Bắc Kạn: Cần chính sách khuyến khích HS khá, giỏi THCS, THPT vào học nghề

05/08/2023 06:28
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Một trong những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là bổ sung chính sách khuyến khích học sinh khá giỏi THCS, THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn xác định 7 nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Mục tiêu tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2025, thu hút 30-35% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động.

Có khoảng 6 đến 8 ngành, nghề trọng điểm, 50% chương trình đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Khoảng 60% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia.

Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn. Ảnh: website trường.

Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn. Ảnh: website trường.

Phấn đấu đến năm 2030, thu hút 40-45% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 40% lực lượng lao động.

Có ít nhất 50% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 70% chương trình đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Phấn đấu xây dựng Trường Cao đẳng Bắc Kạn trở thành trường chất lượng cao, bước đầu tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Khoảng 10 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 2-3 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh trong nước về chất lượng đào tạo.

Phấn đấu đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của thị trường lao động; có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành nghề đào tạo; Trường Cao đẳng Bắc Kạn trở thành trường chất lượng cao, đào tạo đa ngành nghề, trong đó có các ngành nghề đạt trình độ các nước ASEAN-4 và một số nước phát triển.

Để đạt được các mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định 7 nhiệm vụ, giải pháp tổ chức triển khai thực hiện:

Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giáo dục nghề nghiệp.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến bằng nhiều hình thức chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp, trọng tâm là Chỉ thị số 21-CT/TW.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước; có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời. Qua đó, góp phần thực hiện thành công chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong thời kỳ mới.

Cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, các cơ chế, chính sách của Trung ương về công tác giáo dục nghề nghiệp phù hợp với định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tình hình thực tế của địa phương. Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; công tác đào tạo nghề và các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nguồn lao động của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thứ hai, rà soát, bổ sung chính sách liên quan đến công tác giáo dục nghề nghiệp.

Trên cơ sở thực tiễn công tác quản lý, các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách về giáo dục nghề nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng.

Đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp. Tôn vinh người lao động có kỹ năng, tay nghề cao, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp; ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế.

Có chính sách khuyến khích học sinh khá giỏi trung học cơ sở, trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo hướng mở, linh hoạt và liên thông, với mục đích cung cấp cho người học những năng lực nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường lao động.

Chú trọng phát triển các nhóm ngành nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh, phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, xu hướng phát triển chung của khu vực, trong nước và quốc tế. Làm tốt công tác khảo sát nhu cầu đào tạo, lực lượng lao động, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xác định mục tiêu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên quỹ đất sạch dành cho giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia công tác đào tạo nghề, kết nối thị trường lao động và giải quyết việc làm. Mở rộng và hoàn thiện chuyển đổi số, số hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, dự báo, kết nối thị trường và quản lý lao động.

Tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỉ lệ học sinh sau trung học vào giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện vừa đào tạo dạy nghề vừa dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học sinh tốt nghiệp có bằng trung học phổ thông và bằng nghề bảo đảm chất lượng, có đủ điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp tục học tập, nâng cao trình độ.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; các chính sách cho người học, tình hình quản lý và sử dụng kinh phí đầu tư; kịp thời kiến nghị xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vi phạm quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

Thứ tư, chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đánh giá theo chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tự đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp hằng năm theo quy định; bảo đảm chất lượng chuẩn đầu ra của từng ngành, nghề đào tạo theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, đào tạo, quản trị nhà trường.

Đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, từng bước xây dựng giáo dục nghề nghiệp mở trên cơ sở áp dụng tiến bộ của công nghệ thông tin trong dạy và học, bảo đảm “học đi đôi với hành”; nâng cấp và chuẩn hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo.

Quan tâm đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, người dạy nghề, chuyên gia cho các ngành, nghề trọng điểm; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, chất lượng cao, tiếp cận chuẩn của các nước tiên tiến.

Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số cho người học. Thường xuyên cập nhật, đào tạo lại cho lực lượng lao động nhằm nâng cao khả năng thích ứng với yêu cầu đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế số... Đổi mới việc đánh giá kiến thức, kỹ năng của người học, người lao động; phát triển hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Thứ năm, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và giải quyết việc làm.

Nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động liên kết, hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, tăng thời gian đào tạo, thực hành cho người học trong doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến sử dụng, thành lập cơ sở thực hành tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung - cầu lao động với giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng hệ thống dữ liệu về thông tin thị trường lao động, lao động qua đào tạo gắn với phân tích, dự báo và cung ứng dịch vụ thông tin thị trường lao động tỉnh; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm sau đào tạo. Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trung tâm dịch vụ việc làm; đa dạng các hình thức tư vấn, mở rộng các hình thức “sàn giao dịch việc làm”, “hội chợ việc làm”… nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Thứ sau, ưu tiên ngân sách nhà nước, thúc đẩy xã hội hóa và huy động các nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp.

Tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm. Bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí hỗ trợ ngân sách của cấp trên về giáo dục nghề nghiệp. Chuyển nhanh cơ chế cấp ngân sách sang đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đẩy mạnh xã hội hoá, nghiên cứu hình thức hợp tác công - tư nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực, địa bàn mà khu vực ngoài công lập có thể tham gia. Thúc đẩy liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp như xây dựng chương trình đào tạo; tổ chức đào tạo, thực hành, thực tập; tham gia nghiên cứu khoa học; ứng dụng công nghệ mới… Bảo đảm chính sách bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập.

Thứ bảy, hội nhập quốc gia và quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp.

Chủ động, tích cực hội nhập quốc gia và quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo với các địa phương, cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao trong nước và nước ngoài. Tranh thủ các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đưa hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với tri thức, kỹ năng, mô hình, quản lý giáo dục mới, nâng cao năng lực hệ thống giáo dục nghề nghiệp của tỉnh.

Tiếp thu kinh nghiệm trong nước và quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, công nghệ mới trong giáo dục nghề nghiệp. Tích cực tham gia và từng bước nâng cao kết quả các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, khu vực...

Ngân Chi