Với mục đích xét tốt nghiệp, đề thi không nên có mức vận dụng cao

28/04/2020 05:58
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Khi độ khó của đề giảm xuống, thời gian và số lượng câu hỏi giảm xuống, liệu kỳ thi tốt nghiệp có phân loại thí sinh để trường đại học sử dụng xét tuyển?

Do kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 mục đích chính là để xét tốt nghiệp, bên cạnh đó, kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ công bố đề thi minh họa trong tháng 5 theo tiêu chí mới để học sinh, giáo viên yên tâm có định hướng ôn tập, thay thế cho đề thi minh họa công bố hồi đầu tháng 4/2020. 

Theo lãnh đạo Bộ, những nội dung được tinh giản (không dạy, không làm, không thực hiện, khuyến khích học sinh tự học) sẽ không được đưa vào đề thi. Về tổng thể, đề thi sẽ được điều chỉnh độ khó, mức độ phân hóa theo hướng nhẹ hơn so với năm 2019. 

Trước thông tin này, nhiều người băn khoăn vì khi độ khó của đề giảm xuống, thời gian và số lượng câu hỏi giảm xuống, liệu kỳ thi này có phân loại thí sinh để dựa trên cơ sở đó nhiều trường đại học có thể sử dụng để xét tuyển? 

Khi độ khó của đề giảm xuống, thời gian và số lượng câu hỏi giảm xuống, liệu kỳ thi tốt nghiệp có phân loại thí sinh để trường đại học sử dụng xét tuyển? (Ảnh minh họa: TTXVN)
Khi độ khó của đề giảm xuống, thời gian và số lượng câu hỏi giảm xuống, liệu kỳ thi tốt nghiệp có phân loại thí sinh để trường đại học sử dụng xét tuyển? (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, một hiệu trưởng một trường liên cấp tại Hà Nội (đề nghị không nêu tên) đề xuất, đề thi tốt nghiệp chỉ nên ra ở 3 mức: nhận biết, thông hiểu và vận dụng chứ không cần vận dụng cao. 

Hiệu trưởng này lý giải, căn cứ vào mục đích của kỳ thi tốt nghiệp là xác định chuẩn đầu ra và đánh giá quá trình dạy và học 12 năm phổ thông, không đặt nặng yêu cầu “phân hoá mạnh” như tuyển sinh, nên ra đề thi tốt nghiệp chỉ cần 3 mức như vậy là đủ. 

Hơn nữa, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông những năm gần đây không còn phân biệt tốt nghiệp loại nào (giỏi, khá, trung bình) do đó theo Hiệu trưởng này, nếu học sinh nào đủ điều kiện tốt nghiệp thì cấp cho mỗi em một cái bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, tất cả các bằng như nhau.

Tuy nhiên kỳ thi tuyển sinh thì việc ra đề để phân hoá học sinh là yêu cầu số 1. Nếu đề thi quá dễ thì phổ điểm dồn về “cực bên phải” (điểm cao). Ngược lại, đề quá khó dồn về “cực bên trái” (điểm thấp). Cả hai trường hợp này đều gây khó cho việc tuyển sinh. Vì vậy ra đề phục vụ công tác tuyển sinh phải đủ 4 mức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. 

Trước những băn khoăn này cho thấy, những người ra đề thi tốt nghiệp cần phải có nhiều kinh nghiệm, am hiểu chương trình và nắm rõ được tình hình học sinh phổ thông trong năm học nhiều biến động này. 

Linh Hương