Ai là người "đứng mũi chịu sào" Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở trường?

31/03/2024 06:50
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ở cấp THPT, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bằng với số tiết môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 nhưng hơn số tiết của 13 môn học bắt buộc và lựa chọn khác.

Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng dẫn hướng dẫn: “Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12; ở cấp tiểu học được gọi là Hoạt động trải nghiệm, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được gọi là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của học sinh trong các mối quan hệ với bản thân, xã hội, môi trường tự nhiên và nghề nghiệp; được triển khai qua bốn mạch nội dung hoạt động chính: Hoạt động hướng vào bản thân, Hoạt động hướng đến xã hội, Hoạt động hướng đến tự nhiên và Hoạt động hướng nghiệp”.

Điều này cho thấy, Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở chương trình 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem trọng nên bắt đầu từ lớp 1 đến lớp 12 đều được bố trí 3 tiết/ lớp/ tuần.

Đáng nói là phần nhiều các trường học hiện nay chưa có tổ chuyên môn, hoặc có trường thành lập tổ chuyên môn thì cấp trên không cho. Vì thế, dù là một hoạt động giáo dục bắt buộc ở cả 3 cấp học nhưng những năm qua, một số trường học đang thực hiện chưa hiệu quả và có nơi còn mang tính hình thức.

GDVN_N.Đ.jpg
Nhiều trường học không có tổ chuyên môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (Ảnh: H.M.)

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được phân bổ 3 tiết/tuần

Theo phân bổ số tiết của chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hoạt động trải nghiệm ở cấp Tiểu học có 105 tiết/ năm; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông cũng có 105 tiết/ năm. Bình quân mỗi tuần sẽ có 3 tiết/ lớp.

Nếu so sánh với các môn học bắt buộc ở cả 3 cấp học phổ thông, hoạt động này đang được bố trí số tiết tương đối nhiều so với các môn học bắt buộc khác. Ở cấp Tiểu học, Hoạt động trải nghiệm chỉ đứng sau số tiết của môn Toán, tiếng Việt, Ngoại ngữ 1 nhưng có số tiết nhiều hơn 7 môn học bắt buộc.

Đối với cấp Trung học cơ sở, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chỉ đứng sau các môn Ngữ văn, Toán; Khoa học tự nhiên (mỗi tuần 4 tiết); bằng số tiết với môn Lịch sử và Địa lí nhưng nhiều tiết hơn 6 môn học bắt buộc còn lại.

Lên cấp Trung học phổ thông, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bằng số tiết với Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 (cùng 105 tiết) nhưng hơn số tiết của 13 môn học bắt buộc và lựa chọn khác.

Điều này có nghĩa, Hoạt động trải nghiệm ở cấp Tiểu học và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông được xem là một hoạt động giáo dục quan trọng trong chương trình 2018.

Theo chương trình 2018, “Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được phân chia theo hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Giai đoạn giáo dục cơ bản: Ở cấp tiểu học, nội dung Hoạt động trải nghiệm tập trung vào các hoạt động khám phá bản thân, hoạt động rèn luyện bản thân, hoạt động phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp với lứa tuổi.

Ở cấp trung học cơ sở, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung hơn vào các hoạt động xã hội, hoạt động hướng đến tự nhiên và hoạt động hướng nghiệp; đồng thời hoạt động hướng vào bản thân vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Ngoài các hoạt động hướng đến cá nhân, xã hội, tự nhiên, nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp trung học phổ thông tập trung hơn vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp.

Thông qua các hoạt động hướng nghiệp, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp, làm cơ sở để tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp và rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai”.

Với định hướng như trên, cùng với số tiết được phân bổ trong mỗi tuần tương đối nhiều so với các môn học khác, rõ ràng chương trình 2018 đã đề cao Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế thực hiện đang gặp nhiều bất cập. Có trường thành lập tổ Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; có trường giao chung chung cho Đoàn, Đội hoặc phó Hiệu trưởng phụ trách ngoài giờ.

Đặc biệt, có trường loại I gặp khó khăn trong quản lý, thực hiện vì số lớp nhiều, số tiết lớn nên đã thành lập tổ chuyên môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thì cấp trên có ý kiến không cho lập tổ chuyên môn vì liên quan đến chế độ của tổ trưởng, tổ phó.

Vì thế, việc thực hiện hoạt động giáo dục bắt buộc này vẫn gặp những khó khăn, bất cập ở nhiều trường học.

Thành lập tổ Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được không?

Theo tìm hiểu của người viết về các văn bản hướng dẫn của Bộ, chưa thấy có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về việc ai sẽ là người “đứng mũi chịu sào” đối với hoạt động giáo dục bắt buộc này ở cả 3 cấp học phổ thông.

Ngay cả Công văn 3899/BGDĐT-GDTrH ngày 3/8/2023 và Công văn 5636/BGDĐT-GDTrH ngày 10/10/2023 về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp gần đây nhất cũng không đề cập vấn đề này.

Trong khi đó, tại Điều 14 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định về tổ chuyên môn như sau:

“Cán bộ quản lý, giáo viên, viên chức làm công tác thư viện, thiết bị giáo dục, cán bộ làm công tác tư vấn cho học sinh của nhà trường được tổ chức thành các tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn có tổ trưởng, nếu có từ 07 thành viên trở lên thì có tổ phó. Tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn do hiệu trưởng bổ nhiệm, chịu sự quản lý, chỉ đạo của hiệu trưởng.

Theo đó, tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau:

a) Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

b) Đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt.

…đ) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ chuyên môn và của nhà trường".

Nếu như căn cứ vào Điều 14 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, các trường- nhất là cấp Trung học cơ sở; Trung học phổ thông loại I, nếu có tổ chuyên môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ phù hợp hơn bởi các lí do sau:

Thứ nhất: số tiết của Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hiện nay có 3 tiết/ tuần nên hoạt động giáo dục này nhiều hơn một số môn học khác trong cùng cấp học. Trong khi, một số môn chỉ có 1 tiết/ tuần và có từ 3 người trở lên đều có thể thành lập tổ chuyên môn.

Trong khi, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có một lực lượng đông đảo cùng thực hiện môn học, nhất là trường loại I có nhiều trường lên đến trên 40 lớp nên số tiết mỗi năm học là rất lớn. Vì thế, việc triển khai các chủ đề/ lớp học cho dù thực hiện tập trung cũng khá nặng.

Thứ hai: nếu căn cứ vào Điều 14 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, nhà trường không có tổ chuyên Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thì hằng năm ai sẽ chủ trì xây dựng các kế hoạch giáo dục (kế hoạch năm; tháng; kế hoạch bài dạy (giáo án); xây dựng các hoạt động; thao giảng?

Làm sao có người chủ trì để “phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường”? Việc “đề xuất lựa chọn sách giáo khoa” ai sẽ là người đứng ra đảm nhận qua rất nhiều bước theo hướng dẫn của Bộ?

Thứ ba: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hiện nay có 3 tiết/ tuần nên việc đánh giá kết quả học tập của học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông phải tuân thủ theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT.

Điều này có nghĩa, mỗi học kỳ, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ có 2 cột điểm kiểm tra thường xuyên, 2 cột điểm kiểm tra định kỳ.

Tất nhiên, giáo viên đảm nhận hoạt động này ở các lớp phải ra đề kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Vậy, ai là người duyệt đề? Nếu không có người thực hiện các khâu này, thanh- kiểm tra của phòng, sở sẽ bắt bẻ vì đề kiểm tra định kỳ phải thực hiện lưu hồ sơ.

Chính vì thế, nếu không có hướng dẫn từ Bộ, Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo cụ thể, không được thành lập tổ chuyên môn có thể sẽ dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Phó hiệu trưởng ngoài giờ có thể đẩy cho phó hiệu trưởng chuyên môn và ngược lại. Hoặc nhà trường có thể “giao” cho một tổ trưởng nào đó phụ trách từng mảng hoạt động. Nhưng, không có phụ cấp trách nhiệm, không có quyền hành rõ ràng thì ai chịu gánh vác và nói ai nghe?

Hiện nay, Hoạt động trải nghiệm (ở cấp Tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) vốn đang thực hiện khá hình thức, mờ nhạt bởi không có người cụ thể “đứng mũi chịu sào” và chịu trách nhiệm chính.

Vì thế, Bộ cần có hướng dẫn cụ thể về việc các trường có thể thành lập tổ chuyên môn Hoạt động trải nghiệm; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được không? Nếu không, ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính hoạt động giáo dục này?

Nếu cứ như hiện nay, mọi thứ đều manh mún và hiệu quả, mục đích hoạt động giáo dục rất khó đạt được. Một hoạt động giáo dục có đến 3 tiết/ tuần/ lớp nhưng chưa có những định hướng rõ ràng, cụ thể nên mỗi nơi thực hiện mỗi cách khác nhau và dĩ nhiên là hiệu quả hoạt động giáo dục này đang khá mờ nhạt.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI