Ai chịu trách nhiệm bố trí việc làm cho đối tượng cử tuyển?

07/08/2022 06:38
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng chính sách với đối tượng cử tuyển còn bất cập, và đề xuất giải pháp để vấn đề này hiệu quả hơn.

Điểm c, Điều 5 Nghị định 141/2020/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, có nêu đối tượng cử tuyển được nhận hồ sơ xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều người học diện cử tuyển khi ra trường không được địa phương xét duyệt, bố trí việc làm, gây lãng phí nguồn nhân lực chất lượng và tốn kém ngân sách nhà nước. Phải làm sao để quy định trên phù hợp với nhu cầu nhân lực của các địa phương vẫn là bài toán nan giải.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đông Phương (cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho hay, vào những năm 90 khi thực hiện chế độ cử tuyển, đối tượng cử tuyển học xong sẽ được bố trí công việc tại địa phương do còn nhiều chỉ tiêu biên chế.

Tiến sĩ Lê Đông Phương. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Tiến sĩ Lê Đông Phương. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Chính sách cử tuyển từng có một giai đoạn tạm dừng, sau đó có chủ trương địa phương đặt hàng đào tạo đối tượng cử tuyển tại các trường đại học. Theo đó, trường đại học sẽ xét tuyển học sinh của tỉnh cử đi đào tạo, học xong, người học phải có nghĩa vụ về tỉnh công tác.

Phân tích mặt hạn chế của chính sách cử tuyển, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, do cơ chế của chúng ta chưa rõ ràng về trách nhiệm bố trí việc làm với đối tượng cử tuyển, nên sau nhiệm kỳ 5 năm, cơ cấu bộ máy mới sẽ có thể không theo sát được.

Bên cạnh đó, những năm gần đây chúng ta thực hiện tinh giản biên chế nên dù tỉnh muốn bố trí việc làm cho đối tượng cử tuyển cũng rất khó.

"Trong chính sách với đối tượng cử tuyển không nêu sự ràng buộc về việc phân công công tác cho họ khi học xong. Việc thiếu ràng buộc đã đặt ra câu hỏi: ai sẽ chịu trách nhiệm bố trí việc làm cho đối tượng cử tuyển? Trong chuyện này, rõ ràng người học không phải chịu trách nhiệm, trừ trường hợp họ không học xong", Tiến sĩ Lê Đông Phương chia sẻ.

Tiến sĩ Lê Đông Phương phân tích tiếp về "lỗ hổng" của chính sách cử tuyển đó là, nếu địa phương không sử dụng đối tượng cử tuyển, tức không bố trí công việc cho họ trong khoảng 2 năm, thì địa phương có để người học đi làm nơi khác hay không cũng chưa được quy định rõ ràng.

"Nếu còn thực hiện chính sách cử tuyển như hiện nay, chúng ta sẽ còn nhiều vấn đề để bàn luận", Tiến sĩ Phương nói.

Có địa phương không trả tiền cho trường đào tạo đối tượng cử tuyển

Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, hợp đồng cử tuyển cũng từng gây ra những tranh cãi, như đối tượng cử tuyển học được 2 – 3 năm nhưng tỉnh không chuyển kinh phí cho nhà trường. Trong trường hợp này, nhà trường dừng đào tạo, sinh viên sẽ bị gián đoạn việc học.

Hay từng có trường hợp sinh viên diện cử tuyển học xong nhưng địa phương không trả tiền cho đơn vị đào tạo. Vì vậy nhà trường đã không trả bằng tốt nghiệp cho sinh viên. Việc không rõ ràng về hợp đồng đào tạo cử tuyển là giữa địa phương với nhà trường, hay giữa địa phương với người học cũng đã bộc lộ những bất cập.

"Chủ trương cử tuyển là rất tốt nhưng quá trình thực hiện còn phát sinh vấn đề. Địa phương muốn cử người đi học nhưng khi đối tượng cử tuyển ra trường, việc sử dụng họ như thế nào lại không có ràng buộc", Tiến sĩ Phương cho hay.

Tiến sĩ Lê Đông Phương cũng nhận định, chính sách cử tuyển có ý nghĩa tích cực là đào tạo theo địa chỉ, nhưng việc đào tạo theo định hướng nhu cầu nhân lực của thị trường lại chưa được thực hiện.

Mặt hạn chế trên được bộc lộ rõ khi địa phương cần nguồn nhân lực vào các vị trí đơn vị sự nghiệp công lập ngay, thì đối tượng ở địa phương khác sẽ ứng tuyển, lúc đó sẽ không còn chỗ cho các đối tượng cử tuyển khi học xong về công tác.

Từ đây, có thể thấy, công tác dự báo nguồn nhân lực của các địa phương trong thời gian 5-10 năm còn hạn chế.

Bên cạnh đó, cử tuyển chỉ nhắm đến đào tạo đội ngũ cho bộ máy chính quyền địa phương, trong khi đó tổ chức bộ máy nhà nước lại luôn biến động. Đồng thời việc đào tạo đối tượng cử tuyển không phải cho khu vực kinh tế nói chung, nên khi thay đổi chính sách về khu vực công, người học sẽ chịu ảnh hưởng, họ khó chuyển sang các ngành khác ngoài đơn vị công lập.

Trường cao đẳng, đại học của địa phương cần được xây dựng, phát triển hợp lý hơn

Về giải pháp, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển các trường cao đẳng, đại học địa phương. Khi đó, việc đào tạo sẽ bám sát với thực tiễn của từng địa phương hơn.

“Phải từ bỏ tư duy đưa người của địa phương đi học cử tuyển để sau này về phục vụ cho bộ máy. Thay vào đó, phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống các trường cao đẳng cộng đồng hoặc đại học cộng đồng của các tỉnh để đào tạo nhân lực ngay tại chỗ, phù hợp thực tiễn", Tiến sĩ Lê Đông Phương nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, trước đây các trường cao đẳng cộng đồng của các tỉnh thuộc sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau đó, các trường này được giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý đi theo hướng đào tạo nghề nghiệp, điều này bộc lộ hạn chế là sinh viên cao đẳng tại địa phương muốn học tiếp lên đại học nhưng không có cơ hội.

Bởi vậy, việc mở các trường cao đẳng cộng đồng như trước đây tại vùng có điều kiện khó khăn sẽ phù hợp với thực tiễn, sau này các em muốn học tiếp lên đại học tại địa phương cũng dễ.

“Cần khôi phục trường cao đẳng cộng đồng và phát triển hơn nữa đại học địa phương, mô hình kiểu như Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Hà Tĩnh… sẽ bám sát nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương và việc chuyển tiếp sinh viên từ hệ cao đẳng lên học đại học cũng thuận lợi hơn”, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho hay.

Mạnh Đoàn