1- Việt Nam tổ chức thành công APEC 2017, nâng cao vị thế quốc gia, thúc đẩy hợp tác quốc tế
Năm 2017, APEC đã được tổ chức thành công rực rỡ tại Việt Nam. Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, APEC 2017 đã thành công toàn diện trên cả lĩnh vực song phương và đa phương.
APEC 2017 đã đề ra những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong giai đoạn mới, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Thành công của APEC 2017 đã nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam tổ chức thành công APEC 2017, nâng cao vị thế quốc gia, thúc đẩy hợp tác quốc tế (apec2017.vn) |
2- Nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực được đưa ra xét xử
Từ sau Phiên họp thứ 12 (tháng 7/2017) của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống tham nhũng, các cơ quan chức năng đã tích cực, khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với mức án nghiêm minh, đúng pháp luật, được dư luận đánh giá cao.
Trong năm 2017, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng và phức tạp đã được đưa ra xét xử, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Trong đó có các vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm tại Oceanbank; vụ án bà Châu Thị Thu Nga và các đồng phạm xảy ra tại Housing Group…
Ngày 31/7, Bộ Công an thông tin Trịnh Xuân Thanh là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đầu thú.
Ngày 8/12, Cơ quan chức năng đã đình chỉ sinh hoạt đảng; tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội; khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, làm rõ sai phạm liên quan đến nhiều lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, buộc các cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngày 25/12, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 thuộc cấp về 2 tội danh "Cố ý làm trái..." và "Tham ô tài sản".
Xử lý nghiêm cả các cán bộ lãnh đạo đương chức hay nghỉ hưu, ở trung ương và địa phương, thể hiện rõ quyết tâm, sự đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực được đưa ra xét xử (Ảnh:Lại Cường) |
3 - Kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương về thành ủy Đà Nẵng
Ngày 29/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 18. Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét việc thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố và ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về các vi phạm, khuyết điểm như đã kết luận tại Kỳ họp 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Việc kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân nêu trên tại các tổ chức đảng được thực hiện nghiêm túc, đúng theo kế hoạch của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại đa số cán bộ, đảng viên cho rằng mức kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, thấu lý đạt tình.
Cả chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và Bí thư thành ủy Nguyễn Xuân Anh đều bị kỷ luật. (Ảnh:Lại Cường) |
4- Một số dự án BOT giao thông gây nóng dư luận
Năm 2017, dư luận xã hội dành nhiều sự quan tâm đến những bất cập xung quanh một số dự án BOT giao thông. Dù dự án BOT là đúng đắn, nhiều dự án BOT đã góp phần cải thiện hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế, tuy nhiên vẫn còn những trạm BOT gây bức xúc. Các trạm BOT Cai Lậy, Vinh – Bến Thủy đã tạo ra những hiện tượng dư luận xấu.
Để tháo gỡ một số bất cập của BOT, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong quá trình thực hiện có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì cần phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa đổi.
Việc thu phí ở một số BOT vẫn gây nhiều tranh cãi (Ảnh:VTV) |
5- Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học thành công, gọn nhẹ, giảm tốn kém, giảm áp lực cho thí sinh và xã hội.
Trong các ngày 22, 23, 24/6, Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 đã được tổ chức tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; kỳ thi được tổ chức trong 2,5 ngày (trước đây là 4 ngày).
Năm nay, mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi.
Đây là lần đầu tiên các sở chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu của kỳ thi. Thí sinh được thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngay tại trường mình học.
Có 4/5 môn thi, bài thi được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Lần đầu tiên có các bài thi tổ hợp gồm các môn thi thành phần và cũng là lần đầu tiên, môn Giáo dục công dân được đưa vào Kỳ thi.
Điều này giúp cho tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi các môn Khoa học xã hội tăng cao, chiếm hơn 50%, trong đó môn Lịch sử có trên 58% thí sinh lựa chọn (những năm trước tỷ lệ này là khoảng 15%).
Mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề thi riêng, nhằm ngăn chặn tình trạng quay cóp và các gian lận, tiêu cực trong phòng thi.
Phương thức này đã đặt ra yêu cầu học sinh học phải học đều chương trình, góp phần thực hiện tốt mục tiêu giáo dục toàn diện trong nhà trường phổ thông và hạn chế học tủ, học lệch, luyện thi.
Thí sinh được đăng ký xét tuyển đại học cùng lúc với đăng ký dự thi với số nguyện vọng không giới hạn đã tạo điều kiện cho thí sinh phát huy tối đa năng lực sở trường và điều kiện của mình.
Phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 sẽ được giữ ổn định cho tới năm 2020.
6 - Bão số 12 làm 107 người chết, gây thiệt hại khoảng 22 nghìn tỷ đồng
Bão số 12 (Damrey), cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua, bất ngờ đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 107 người chết, 16 người mất tích, 342 người bị thương, 165.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 3.500 ngôi nhà bị hư hại hoàn toàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá bão số 12 gây thiệt hại khoảng 22 nghìn tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).
Năm 2017, Việt Nam phải hứng chịu 16 cơn bão với những thiệt hại nặng nề về người và tài sản (375 người chết và mất tích, 636 người bị thương, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất khoảng 51.590 tỷ đồng).
Bão số 12 làm 107 người chết, gây thiệt hại khoảng 22 nghìn tỷ đồng (Ảnh : Lại Cường) |
7 - Việt Nam hoàn thành tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế- xã hội
Lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế đều đạt yêu cầu đề ra.
GDP tăng trưởng khoảng 6,7%, xuất khẩu trên 200 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 33 tỷ USD, đón khoảng 13 triệu lượt du khách quốc tế, hơn 120 ngàn doanh nghiệp thành lập mới... Những kết quả này tạo đà thuận lợi đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. (Ảnh: Tạp chí cộng sản) |
8 - Cấp phép cả Quốc ca
Tháng 3/2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn ban hành quyết định thu hồi 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 bao gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương). Trước phản ứng của dư luận, ngày 14/4/2017, 5 ca khúc nói trên lại được lưu hành bình thường.
Đến tháng 4/2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gây bức xúc trong dư luận khi cấp phép cho hàng loạt ca khúc quen thuộc như Tiến quân ca (Văn Cao), Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên)…
Ngày 22/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển.
Ngày 29/5, ông Nguyễn Đăng Chương bị cho thôi chức Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Dư luận bức xúc vì ca khúc "Tiến quân ca" nằm trong danh mục được cấp phép (Ảnh: Tinnhac) |
9 - Hai thành phố lớn giành lại vỉa hè
Năm 2017 chứng kiến quyết tâm lớn nhất của hai thành phố lớn nhất của cả nước trong việc lập lại trật tự vỉa hè cho người đi bộ.
Lập lại trật tự vỉa hè một cách quyết liệt khởi đầu từ quận 1 – Thành phố Hồ Chí Minh, giờ đây đã lan nhanh sang nhiều tỉnh thành phố. Ngày 10/3, thành phố Hà Nội cũng đồng loạt ra quân xử lý các vi phạm trên lòng đường, vỉa hè; vận động các hộ kinh doanh tự giác trả lại hè đường cho người đi bộ.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo quận 1 đã đích thân xuống đường tham gia cùng các cơ quan chức năng dọn giành lại vỉa hè. Còn tại Hà Nội, các cơ quan ban ngành cũng đã phối hợp tích cực.
Việc giành lại vỉa hè có đạt được một số thành tựu nhất định, tuy nhiên, việc chuyển biến chưa được như kỳ vọng.
Cuối tháng 11/2017, một số cán bộ bảo kê vỉa hè đã bị cách chức, xử lý.
Quyết tâm của các cơ quian chức nưng trong việc giành lại vỉa hè trong năm 2017 (Ảnh: Lại Cường) |
10 - Nghị quyết về tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị
Ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 18-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được triển khai.
Nghị quyết này đã tao chuyển biến mạnh mẽ trong việc tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế; tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ; phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính…
Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Quốc hội, Hội đồng Nhân dân nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành các nghị quyết, đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện chủ trương này.
Nghị quyết số 18-NQ/TW được kỳ vọng sẽ tinh giản bộ máy gọn nhẹ (Ảnh:VTV) |