Bản thân người viết bài trước đây đã nhiều năm thi giáo viên dạy giỏi các cấp và những năm gần đây thường tham gia làm giám khảo hội thi này. Hội thi cấp trường thì không nói làm gì nhưng hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh dù được thi tại “sân nhà” với nhiều lợi thế nhưng vẫn không ít giáo viên bị đưa vào danh sách “không xếp loại” mà nói đúng ra là “rớt”.
Việc giáo viên tham gia dự thi cấp huyện, cấp tỉnh rớt thực ra chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong mỗi hội thi nhưng nó cũng nói lên nhiều điều trong chuẩn bị và tổ chức tiết học.
Phần nhiều những lí do mà giáo viên không được xếp loại có nguyên nhân từ giáo viên dự thi chưa có sự đầu tư kĩ lưỡng. Giám khảo hội thi thường không quá khắt khe và sau khi chấm mỗi giáo viên thường có đánh giá, phân tích kĩ mới đưa ra những quyết định cuối cùng.
Giáo viên dự thi giáo viên giỏi có rất nhiều lợi thế
Theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT, những năm gần đây, giáo viên tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh được thi tại đơn vị mình đang công tác, không phải đến các đơn vị bạn dự thi nên áp lực giảm đi rất nhiều. Người dự thi hoàn toàn chủ động trong nhiều tình huống, công việc.
Mặc dù tại Điều 7 Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT hướng dẫn nội dung, tiêu chuẩn tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục phổ thông như sau:
“Thực hành dạy một tiết theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra Hội thi. Tiết dạy tham gia Hội thi được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp đó. Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) tiết dạy tham gia Hội thi trong năm học tổ chức Hội thi. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy trong thời gian không quá 02 ngày trước thời điểm thi;
Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc. Thời lượng trình bày biện pháp không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian Ban Giám khảo trao đổi.
Biện pháp được lãnh đạo cơ sở giáo dục xác nhận áp dụng hiệu quả và lần đầu được dùng để đăng ký thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục phổ thông và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân trước đó”.
Dù cho Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT hướng dẫn không được “dạy trước (dạy thử) tiết dạy” nhưng “dạy nháp trước” thì gần như giáo viên nào cũng thực hiện, nhất là đối với giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông- họ đang dạy nhiều lớp trong cùng một khối với nhau.
Chẳng hạn, mỗi tuần giáo viên trung học cơ sở sẽ dạy 19 tiết và thông thường giáo viên được phân công dạy 2 khối lớp, thậm chí có giáo viên chỉ dạy 1 khối lớp. Vì thế, tuần giáo viên dự thi cho dù ban giám khảo dự tiết nào thì bài học đó cũng đã được giáo viên dạy ở các lớp khác để tự rút kinh nghiệm. Càng môn ít tiết/ tuần thì số lượng tiết đã được dạy trước càng nhiều hơn.
Giáo viên dự thi vẫn thực hiện đúng không dạy trước ở lớp dạy dự thi nhưng họ đã dạy trước ở lớp học khác cùng khối. Vậy nên, việc quy định thông báo trước không quá 02 ngày trước thời điểm thi cũng không thể tạo tính bất ngờ đối với người dự thi.
Bởi lẽ, kế hoạch tổ chức hội thi đã được sở, phòng giáo dục ban hành và ấn định thời gian dự thi cụ thể vào tuần thứ mấy. Trong phân phối chương trình của tổ chuyên môn; thời khóa biểu của nhà trường cụ thể số bài, số tiết nên giáo viên chủ động hoàn toàn trong việc chuẩn bị và dự thi.
Hơn nữa, việc thi ở sân nhà và thời đại công nghệ hiện nay rất thuận lợi cho giáo viên dự thi. Giáo viên có thể đến lớp của mình hẹn học sinh chuẩn bị bài kĩ lưỡng, nếu cần thiết phải chuẩn bị gì thêm mà gấp gáp thì giáo viên nhắn qua nhóm zalo của lớp (lớp nào cũng có) để học sinh chuẩn bị.
Bên cạnh đó là sự quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất của ban giám hiệu nhà trường, tổ chuyên môn khi trong trường, trong tổ có giáo viên dự thi.
Vì thế, phần nhiều các tiết dạy thực hành trên lớp được giáo viên dự thi tổ chức có rất nhiều ưu điểm và tạo được ấn tượng cho ban giám khảo hội thi. Vậy nên, số lượng giáo viên dự thi được xếp loại A, loại B khá nhiều, loại C thường ít hơn. Nhưng, vẫn có một số trường hợp giáo viên…rớt.
Tại sao vẫn có một số trường hợp giáo viên…rớt?
Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh hiện nay có những tiêu chí rất cụ thể, theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT để ràng buộc điều kiện đối với giáo viên dự thi ở các cấp tổ chức.
Theo đó, giáo viên tham dự hội thi cấp huyện đảm bảo đạt tiêu chuẩn của giáo viên tham dự hội thi cấp trường; có một năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên trong 02 năm trước liền kề hoặc được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường năm tham dự hội thi.
Giáo viên tham dự hội thi cấp tỉnh đảm bảo đạt tiêu chuẩn của giáo viên tham dự hội thi cấp trường; có một năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện trong 02 năm trước liền kề hoặc được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện năm tham dự hội thi.
Chính vì thế, những giáo viên khi tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh đa phần là đã có sàng lọc và thường được tạo điều kiện tốt nhất để dự thi. Tuy nhiên, vẫn có những giáo viên rớt trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Hiện nay, nội dung thi giáo viên dạy giỏi các cấp sẽ có 2 phần: thực hành dạy một tiết theo kế hoạch giảng dạy và trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc.
Tuy nhiên, phiếu chấm tiết thực hành sẽ có 3 nội dung: kế hoạch bài dạy (giáo án) (20 điểm); tổ chức tiết dạy của giáo viên (40 điểm); hoạt động của học sinh (40 điểm) và trong 3 nội dung này còn được chia ra thành 10 nội dung nhỏ và có thang điểm tương ứng.
Chính vì thế, giám khảo chấm không chỉ là kế hoạch bài dạy mà còn chấm cách tổ chức các hoạt động của giáo viên trên lớp và học sinh học tập của học sinh có phát huy được phẩm chất, năng lực hay không.
Đối với việc chấm biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục cũng có những giáo viên không đầu tư. Lấy trên mạng internet một giải pháp rồi thay tên, thay đơn vị rồi in ra.
Không hiếm trường hợp font chữ lộn xộn, giãn dòng không đều nhau, chưa đổi font chữ nên hình nền màu còn hiện hữu…Nhìn qua, giám khảo đã biết là giáo viên lấy trên mạng internet và chưa được chỉnh sửa về hình thức, nội dung.
Đó là chưa kể giữa giải pháp và tiết học chẳng dính dáng gì với nhau dẫn đến việc giáo viên dự thi không minh họa được gì cho tiết thực hành.
Trong khi đó, theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT thì phần thực hành tiết dạy được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá loại giỏi, và không có giám khảo đánh giá là loại trung bình trở xuống; phần trình bày biện pháp được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá mức đạt. Vậy nên, chỉ 2/3 giám khảo đánh giá chưa đạt đối với biện pháp góp phần nâng cao chất lượng và 1/3 giám khảo chấm mức khá tiết dạy là giáo viên không đủ điều kiện xếp loại và rớt.
Cũng vì thế, chúng ta vẫn thấy có một số trường hợp giáo viên rớt trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh cho dù là sân nhà. Tuy nhiên, dù đậu hay rớt trong hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp thì sau mỗi lần dự thi như vậy, giáo viên sẽ có cơ hội rèn luyện, trưởng thành, tự tin hơn trong quá trình đứng lớp.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.