Từ nhiều năm nay, tại địa phương người viết công tác (một tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ) đã áp dụng sĩ số học sinh tiểu học không quá 35 học sinh/lớp. Sĩ số học sinh bậc trung học không quá 45 học sinh/lớp.
Tuy nhiên, khi áp dụng Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT quy định sĩ số học sinh theo vùng lại xảy ra khá nhiều bất cập, gây khó khăn cho trường học trong việc sắp xếp học sinh và ảnh hưởng đến cả quyền lợi cho giáo viên giảng dạy.
Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT quy định sĩ số học sinh ra sao?
Tại khoản 1, Điều 3 Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên như sau:
“a) Vùng 1: Các xã khu vực II, khu vực III theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển; các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ;
b) Vùng 2: Các xã khu vực I (trừ các phường, thị trấn) theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
c) Vùng 3: Các phường, thị trấn thuộc khu vực I theo quy định hiện hành thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các xã, phường, thị trấn còn lại.
Tại khoản 2, Điều 3 quy định số lượng học sinh/lớp theo vùng để làm căn cứ giao hoặc phê duyệt số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó:
a) Vùng 1: Bình quân 25 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông;
b) Vùng 2: Bình quân 30 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 40 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông;
c) Vùng 3: Bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 45 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông;
d) Số lượng học sinh/lớp của trường phổ thông dân tộc nội trú và trường trung học phổ thông chuyên thực hiện theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động.
Bất cập xảy ra khi lấy bình quân học sinh/lớp để tính định mức biên chế giáo viên
Nếu quy định sĩ số học sinh theo vùng như vùng 1 không quá 25 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; không quá 35 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông; Hay vùng 3 không quá 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; 45 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông; cũng sẽ rất dễ dàng để các cơ sở giáo dục biên chế lớp học theo quy định.
Tuy nhiên, Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT lại quy định số lượng học sinh bình quân mỗi lớp. Ví dụ, Vùng 2: Bình quân 30 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 40 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông;
Vùng 3: Bình quân 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học; bình quân 45 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông;
Bên cạnh đó, tại khoản 3, Điều 3 quy định: Việc xác định số lượng học sinh/lớp được tính cụ thể theo từng cơ sở giáo dục, không xác định theo đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh.
Vì thế, các cơ sở giáo dục hiện nay đang áp dụng cách tính lấy tổng số học sinh toàn trường chia cho số học sinh bình quân trên lớp theo vùng để tính định mức giáo viên gây ra khá nhiều bất cập.
Ví dụ, tổng số học sinh của trường một đồng nghiệp (trường tiểu học thuộc vùng 3) là 490 em. Trong đó, khối lớp 1: 102 học sinh chia 3 lớp mỗi lớp 34 em; Lớp 2:79 học sinh chia 3 lớp, gồm 1 lớp 27 em, 2 lớp còn lại mỗi lớp 26 em; Lớp 3: 102 học sinh chia 3 lớp, mỗi lớp 34 em; Lớp 4: 102 học sinh chia 3 lớp, mỗi lớp 34 học sinh; Lớp 5: 105 học sinh, chia làm 3 lớp, mỗi lớp 35 em.
Tổng cộng nhà trường có 15 lớp học, tỉ lệ giáo viên là 1.5/lớp phải cần 22.5 giáo viên. Tuy nhiên, lấy sĩ số học sinh toàn trường 490 chia cho 35 học sinh/lớp thì trường chỉ còn 14 lớp, số giáo viên biên chế chỉ còn 21 người, dư 1 người rưỡi so với thực tế chia lớp.
Nhà trường không thể co lớp lại cho đủ 14 lớp mà vẫn phải bắt buộc 15 lớp. Bởi, khối lớp 2 có 79 em. Nếu chia làm 2 lớp, mỗi lớp 35 em, sẽ dư 9 em. Vậy 9 học sinh dôi dư này sẽ chuyển đi đâu? Nếu bố trí 1 lớp 40 em và 1 lớp 39 em là vượt quá sĩ số 35 học sinh/lớp bậc tiểu học.
Do tính bình quân 35 em/lớp nên trên lý thuyết nhà trường chỉ còn 14 lớp và 21 giáo viên giảng dạy. Thế nhưng trong thực tế, nhà trường vẫn phải bố trí 15 lớp vì không thể dồn 79 học sinh khối lớp 2 thành 2 lớp được.
Vì vậy, tổng số lớp toàn trường vẫn là 15 lớp cần tới 22.5 giáo viên nhưng do tính bình quân 35 em/lớp thì thực tế chỉ còn 14 lớp là 21 giáo viên (trên lý thuyết). Dẫn đến, giáo viên trong trường phải gánh thêm phần việc cho 1.5 người thiếu hụt bởi 2 cách tính.
Việc lấy tổng số học sinh toàn trường chia cho sĩ số quy định để tính định mức giáo viên của các trường đang tạo ra những bất cập cho cả học sinh, giáo viên. Nếu làm triệt để, sẽ có những học sinh không được học tại trường còn giáo viên phải gánh thêm phần việc của đồng nghiệp khác.
Tại Khoản 4, Điều 3, Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT có lưu ý: Đối với những trường hợp đặc biệt mà phải bố trí số lượng học sinh/lớp thấp hơn hoặc cao hơn so với mức bình quân theo vùng quy định tại khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định định mức số lượng học sinh/lớp phù hợp với thực tế”. Tuy nhiên, theo người viết tìm hiểu, nhiều trường vẫn đang thực hiện như trường đồng nghiệp của người viết ở trên. Hy vọng, những bất cập nêu trên ở nhiều cơ sở giáo dục khi áp dụng, Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT quy định về chia vùng, số lượng học sinh bình quân/lớp để tính định mức giáo viên sẽ sớm được tháo gỡ.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.