4 năm, Hà Nội cấp hơn 108 tỷ đồng để bồi dưỡng cán bộ quản lý, GV

13/02/2023 06:28
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để nâng cao chất lượng đội ngũ các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thành phố Hà Nội đã phê duyệt kinh phí cấp cho Sở Giáo dục và Đào tạo.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, năm 2022, biên chế sự nghiệp khối giáo dục được giao là 99.711 biên chế (tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các trường dạy trẻ khuyết tật), thấp hơn so với định mức của ngành giáo dục quy định: 10.265 biên chế viên chức. Số viên chức hiện có của thành phố là 90.274.

Tính đến ngày 30/9/2020, toàn Thành phố có 77.211 cán bộ quản lý và giáo viên, trong đó 14.817 giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, chiếm 19,19%.

Năm 2022, Hà Nội giao 4.200 chỉ tiêu hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy cho các trường mầm non, phổ thông công lập. Ảnh minh họa

Năm 2022, Hà Nội giao 4.200 chỉ tiêu hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy cho các trường mầm non, phổ thông công lập. Ảnh minh họa

Để thực hiện việc nâng chuẩn theo kế hoạch Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành, 7.222 giáo viên phải bố trí tham dự các lớp đào tạo theo chuẩn mới (trong đó, đào tạo trình độ Cao đẳng cho 1.309 giáo viên mầm non, trình độ Đại học cho 3.946 giáo viên tiểu học và 1.967 giáo viên trung học cơ sở).

Về việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên, năm 2019, số giáo viên trúng tuyển trên địa bàn là 8.345 người, đạt 76,22%. Thành phố cũng đã chỉ đạo tuyển dụng 1.898 /1.998 viên chức giáo viên (đạt 95%).

Đến nay, 7/30 quận, huyện đã tổ chức thành công kỳ tuyển dụng tại đơn vị, 04 quận, huyện đã có văn bản đề nghị thẩm định chỉ tiêu tuyển dụng. Các đơn vị khác đang rà soát số lượng giáo viên còn thiếu để đăng ký tuyển dụng.

Ban hành văn bản số 2786/UBND-SNV ngày 25/8/2022 về quản lý và sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp giai đoạn 2022-2026, chỉ đạo Sở Nội vụ hướng dẫn việc đảm bảo số dư để thực hiện tinh giản 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với biên chế được giao năm 2021.

Về việc sử dụng hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy, thực hiện Quyết định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương và Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về biên chế, trong giai đoạn 2022-2026 tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế 10% đối với biên chế viên chức.

Để giải quyết khó khăn thiếu giáo viên, thành phố đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã rà soát số lượng giáo viên còn thiếu, số lượng các đơn vị sự nghiệp giáo dục tự chủ một phần chi thường xuyên, báo cáo Thành phố ban hành Quyết định giao chỉ tiêu ký hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị.

Theo đó năm 2021 giao 3.029 chỉ tiêu, năm 2022 giao 4.200 chỉ tiêu hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy cho các trường mầm non, phổ thông công lập.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên triển khai chương trình mới

Thành phố đã tiến hành rà soát đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Từ năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã giao nhiệm vụ cho Trường Bồi dưỡng Cán bộ giáo dục Hà Nội phối hợp với các phòng thuộc Sở xây dựng và triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thành phố Hà Nội đã phê duyệt kinh phí cấp cho Sở Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, năm 2018: cấp 28.933 triệu đồng để bồi dưỡng cho 86.704 cán bộ quản lý, giáo viên; năm 2019: cấp 27.298 triệu đồng để bồi dưỡng cho 146.175 cán bộ quản lý, giáo viên; năm 2020: cấp 7.337 triệu đồng để bồi dưỡng cho 26.332 cán bộ quản lý, giáo viên; năm 2021: cấp 35.257 triệu đồng để bồi dưỡng cho 73.849 cán bộ quản lý, giáo viên; năm 2022: cấp 10.042 triệu đồng để bồi dưỡng cho 28.923 cán bộ quản lý, giáo viên.

Ngoài ra, trong 3 năm: 2018, 2019 và 2020, Thành phố đã phê duyệt kinh phí cấp cho Sở Giáo dục và Đào tạo theo Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 (tại Quyết định số 2315/QĐ-UBND ngày 17/4/2017).

Theo đó, mỗi năm Sở Giáo dục và Đào tạo được cấp 14.000 triệu đồng để đào tạo, bồi dưỡng cho 1.280 cán bộ quản lý và giáo viên.

Về tập huấn thay sách giáo khoa, năm học 2020-2021, tháng 12/2020, Hà Nội tổ chức bồi dưỡng đại trà cho 10.165 học viên là giáo viên dạy lớp 1, tổ trưởng chuyên môn và cán bộ quản lý trường tiểu học.

Năm học 2021-2022, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên chuẩn bị dạy lớp 2. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học tham dự tập huấn sách giáo khoa lớp 2 là 5.950 người, trong đó có 1.827 cán bộ quản lý và 4.123 giáo viên tham gia dạy lớp 2.

Tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên chuẩn bị dạy lớp 6 của năm học 2021-2022. Tổng số cán bộ quản lý và giáo viên trung học cơ sở tham dự tập huấn sách giáo khoa lớp 6 là 26.284 người.

Năm học 2022-2023, tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 3, 7 và lớp 10 bằng hình thức trực tuyến. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên tham dự tập huấn lớp 3 là 6.025 người; lớp 7 là 22.500 người; lớp 10 là 8.900 người. 3.1.5. Về việc bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp, các môn học mới.

Tại buổi giám sát chuyên đề "Việc thực hiện nghị quyết số 88/2014/QH13 và nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022" trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có những chia sẻ về khó khăn trong bài toán đội ngũ giáo viên.

Theo ông Tiến, năm nay Hà Nội đảm bảo giáo viên môn tiếng Anh nhưng sang năm, môn tiếng Anh thêm 4 tiết/tuần ở cả lớp 3 và lớp 4 thì sẽ khó khăn về đội ngũ, sở giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo các phòng giáo dục tìm hiểu, nghiên cứu, để nếu chưa có biên chế thì phải hợp đồng để đảm bảo việc dạy học tiếng Anh cho học sinh.

Môn Tin học cũng rơi vào tình trạng đó, nhưng rất khó khăn trong tuyển dụng giáo viên Tin học, vì lý do chuẩn giáo viên phải đạt trình độ đại học, mà cử nhân tin học làm việc ở các công ty lương cao hơn nhiều, nên tuyển dụng khó khăn, đây là vấn đề mà sở đang rất trăn trở.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội với đặc thù là dân số tăng nhanh nên thường xuyên gặp khó khăn trong bài toán đội ngũ. Những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến nhờ sự chỉ đạo sát sao ở tầm vĩ mô cũng như chỉ đạo thực tiễn của thành phố, tuy vậy vẫn còn những khó khăn.

Ông Quyền cho hay, vấn đề tinh giản biên chế phải thực hiện, nhưng nếu có phát sinh thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương thì cần nghiên cứu để có cơ chế đáp ứng nguồn giáo viên, chứ không thể để thiếu giáo viên, làm ảnh hưởng tới chất lượng của giáo dục.

Liên quan đến việc mượn giáo viên giữa các trường để giải quyết thừa thiếu giáo viên sở giáo dục và đào tạo cũng cần nghiên cứu, có hướng dẫn cụ thể để điều tiết, điều phối phục vụ tốt nhất cho các nhà trường, đảm bảo hoạt động dạy và học.

Phạm Minh