đã được tập huấn trực tiếp và cho thấy hiệu quả tích cực nhưng số lượng giáo viên khi đó chỉ đáp ứng được trong trường hợp Lịch sử không phải môn bắt buộc”, Giáo sư Thái Văn Thành chia sẻ.
Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, hiện tại, do Lịch sử trở thành môn bắt buộc, số tiết học tăng lên, lượng giáo viên huy động “đứng lớp” tăng lên thì số lượng giáo viên cần tập huấn sẽ phải tăng lên.
“Cụ thể, số tiết quy định 52 tiết/năm học, các trường có thể cân nhắc tăng số lượng giáo viên tham gia tập huấn, hoặc cử cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán đi tập huấn sau đó về triển khai lại cho toàn bộ giáo viên bộ môn Lịch sử trong nhà trường để tạo sự đồng bộ trong đào tạo.
Giáo viên được tập huấn phải có năng lực phát triển môn Lịch sử để đáp ứng mục tiêu “phát triển phẩm chất và năng lực học sinh” theo chương trình giáo dục phổ thông mới đề ra”, Giáo sư Thái Văn Thành nhận định.
Cùng bàn về vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Điều chỉnh công tác tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên đối với môn Lịch sử là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh môn học này trở thành môn bắt buộc. Cụ thể, là tăng số lượng giáo viên tham gia tập huấn môn Lịch sử.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng yêu cầu các trường kiểm tra trường hợp môn Lịch sử trở thành bắt buộc thì có ảnh hưởng đến các tổ hợp xây dựng trước đó hay không, nếu có phải kịp thời báo cáo và điều chỉnh lại để định hướng cho học sinh lớp 10.
“Một thuận lợi đó là phần lớn các thầy cô đã được tập huấn về chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nên Lịch sử là môn bắt buộc thì vẫn sẽ triển khai được bình thường. Việc lựa chọn sách nào cũng sẽ không trở thành vấn đề lớn bởi bản thân giáo viên đã nghiên cứu nhiều loại sách Lịch sử khác nhau rồi”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh nhận định.
Khi phóng viên băn khoăn về kế hoạch sắp xếp thời khóa biểu đối với môn Lịch sử, Giáo sư Thái Văn Thành- Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Nghệ An nói: “Phía nhà trường sẽ chủ động sắp xếp thời khóa biểu trên tinh thần thực hiện theo hướng dẫn của Sở và kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Môn Lịch sử sẽ học theo chuyên đề chứ không theo bài học như trước đây nên việc sắp lịch học còn phụ thuộc vào số lượng, mức độ kiến thức trong mỗi chuyên đề.
Do đó, Sở lưu ý các trường trung học phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh không nhất thiết phải xếp thời khóa biểu cho môn Lịch sử quy đổi từ chuyên đề thành bao nhiêu tiết/tuần mà nên sắp xếp linh hoạt sao cho vừa đủ số 52 tiết/năm học, vừa đảm bảo chất lượng dạy dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động, trực quan để tăng hứng thú, kích tư duy cho học trò.
Ví dụ, với chuyên đề dài, lượng kiến thức nhiều thì trường có thể bố trí học trong 1-2 ngày liền nhau để đảm bảo sự liền mạch, hiệu quả bài học cao.
Nêu ý kiến về việc sắp xếp thời khóa biểu, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Sở sẽ có hướng dẫn các trường xếp thời khóa biểu hợp lý. Việc Lịch sử trở thành môn bắt buộc chỉ là tăng số giờ dạy môn học này, đối với học sinh học chuyên sâu thì phải dạy thêm nội dung tự chọn.
“Ngoài 52 tiết học bắt buộc, Lịch sử cũng nằm trong nhóm các môn học lựa chọn, dành cho học sinh nào có mong muốn học thêm ở cụm môn Khoa học xã hội. Trong số này có học sinh lựa chọn Lịch sử để học chuyên sâu theo định hướng nghề nghiệp nên trường phải lưu ý bố trí lịch học để những học sinh này được học nhiều kiến thức hơn”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh nói.