Xã hội hóa nên làm nhưng đừng lạm dụng "tự nguyện" ép buộc ủng hộ

25/10/2022 06:36
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngân sách eo hẹp thì thực hiện xã hội hoá giáo dục cũng là điều nên làm. Tuy nhiên, đừng lạm dụng "tự nguyện" để ép buộc phụ huynh phải ủng hộ.

Từ đầu năm học đến nay, câu chuyện lạm thu ở nhiều trường học đang làm dậy sóng dư luận. Các khoản thu gây bất bình nhất phải kể đến tiền mua ti vi, máy lạnh, đèn chiếu và một số trang thiết bị phòng học khác.

Người đứng ra kêu gọi phụ huynh đóng góp là Ban đại diện cha mẹ học sinh. Mặc dù, họ luôn nói đến cụm từ ủng hộ tự nguyện nhưng họ luôn lấy tổng số tiền để mua trang thiết bị chia cho đầu học sinh mỗi lớp (tất cả các lớp trong trường đều thế).

Thế nên, phụ huynh không có quyền từ chối đóng góp, chỉ được quyền đóng nhiều tiền hơn nhưng vẫn không thể đóng ít hơn.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Phụ huynh bất bình vì nhiều lẽ, người nói rằng mình bị bắt buộc đóng góp trong khi không có quy định như vậy. Người lại quá nghèo không thể theo nổi các khoản đóng góp đã đề ra.

Vì lẽ đó, làn sóng phản đối việc thu chi quỹ hội của Ban đại diện cha mẹ học sinh mỗi năm học luôn trở thành đề tài nóng trên các diễn đàn xã hội.

Nhiều trường học hiện nay, đang lạm dụng một số quy định trong Thông tư 55 về hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh để kêu gọi phụ huynh đóng góp.

Trong khi, việc mua sắm trang thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học… của lớp hoặc của trường đã được quy định rõ ràng trong Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT.

Thông tư s16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân

Thông tư này quy định về vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Điều 2 Thông tư 16 quy định về nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ, trong đó nêu rõ:

1. Việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Điều 3 Thông tư 16 quy định nội dung vận động và tiếp nhận tài trợ như sau:

1. Cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau:

a) Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục.

Vận dụng tốt hình thức xã hội hoá giáo dục được quy định trong Thông tư 16, sẽ nhận được nhiều sự đồng tình từ phụ huynh

Tôi biết có ngôi trường với số lượng gần 2 ngàn học sinh nhưng để trang bị ti vi, máy quạt cho các lớp, nhà trường chưa bao giờ cào bằng mức đóng góp cho phụ huynh.

Mỗi năm, trường sẽ tiếp nhận sự ủng hộ tự nguyện từ một số cá nhân, đó có thể là những phụ huynh có hoàn cảnh kinh tế khá giả có con đang học tại trường, có thể là những phụ huynh cũ vẫn mến trường muốn được ủng hộ, là những học sinh cũ thành đạt hay một số cơ sở sản xuất có mối quan hệ thân thiết với nhà trường.

Các khoản tài trợ thu từ sự ủng hộ luôn được phân bổ theo từng khối lớp. Ví như năm học này, sẽ trang bị cho tất cả các phòng học khối 9, năm học tiếp theo sẽ đến khối 8 rồi khối 7, khối 6.

Cho đến nay, nhà trường đã trang bị cho gần 40 trường học đều có ti vi, quạt máy và một số bộ đèn chiếu ở các phòng chức năng. Cơ sở vật chất nhà trường đã khá đầy đủ, các phòng học khang trang, tiện ích và nhận được sự đồng tình rất lớn từ phụ huynh.

Năm học 2022-2023, người viết và một số đồng nghiệp trong khối của mình cũng đã trang bị cho lớp 1 ti vi 55 inch nhưng phụ huynh của lớp không phải đóng góp.

Vào cuộc họp phụ huynh đầu năm, chúng tôi cũng nói rằng, ngân sách nhà trường không thể trang bị cho mỗi lớp một cái ti vi nên các lớp phải tự thân vận động.

Có điều để chia đều cho tất cả phụ huynh trong lớp góp lại là sai với quy định trong Thông tư 55 cũng như quy định về xã hội hoá giáo dục trong Thông tư 16.

Phụ huynh nào có điều kiện thì hỗ trợ, ít hay nhiều tuỳ điều kiện hoàn cảnh mỗi gia đình, ai không có hỗ trợ cũng không sao. Lớp không có người tài trợ, phụ huynh có thể giới thiệu ai đó có điều kiện giúp đỡ cũng được.

Thật bất ngờ, sau trao đổi của giáo viên, một phụ huynh lớp 2A đã đứng lên ủng hộ luôn cho lớp một cái ti vi mới. Còn lớp 2B có vài người ủng hộ mỗi người 2 triệu đồng, người ủng hộ 1 triệu đồng…

Thế là, chưa tới chục phụ huynh góp lại đã đủ tiền mua một cái ti vi mới. Riêng lớp 2C, giáo viên chủ nhiệm đã quyên góp ủng hộ từ những người bạn của mình mà không nhận tiền ủng hộ của phụ huynh trong lớp.

Cả khối lớp 2 của Trường Tiểu học Tân An 1 (Thị xã Lagi, Tỉnh Bình Thuận) đều đã có ti vi giảng dạy mà không bị điều qua tiếng lại như một số trường học áp dụng kiểu chia đồng đều cho từng phụ huynh.

Một cái ti vi có giá hàng chục triệu đồng nhưng người ủng hộ vẫn thấy vui, hoặc có người ủng hộ ngay 2 triệu trong một tâm thế vô cùng thoải mái.

Còn những nơi chia bình quân mỗi người vài trăm ngàn nhưng lời ra tiếng vào không phải là ít.

Nhiều phụ huynh nói rằng, không tiếc số tiền ủng hộ nhưng thấy không thoải mái vì mình không được tự ý mà luôn phải đóng trong tâm thế bắt buộc.

Trong khi ngân sách nhà trường eo hẹp thì vận động phụ huynh theo hình thức xã hội hoá giáo dục cũng là điều nên làm. Tuy nhiên, đừng nên lạm dụng việc "tự nguyện" để ép buộc phụ huynh phải ủng hộ.

Nhà trường, giáo viên nếu làm tốt công tác triển khai, vận động trên tinh thần tôn trọng phụ huynh, tôi nghĩ rằng sẽ nhận được sự đồng tình rất lớn từ họ.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-16-2018-TT-BGDDT-quy-dinh-ve-tai-tro-cho-co-so-giao-duc-thuoc-he-thong-giao-duc-quoc-dan-393562.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên