Vậy nguyên nhân từ đâu khiến chất lượng đào tạo như vậy trong khi đây lại là nguồn nhân lực “xung kích” quyết định sự phát triển, phồn vinh của đất nước?
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục & Đào tạo về vấn đề này.
Quá sức!
- Trong 6 năm qua, đã có thêm 84 trường ĐH được thành lập, trong đó 51 trường nâng cấp từ trường cao đẳng (CĐ) và 33 trường thành lập mới. Như vậy mỗi năm bình quân có 14 cơ sở đào tạo ĐH ra đời. Thưa ông, con số này cho thấy sự ra đời của cơ sở đào tạo ĐH hình như quá mức cần thiết?
PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Theo tôi trong những năm qua, đào tạo ĐH tăng rất nhanh về quy mô, cơ sở, số lượng người học... để tạo cơ hội cho những người muốn học ĐH, nhất là ở vùng sâu, xa, kinh tế khó khăn và đáp ứng sự phát triển của đất nước cũng như sự hội nhập quốc tế. Có thể nói đào tạo ĐH hiện nay được “phủ” rất rộng trên toàn quốc và theo tôi đây là thành tựu, nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa số lượng trường ĐH là yếu tố quan trọng nhất mà còn phải dựa trên chất lượng đào tạo. Nếu anh đào tạo có chất lượng, bảo đảm các tiêu chí của Bộ GD&ĐT đặt ra, anh sẽ tồn tại, phát triển. Còn không, anh sẽ tự loại mình khỏi guồng quay đào tạo của giáo dục ĐH. Như năm học 2010-2011, các trường CĐ có đào tạo hệ ĐH có 226 trường thì đến năm học 2011-2012 chỉ còn 215 trường. Nguyên nhân là do không bảo đảm chất lượng đào tạo thì Bộ buộc những cơ sở này phải dừng tuyển sinh.
Quan điểm của ngành là nếu bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, về giảng viên, nội dung đào tạo... thì vẫn cho mở trường ĐH. Vì như tôi đã nói là tạo cơ hội học tập cho nhiều người và thực tế nhiều vùng, miền vẫn chưa có trường ĐH. Nhưng từ năm 2010 đến nay, Bộ đã hạn chế rất nhiều việc thành lập mới các cơ sở đào tạo ĐH. Tính đến nay cả nước đã có tổng số 419 cơ sở đào tạo ĐH cả trong và ngoài công lập, cả của trường CĐ và ĐH.
- Theo ông, con số đó có “quá sức” so với ngành giáo dục không?
PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Có thể nói đây là con số phát triển “nóng” trong thời gian vừa qua. Và vì “nóng” nên chất lượng đào tạo cũng chưa được bảo đảm do “sức” chỉ đảm bảo được 15kg nhưng lại phải gánh đến 20kg. Đặc biệt là đội ngũ giảng viên - yếu tố then chốt quyết định chất lượng đào tạo ĐH.
- Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Hiện nay, hệ CĐ có gần 25 nghìn giảng viên, hệ ĐH gần 60 nghìn giảng viên. Với số lượng giảng viên như vậy phải nói thật là không đủ để giảng dạy. Và không những thiếu về số lượng, đội ngũ giảng viên còn thiếu cả về cơ cấu hành nghề, chất lượng. Như hệ đào tạo ĐH, hiện mới chỉ có 14% giảng viên là tiến sĩ, rất thấp so với nhu cầu thực tế.
- Trong điều kiện số lượng và chất lượng giảng viên vẫn còn thiếu và thấp. Vậy tại sao Bộ GD&DT vẫn cho phép mở trường ĐH, hệ đào tạo ĐH thưa ông?
PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Theo quy định 0830 của Bộ GD&ĐT, khi thành lập trường, hệ đào tạo ĐH đội ngũ giảng viên ít nhất phải bảo đảm được 70% kiến thức giảng dạy. Thế nhưng việc tăng trưởng về quy mô đã bị nói nhiều nên từ 2011 đến nay, nhằm thực hiện đổi mới về công tác quản lý, giáo dục ĐH nên Bộ đã quản lý, giám sát sát sao việc này. Trường nào không đủ điều kiện là bị đình chỉ ngay hoặc không được cấp phép.
Như năm 2012, tính đến thời điểm tháng 3, đã có 5 trường ĐH, CĐ bị dừng tuyển sinh như ĐH Đông Đô, ĐH Văn Hiến, ĐH Hùng Vương... 4 trường ĐH gồm ĐH Chu Văn An, ĐH Lương Thế Vinh, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng bị đình chỉ một số ngành nghề tuyển sinh như: Kỹ thuật xây dựng công trình, kinh tế, Việt Nam học, quản trị kinh doanh... Tới đây, danh sách này sẽ còn dài nữa.
- Được biết, để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cũng như chất lượng đào tạo ĐH, Bộ GD&ĐT có đề án 911 với nội dung: từ nay cho đến năm 2020 sẽ đào tạo hơn 20 nghìn tiến sĩ cho đội ngũ giảng viên hệ ĐH và CĐ. Theo ông đây có là đề án quá “tham vọng” như nhiều ý kiến đánh giá không?
PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Thấy rõ vấn đề của giáo dục ĐH, đồng thời xác định đây là nền tảng căn bản để phát triển đất nước, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng đề án 911 để đào tạo đội ngũ giảng viên cho ĐH và CĐ với mục tiêu đến năm 2020, tuyển sinh, đào tạo được hơn 20 nghìn tiến sĩ.
Đề án này theo tôi là một đề án hoàn toàn khả thi và thực tế chứ không “lãng mạn”, hay “tham vọng” như nhiều người nghĩ. Vì nó nằm trong khả năng của chúng ta nếu chúng ta nỗ lực và thay đổi một cách đồng bộ hệ thống giáo dục ĐH. Mà điều này, chúng ta đang bắt đầu thực hiện. Bắt đầu từ năm nay, Bộ đã triển khai theo hình thức đưa đi đào tạo tại nước ngoài những giảng viên, sinh viên có tâm huyết, tài năng, yêu nghề. Con số đào tạo trên là 10 nghìn sinh viên. Cùng với đó 10 nghìn sinh viên khác sẽ được giao cho những trường trong nước có điều kiện, khả năng để đào tạo tiến sĩ và khoảng 3.000 sinh viên đào tạo theo mô hình liên kết giữa Việt Nam và nước ngoài. Phải nói thêm đây là đề án rất thu hút những sinh viên trẻ bởi các em nhìn thấy ở đó điều kiện học tập tốt (học bổng do Nhà nước tài trợ hoàn toàn), cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp rõ rệt. Chúng tôi xác định đến sau năm 2020 (vì còn tính thời gian đào tạo) đội ngũ giảng viên ĐH, CĐ sẽ có 23 nghìn tiến sĩ.
Đại học: Vào khó - ra dễ
- Nội dung chương trình đào tạo cũng là nguyên nhân làm cho chất lượng đào tạo ĐH không được bảo đảm. Có trường hợp: trường này giảng dạy nhưng nội dung đào tạo lại “copy” của trường khác hoặc phải nhờ trường khác thẩm định... Ông có ý kiến như thế nào về câu chuyện này?
PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Đây cũng là điểm yếu trong đào tạo ĐH mà chúng tôi xác định phải thay đổi một cách tích cực. Mặc dù so với trước đây, nó có tiến bộ hơn nhưng trong thời kỳ khoa học kỹ thuật, công nghệ, kinh tế... phát triển như hiện nay thì đúng là chương trình chưa đáp ứng được, tụt hậu so với thế giới.
Chúng tôi sẽ thay đổi như thế nào? Trước hết đối với những trường thành lập mới: nội dung, chương trình đào tạo sẽ là các yếu tố then chốt để đưa đến quyết định có cho phép thành lập trường hay không. Chương trình đó không những đảm bảo về khoa học gồm cả kết cấu lẫn nội dung mà còn phải phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam và đặc biệt phải cập nhật những kiến thức mới, tiến bộ của thế giới. Nhưng quan trọng nhất của chương trình, nội dung đào tạo đó là phải chuyển giao được công nghệ tiên tiến của những quốc gia phát triển cho nước ta, của thế hệ trước cho thế hệ sau và làm cho công nghệ ấy phải phát triển lan tỏa một cách rộng rãi.
Còn đối với những trường đã thành lập, hậu kiểm là phương pháp tối ưu để kiểm soát chương trình, nội dung đào tạo của họ. Nếu kiểm tra, giám sát, nội dung chương trình đào tạo của anh không đạt mục tiêu như đã đặt ra, nhất là mục tiêu chuyển giao công nghệ (đối với ngành khoa học kỹ thuật...) thì hoặc là bị đình chỉ ngành nghề đào tạo hoặc là bị dừng tuyển sinh. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng được 35 chương trình tiên tiến dựa trên chương trình đào tạo của những nước đứng trong “top đầu” thế giới về một số ngành nghề để làm nền tảng cho chương trình giảng dạy của các trường. Đặc biệt là đối với những trường đào tạo ngành mũi nhọn như: khoa học công nghệ, tài chính, ngân hàng, kinh tế quản lý...
- Thưa ông, trước đây, khi chưa đổi mới cũng như đặt ra tiêu chí cho nội dung, chương trình đào tạo quyết liệt như vậy thì Bộ có thực hiện việc kiểm tra, đánh giá không?
PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Có làm nhưng có thể nói là khá dễ dãi. Nhưng từ bây giờ trở đi công tác thẩm định, kiểm tra, đánh giá... là một khâu trọng yếu không những để nâng cao nội dung, chương trình đào tạo mà còn để tạo môi trường học tập nghiêm túc, công bằng cho học sinh, sinh viên và quan trọng nhất là tạo tâm thế, hào hứng cho người học.
- Có một đặc điểm dễ nhận thấy ở tuyển sinh ĐH của ta là “đầu vào” rất khó, rất chặt chẽ nhưng đầu ra rất dễ, đến nỗi gần như mặc định: đỗ ĐH thì đương nhiên sẽ tốt nghiệp ĐH. Khác hẳn với những nước tiên tiến về giáo dục?
PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Theo tôi, vấn đề này tùy theo từng hình thức đào tạo. Nếu đào tạo theo hình thức tín chỉ như nhiều trường ĐH hiện nay thì tỷ lệ sinh viên ra trường đúng thời hạn rất ít. Bạn đã nghe câu: “Không thi lại không là sinh viên rồi đúng không?”. Hay đào tạo tiến sĩ cũng thế. Những người không ở trong nghề ai cũng tưởng đã làm nghiên cứu, bảo vệ luận án là sẽ đỗ. Nhưng thực tế không phải vậy, tôi ví dụ như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, tỷ lệ đạt bằng tiến sĩ chỉ 60%, còn đâu trượt hết. Bảo vệ luận án tiến sĩ thành công ít lắm. Bây giờ chặt chẽ, nghiêm minh hơn rồi... Trước đây, các hình thức đào tạo không phải như vậy thì có thể là thế.
- Có một mâu thuẫn ở giáo dục ĐH nói riêng và các cấp học nói chung, khi ra “đấu trường” quốc tế, học sinh Việt Nam rất giỏi lý thuyết, nhưng thực hành thì không. Hay khi ngồi trên giảng đường, học sinh thuộc lý thuyết làu làu. Nhưng khi tốt nghiệp ra trường, lại không đáp ứng được công việc thực tế. Nhiều khi chúng ta “mất điểm” vì nguyên nhân đó và giáo dục Việt Nam tụt hậu cũng vì nguyên nhân đó?
PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Tình trạng mượn cơ sở trường lớp, không chịu đầu tư vào phòng thí nghiệm hay máy móc... là chuyện có thật ở trong giáo dục ĐH. Đặc biệt là ở khối ngoài công lập. Trong công tác “hậu kiểm”, giám sát hiện nay, có một số trường như vậy, chúng tôi đình chỉ ngay. Trong số những trường bị đình chỉ mà tôi nói ban đầu là có trường bị dừng tuyển sinh là vì nguyên nhân như vậy. Mặc dù, chúng tôi đã để cho mấy năm vì thực tình khi đầu tư để mở trường ĐH, kinh phí rất lớn. Nhưng đến giờ không xây dựng trường, không đầu tư thiết bị thực hành, phòng thí nghiệm... thì chúng tôi buộc phải dừng tuyển sinh của trường. Đã xác định rõ đào tạo nhân lực cho xã hội thì phải đầu tư đến nơi đến chốn.
- Thực tế cho thấy, hệ thống trường ngoài công lập nhiều nơi chưa bảo đảm chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất thì còn tệ hơn. Ý kiến này theo ông có đúng không?
PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Nói chung những trường như mong muốn chưa nhiều. Theo tôi ở Hà Nội có Trường ĐH Thăng Long là một trong số ít làm được điều đó. Nhưng nếu các trường không đầu tư, xây dựng chương trình, cơ sở vật chất thì chính các trường tự loại mình ra khỏi môi trường giáo dục. Vì bây giờ sẽ thực hiện xếp hạng các trường ĐH trong nước và việc xếp hạng đó sẽ làm cho những trường ấy không có thí sinh nào lựa chọn do thứ hạng thấp. Thứ hạng thấp dẫn đến uy tín thấp. Uy tín thấp thì những sinh viên tốt nghiệp trường đó ra khó xin được việc làm nên chẳng ai thi vào trường đó làm gì.
Bên cạnh việc tổ chức xếp hạng các trường ĐH, Bộ GD&ĐT cũng đặt cơ sở vật chất là một trong những điều kiện tiên quyết cho việc thành lập trường hoặc tiếp tục cho trường duy trì hoạt động hay không. Nếu không bảo đảm cơ sở vật chất, dứt khoát Bộ không cho trường ĐH hoạt động! Cùng với giảng viên, đây là vấn đề được thắt chặt quản lý hiện nay.
“Đến tôi cũng phải thay đổi!”
- Xem ra, giáo dục ĐH có quá nhiều việc phải làm. Vì chúng ta yếu ở cả hệ thống?
PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Đúng thế. Phải thắt chặt quản lý ở tất cả các khâu từ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, phương pháp đào tạo... Bên cạnh đó còn xây dựng Luật Giáo dục, tổ chức các khâu kiểm định, đánh giá... một cách quy củ (Luật Giáo dục ra đời mới tổ chức được các tổ chức kiểm định, đánh giá độc lập). Nhưng quan trọng nhất là phương thức quản lý phải thay đổi từ nặng về chuyên môn, hành chính sang quản lý Nhà nước, tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ theo định hướng của Nhà nước. Và mỗi cá nhân trong bộ phận quản lý đó cũng phải thay đổi. Như tôi cũng phải thay đổi: nâng cao tự chủ và tự chịu trách nhiệm với hành động, việc làm của mình. Các cơ sở đào tạo CĐ, ĐH cũng vậy.
- Nhưng hình như việc giao quyền tự chủ không phải trường ĐH nào cũng muốn nhận?
PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Vì họ sợ chịu trách nhiệm. Nhiều trường bây giờ cứ đến Bộ để đề nghị một số lãnh đạo ký xác nhận vào những văn bản mà họ đề ra để lấy đó làm cơ sở khẳng định không vi phạm, phạm luật v.v... Nhưng chúng tôi nói ngay: “Anh phải tự chịu trách nhiệm với những quyết định, hành động của mình chứ”. Và đây chính là điều mà chúng tôi muốn nâng cao tuyệt đối ở các trường. Như sản phẩm (là sinh viên) của anh làm ra, anh phải chịu trách với sản phẩm của anh. Có như vậy, ý thức đào tạo có chất lượng của anh mới hiệu quả. Còn chẳng hạn có gì chưa đúng, chưa chuẩn xác thì vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chấn chỉnh...
- Còn công tác quản lý, cũng đang được phân cấp lại?
PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Chúng tôi sẽ phân cấp lại cơ quan quản lý: chẳng hạn như các trường ĐH, CĐ trên địa bàn từ trước tới nay Bộ GD&ĐT quản lý thì sẽ giao lại cho UBND các tỉnh, thành để họ giao cho các Sở GD&ĐT kiểm tra, giám sát xem các trường hoạt động thế nào. Vì ở trên địa bàn do anh quản lý, anh cần phải biết họ hoạt động ra sao. Cái gì cũng Bộ làm hết thì quản lý không nổi. Bộ chỉ định hướng nội dung, chương trình đào tạo và xây dựng “khung” pháp lý để các trường hoạt động. Còn hoạt động như thế nào do anh Sở kiểm tra.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết tại phiên chất vấn của Quốc hội tháng 11 năm 2011
“Đổi mới giáo dục là vấn đề cấp bách và được nhiều nước đặt ra trong vòng 10 năm trở lại đây. Ở Việt Nam, một thời gian dài hệ thống giáo dục ĐH đào tạo theo khả năng, chưa có chuẩn. Vừa qua, Bộ yêu cầu các trường phải công bố chuẩn đầu ra nhưng hiện còn hơn 40% các trường chưa thực hiện. Muốn nâng cao chất lượng, phải nâng cao chuẩn đầu vào, bảo đảm diện tích theo đầu sinh viên. Bởi nhiều trường diện tích đầu sinh viên chưa đến 1m2/người. Đa số giáo viên phổ thông đạt chuẩn nhưng giáo viên ĐH thì chưa. Để thay đổi, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, quản lý chính là khâu đột phá của hệ thống giáo dục. Bên cạnh đó phải hoàn chỉnh lại quy hoạch giáo dục ĐH, phân cấp quản lý, hoàn chỉnh quy chế, đẩy mạnh tự chủ của các trường, nâng cao chất lượng đội ngũ hiệu trưởng của hơn 3 vạn trường phổ thông và hơn 400 trường ĐH, CĐ. Cần có chính sách hợp lý đối với đầu cho giáo dục. Phổ cập tiểu học phải mất 25 năm, phổ cập THCS mất 10 năm và phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi phải làm mất 5 năm. Năm 2000, cứ 100 em tốt nghiệp THPT có 16 em được vào ĐH nhưng vừa qua cứ 100 em tốt nghiệp có 55 em vào ĐH. Trong vòng 10 năm qua, người được đào tạo nghề nghiệp đã được nâng từ 16% lên 40%. Đây là con số lạc quan”.
Theo Dân trí