10 năm thực hiện Đề án trường chuyên, Bộ GD báo cáo gì về đội ngũ giáo viên?

29/03/2022 06:40
Hà Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, cơ chế, chính sách thu hút giáo viên giỏi về công tác giảng dạy tại trường chuyên ở một số nơi chưa hấp dẫn.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 10 năm thực hiện Đề án “phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020” cho thấy, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý được đầu tư phát triển đảm bảo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp; nâng tỉ lệ giáo viên, cán bộ quản lý có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đồng thời với việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và khả năng nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, đáp ứng nhu cầu vừa tăng quy mô, vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các trường chuyên.

Cụ thể, về trình độ đào tạo: Tại thời điểm năm học 2010-2011, so với tổng số giáo viên, cán bộ quản lý trường chuyên, số người có trình độ Tiến sĩ đạt 0.49%, Thạc sĩ 29.19%; năm học 2014-2015, số người có trình độ Tiến sĩ đạt 0.67 %, Thạc sĩ 41.28 %; đến năm học 2019-2020, số người có trình độ Tiến sĩ đạt 1.57 %, Thạc sĩ 53.62 % (theo số liệu thống kê từ báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo).

Bên cạnh việc phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý về số lượng, chất lượng của đội ngũ này cũng được các cơ quan quản lý các cấp đặc biệt quan tâm. Đội ngũ giáo viên trường chuyên đã trở thành đội ngũ giáo viên đầu đàn về hoạt động chuyên môn trong toàn tỉnh, khuyến khích tạo động lực và có sức lan tỏa tới các giáo viên trường trung học phổ thông tại địa phương và trên toàn quốc. Đội ngũ giáo viên chuyên, với chuyên môn vững vàng luôn được huy động để tham gia xây dựng tài liệu giảng dạy, kiểm tra đánh giá các môn học và hoạt động giáo dục cấp tỉnh/ thành phố và cấp quốc gia đồng thời góp phần tích cực trong việc triển khai tập huấn bồi dưỡng thường xuyên cho các giáo viên tại địa phương.

Cán bộ quản lý, giáo viên chuyên đã xây dựng các diễn đàn qua các mạng xã hội chia sẻ kinh nghiệm quản lý đặc thù mô hình trường chuyên, đổi mới trong cách thức xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, cũng như các kinh nghiệm về giảng dạy chuyên môn sâu và nguồn học liệu phong phú đa dạng phục vụ môn học chuyên.

Trình độ tin học của các giáo viên đã được cải thiện. Tại thời điểm năm học 2019 – 2020, đã có 90% số lượng giáo viên thành thạo tin học (theo số liệu thống kê từ báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo).

Trình độ ngoại ngữ được cải thiện: 60,2% giáo viên có trình độ ngoại ngữ từ bậc A2-B1; 22,1% giáo viên có trình độ ngoại ngữ từ trình độ B2 trở lên chủ yếu là các giáo viên dạy ngoại ngữ (theo số liệu thống kê từ báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo).

Hình ảnh số liệu báo cáo: nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo

Hình ảnh số liệu báo cáo: nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong giai đoạn 2010-2020, Bộ đã ban hành các văn bản liên quan đến cơ cấu, định mức giáo viên, nhân viên, tiêu chuẩn giáo viên, cán bộ quản lý trường chuyên trên cơ sở chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng trường trung học và các quy định khác về giáo viên, cán bộ quản lý trường trung học phổ thông đã được ban hành (Quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên, Quy định về chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên) tạo hành lang pháp lý quan trọng để phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.

Như vậy có thể nói, so với trường trung học phổ thông bình thường khác, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của trường chuyên đã có những bước đột phá về trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm, được chủ động, linh hoạt và sáng tạo hơn, đồng thời có nhiều cơ hội tiếp cận, cập nhật nhạy bén hơn với những đổi mới trong khu vực và trên thế giới trong công nghệ giáo dục, được quan tâm, ưu đãi nhiều hơn và có nhiều cơ hội được cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Mặc dù trình độ chuyên môn của giáo viên, cán bộ quản lý đã từng bước được cải thiện, về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của công tác giáo dục chuyên sâu, qua khảo sát trực tiếp tại một số trường chuyên cho thấy chưa xây dựng được mạng lưới hoạt động mạnh mẽ của đội ngũ giáo viên đầu đàn, một bộ phận chưa thực sự đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Trình độ về ngoại ngữ của giáo viên chuyên và cán bộ quản lý hiện nay chưa thể đáp ứng và theo kịp với tốc độ hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.

Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách thu hút giáo viên giỏi về công tác giảng dạy tại trường chuyên ở một số nơi chưa hấp dẫn. Nhận thức về tầm quan trọng của ngoại ngữ còn hạn chế. Tư duy chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng nội dung và phương pháp dạy học ở một bộ phận giáo viên chưa được phát huy.

Để khắc phục những hạn chế này, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong các trường trung học phổ thông chuyên thời gian tới bằng cách:

Phát triển tài liệu chuyên môn để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên.

Tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên về quản trị nhà trường, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá đặc thù đối với học sinh năng khiếu, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, tăng cường năng lực ngoại ngữ và tin học. Tăng cường giao lưu giữa các trường chuyên và các trường đại học.

Hà Anh