Vỡ trận 108 tổ hợp, có nên quay lại chương trình phân ban?

27/03/2022 07:24
Nhật Khoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vấn đề tổ hợp môn tự chọn cho học sinh ở bậc trung học phổ thông là một vấn đề gây nhiều tranh luận, gây đau đầu cho những nhà quản lý trong thời gian qua.

Học sinh được chọn tổ hợp môn tự chọn hay chọn theo định hướng của nhà trường?

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai đối học sinh lớp 10 trong năm học 2022 – 2023 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo của lớp 11 và lớp 12.

Nội dung giáo dục cấp trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ Văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương).

Hai môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.

Ngoài ra, học sinh phải chọn 5 môn trong 3 tổ hợp: Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Nếu cho học sinh được tự do lựa chọn tổ hợp môn theo sở trường, yêu thích của mình thì có đến hàng trăm cách lựa chọn khác nhau theo phân tích của các tác giả trong thời gian qua trên diễn đàn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Không thể ngụy biện lý do này hay lý do khác mà tước đoạt quyền được chọn môn của học sinh, nhưng nếu cho học sinh được tự do được chọn môn chắc chắn “vỡ trận”, có đến hàng trăm cách lựa chọn khác nhau thì không thể nào cho học sinh tự do lựa chọn tổ hợp môn được.

Nếu định hướng chọn tổ hợp môn cho học sinh được học theo đó tức là “ép” học theo tổ hợp môn đã lựa chọn là trái với quan điểm về chương trình mới, tức là thừa nhận thất bại trong việc chọn tổ hợp môn.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Trong bài viết “Chương trình mới “đẻ” hơn 80 tổ hợp môn, các trường ở Hải Phòng chuẩn bị ra sao?” của tác giả Phạm Linh, thầy Phạm Huy Bình – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết:

"Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn dự kiến phân phối chương trình theo từng học kỳ của 11 lớp được chia thành 6 khối tổ hợp.

Nhóm Khoa học tự nhiên có 3 sự lựa chọn: Môn bắt buộc, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Tin, chuyên đề môn Toán, Lý, Hóa (2 lớp); Môn bắt buộc, Lý, Hóa, Sinh, Địa, Tin, chuyên đề môn Toán, Hóa, Sinh (2 lớp); Môn bắt buộc, Lý, Hóa, Sinh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ, chuyên đề Toán, Lý, Anh (2 lớp).

Nhóm Khoa học xã hội có 2 sự lựa chọn: Môn bắt buộc gồm Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lý, Tin, chuyên đề môn Văn, Sử, Địa (2 lớp); Môn bắt buộc gồm Sử, Địa, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Hóa, Tin, chuyên đề Toán, Văn, Anh (3 lớp)” (*)

Có thể thấy nếu theo định hướng của Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn thì chỉ có 5 cách cho học sinh lựa chọn trong hàng trăm cách, có thể là nhà trường vẫn cho học sinh chọn nhưng chọn theo định hướng sẵn và chọn theo chỉ tiêu (số lớp).

Trao đổi với một số giáo viên ở các trường trung học phổ thông thì việc chọn tổ hợp môn của các trường khác cũng sẽ thực hiện theo hình thức tương tự, tức là cho các lớp sẵn cho học sinh lựa chọn và hầu như nhiều đơn vị không đưa vào chọn môn Âm nhạc, Mĩ thuật do không tuyển dụng được giáo viên 2 môn trên.

Nếu trường định hướng cho học sinh chọn tổ hợp môn thì Bộ nên định hướng cho đồng bộ, thống nhất

Nếu theo các phương án mà các trường chuẩn bị triển khai gần như sẽ là định hướng sẵn tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn, điều này không đúng với quan điểm, định hướng khi xây dựng chương trình mới hay có thể nói bước đầu quan điểm cho học sinh được lựa chọn môn theo chương trình mới đã thất bại.

Việc cho học sinh chọn tổ hợp môn có thể sẽ thất bại vì không còn cách nào khác, nếu không sẽ “vỡ trận” nên đành phải “chữa cháy” bằng cách định hướng sẵn các tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn.

Tuy nhiên, nếu theo cách dự kiến hiện nay là cho các trường lựa chọn sẵn tổ hợp môn cho học sinh theo điều kiện thực tế của trường thì sẽ gặp nhiều vấn đề phức tạp phát sinh như: học sinh không yêu thích môn học đó nhưng phải chọn học tổ hợp có môn học đó, học sinh khi lựa chọn sai sẽ không được lựa chọn lại, học sinh khi chuyển trường, ở lại sẽ không có cơ hội đi học trường khác (do khó có trùng với tổ hợp môn đã lựa chọn), khó khăn dự báo nhân sự giáo viên, đào tạo giáo viên,… vô cùng rắc rối và phức tạp.

Việc cho các trường định hướng chọn tổ hợp môn như trên vô cùng rắc rối, phức tạp khi tiến hành triển khai trong thời gian tới hay có thể nói mỗi nơi sẽ mỗi kiểu khác nhau, trăm hoa đua nở.

Do đó, người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thừa nhận việc dự định cho học sinh chọn tổ hợp môn là không phù hợp, không khả thi trong tình hình hiện nay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức các hội thảo với các nhà chuyên gia giáo dục uy tín trong và ngoài nước để tìm cách tháo gỡ vấn đề chọn tổ hợp môn ở lớp 10 trong thời gian rất gấp ở phía trước.

Nếu học sinh không thể được tự do chọn môn thì người viết cho rằng thay vì cho các trường định sẵn tổ hợp môn cho học sinh chọn thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên định hướng tổ hợp cho học sinh lựa chọn để có tính thống nhất cả nước, đồng bộ trong việc triển khai dạy học, trong việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng giáo viên, trang thiết bị phục vụ học tập, giảng dạy. Có thể có từ 5-10 phương án cho các địa phương lựa chọn.

Điều gì tốt của chương trình mới thì tiếp thì tiếp thu, phát huy điều gì còn chưa phù hợp, cần thay thế thì mạnh dạn thay đổi để hướng đến tính đồng bộ, khoa học và thống nhất cả nước đáp ứng mục tiêu đổi mới, phù hợp với xu thế của thế giới xin đứng “ném lao thì phải theo lao”, “chữa cháy” bằng cách này hay cách khác làm khổ giáo viên và học sinh.

Tài liệu tham khảo:

(*) https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chuong-trinh-moi-de-hon-80-to-hop-mon-cac-truong-o-hai-phong-chuan-bi-ra-sao-post225190.gd

Nhật Khoa