Còn nhiều ngổn ngang khi tổ chức dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

25/12/2022 06:42
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trường học cần thực hiện đúng những quy định tại các thông tư, không được “cào bằng” trong việc đóng góp; xây dựng kế hoạch thu chi từ đầu năm học.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc, dù triển khai giảng dạy 3 năm nay, nhưng nhiều trường học vẫn gặp khó trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên, kinh phí,... khi thực hiện.

Đánh giá Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cần phù hợp, khoa học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Trực - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện hiện chưa có giáo viên chuyên trách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Vì vậy, hiện nay, để tổ chức được hoạt động giáo dục bắt buộc này trong các nhà trường, Phòng đã chỉ đạo các trường sớm phân công giáo viên kiêm nhiệm.

“Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tùy thuộc từng địa phương, nội dung trong sách giáo khoa chỉ là một phần. Vì vậy, muốn tổ chức được, nhà trường và giáo viên phải tự xây dựng chủ đề, phân bổ thời gian hợp lý. Thậm chí cần lên kế hoạch gộp tiết, ghép lớp, dạy bù khi tiến hành cho học sinh đi tham quan, thực tế cả buổi hay một ngày.

Tất nhiên, giáo viên kiêm nhiệm dạy nên chất lượng không thể bằng các giáo viên được đào tạo bài bản nhiều năm trong trường đại học. Do vậy, mỗi giáo viên được phân công tổ chức hoạt động này cần nâng cao tinh thần tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu, tích lũy kiến thức”, ông Nguyễn Văn Trực nói.

Cũng theo Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức, dù sau này đào tạo được giáo viên chuyên trách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thì việc tuyển rất khó vì khi đó nguồn tuyển chưa nhiều và còn liên quan đến quyết định tinh giản biên chế. Chính vì vậy, trước mắt, các trường sư phạm có thể tổ chức lớp bồi dưỡng thường xuyên với hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp trong hè, các nhà trường sẽ phân công giáo viên phù hợp, có năng lực tham gia.

Với cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện hơn trước kia rất nhiều, việc tổ chức cho học sinh đi tham quan thực tế ở các khu di tích lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh,.. cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đối với các lớp học sinh nhỏ như lớp 1, 2 ,3 muốn tổ chức được các chuyến đi còn đòi hỏi sự quản lý sát sao từ phía giáo viên, nhà trường.

Thực tế, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đã được các trường tổ chức từ lâu (nhưng chương trình cũ không tính là hoạt động giáo dục bắt buộc), vì vậy, trước đó Phòng đã góp ý với Sở và Ủy ban nhân dân huyện hỗ trợ kinh phí đi lại đến các nhà máy, xí nghiệp đối với lớp 8, 9 để giáo dục hướng nghiệp. Trong tương lai cũng sẽ vận động để có các khoản hỗ trợ đối với các khối lớp khác.

Học sinh đi trải nghiệm, hướng nghiệp tại trường nghề. Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Học sinh đi trải nghiệm, hướng nghiệp tại trường nghề. Nguồn: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

“Theo tôi, đối với các trường còn khó khăn trong việc tổ chức các chuyến đi trải nghiệm thực tế thì giáo viên có thể sưu tầm hoặc tự đi quay các video tài liệu, biên tập lại, chiếu cho học sinh xem, tích cực tổ chức các hoạt động tại đơn vị.

Trường hợp vận động xã hội hóa để có kinh phí cho các em đi thực tế thì cần có kế hoạch rõ ràng, công khai, minh bạch.

Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức cũng làm việc với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ hỗ trợ các chuyến đi này. Về phía nhà trường, cần kết nối với hội phụ huynh để có sự tuyên truyền thông tin tốt nhất.

Trong các chuyến đi chắc chắn sẽ có những học sinh không thể tham gia được. Vì vậy trong khâu đánh giá cần cân đối sao cho phù hợp và khoa học”, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức lưu ý.

Không thu các khoản ngoài quy định khi thực hiện xã hội hóa kinh phí cho Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

Để tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, các trường ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) phân công nhiều giáo viên phụ trách. Cụ thể, tiết chào cờ có lồng ghép hoạt động này sẽ do giáo viên chủ nhiệm phối hợp với tổng phụ trách đội tổ chức; tiết sinh hoạt lớp phân công giáo viên chủ nhiệm phụ trách; tiết hoạt động chủ đề, hướng nghiệp phân cho giáo viên bộ môn phù hợp với nội dung dạy.

Theo ông Phan Ngọc Nam - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Bắc Trà My, căn cứ vào quy mô từng trường thì trong các hoạt động thực tế sẽ thành lập ban tổ chức; các giáo viên hỗ trợ; đại diện phụ huynh học sinh; bên cạnh đó có thể huy động thêm đoàn thanh niên của địa phương.

Ngay từ đầu năm học, các nhà trường đã phải có kế hoạch giáo dục, nộp về Phòng, từ đó Phòng sẽ có những nhận xét, góp ý và phê duyệt.

“Có trường lên kế hoạch tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm ở địa điểm cách trường 30-40 km. Đây là khoảng cách quá xa, không phù hợp, khó đảm bảo an toàn. Vì vậy, Phòng cũng đã góp ý nên chọn các địa điểm phù hợp hơn”, ông Phan Ngọc Nam nói.

Về kinh phí tổ chức các chuyến đi, phần lớn sẽ trích từ nguồn kinh phí của các nhà trường, huy động nguồn xã hội hóa. Các trường có thể vận động đóng góp của phụ huynh, kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ thêm.

Tuy nhiên, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Bắc Trà My lưu ý các trường cần thực hiện đúng những quy định tại các thông tư đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục địa phương ban hành như không cho phép các trường thu các khoản thu ngoài quy định, không được “cào bằng” trong việc đóng góp; xây dựng kế hoạch thu chi, huy động nguồn lực xã hội từ đầu năm học.

Nếu cần, các trường có thể gửi tờ trình qua Ủy ban nhân dân địa phương xin hỗ trợ về con người khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế tại địa phương.

“Hiện nay, số tiết dạy quy định của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết/tuần, tuy nhiên do các trường còn xảy ra tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên nên việc phân công giáo viên kiêm nhiệm Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cần cân nhắc, tính toán kỹ”, ông Phan Ngọc Nam chia sẻ.

Anh Trang