Ai cầm con dấu, tài khoản thì đó là người chịu trách nhiệm cao nhất ở trường ĐH

15/08/2023 18:21
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có giải đáp thẳng thắn về tranh luận liên quan đến vấn đề ai là người đứng đầu trường đại học.

Trao đổi tại buổi gặp gỡ các giáo viên trong chương trình "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục" chiều ngày 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trực tiếp giải đáp thắc mắc liên quan đến câu hỏi “nóng” luôn được dư luận quan tâm: Ai là người đứng đầu trường đại học?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng chia sẻ, câu hỏi này đã được đề cập nhiều, tuy nhiên đến nay Bộ Nội vụ cũng chưa có một văn bản chính thức nào về vấn đề này.

Ở cương vị là lãnh đạo ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định:

“Nếu nói về một cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật của một cơ sở giáo dục đại học thì cá nhân ấy không ai khác là hiệu trưởng. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật, người phụ trách về tài khoản, con dấu. Khi cần gọi đến 1 trường học làm việc, người ta sẽ gọi hiệu trưởng. Đây là điều đương nhiên”.

Về vai trò của chủ tịch hội đồng trường, Bộ trưởng phân tích, hội đồng trường là một tổ chức quyền lực cao nhất, chủ tịch là một thành viên điều hành Hội đồng đó. Theo đó, hai người kí văn bản (hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường - PV) sẽ khác nhau.

“Hiệu trưởng kí là hiệu trưởng, còn chủ tịch hội đồng trường chỉ thay mặt hội đồng trường. Quyền lực hội đồng trường là quyền lực tập thể, và chủ tịch hội đồng trường là 1 phiếu trong cơ chế tập thể đó. Nhưng hội đồng trường là tổ chức có quyền lực cao nhất, hội đồng trường quyết định việc chọn hiệu trưởng.

Nhưng khi đã lựa chọn và được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận thì lúc này, xét về phương diện vai trò cá nhân, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật về mọi hoạt động của nhà trường”, lãnh đạo Bộ nói.

Bộ trưởng nhìn nhận, sở dĩ có tranh luận ai là người đứng đầu trường đại học là bởi từ thực tế có một số các trường đại học khi hình thành cơ chế hội đồng, đã có những việc xung khắc giữa ban giám hiệu và hội đồng trường.

Theo Bộ trưởng, điều quan trọng là cả hai phía hội đồng trường và ban giám hiệu cần phải thực hiện đúng vai, mỗi người một chức năng, mỗi người một nhiệm vụ. Hội đồng trường giải quyết công việc bằng các nghị quyết của tập thể, hoạt động định kỳ, xử lý công việc do ban giám hiệu trình.

“Nói như vậy không có nghĩa là chủ tịch hội đồng là vai trò nhỏ. Tuy nhiên, về mặt quyết định cá nhân, chúng ta phải nói rằng người nào cầm con dấu, phụ trách tài khoản thì đó là người chịu trách nhiệm cao nhất trong một trường đại học”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh thêm.

Cũng theo Bộ trưởng, đây không phải là câu chuyện “quyền anh quyền tôi”, mà vấn đề là mỗi người có có một vai trò riêng, và cả hai đều rất quan trọng trong triển khai hoạt động của một nhà trường.

Kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (gọi tắt là Luật giáo dục đại học) có hiệu lực, hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt thúc đẩy việc thực hiện tự chủ đại học.

Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai, tự chủ đại học cũng đang đặt ra những vấn đề quan trọng cần tháo gỡ. Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều là những vướng mắc liên quan đến các mối quan hệ về quyền lực và trách nhiệm giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng.

Doãn Nhàn