Thầy giáo dạy Văn chạy xe cấp cứu chở các F0 vào bệnh viện

03/08/2021 15:19
Phan Nga - Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy Nguyễn Hoài Linh tình nguyện lái xe cấp cứu của Trung tâm 115 chở bệnh nhân mắc Covid-19 vào bệnh viện.

Trong thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 trong nhiều ngày vừa qua đã lên tới hàng nghìn ca mỗi ngày.

Để điều trị, phục vụ một số lượng lớn bệnh nhân như vậy, ngoài sự cố gắng rất lớn của đội ngũ y bác sĩ, các ban ngành chức năng thì còn phải kể đến lực lượng tình nguyện viên là các thầy cô giáo và sinh viên tham gia liên tục vào công tác phòng chống dịch Covid-19 của thành phố.

Thầy giáo dạy Văn tình nguyện chạy xe cấp cứu

Tại trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Nguyễn Hoài Linh (dạy môn Văn) luôn được học và đồng nghiệp yêu mến vì đức tính tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ những người xung quanh.

Khi đọc được thông tin Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố Hồ Chí Minh cần tuyển tình nguyện viên có bằng B2, lái xe cấp cứu chở bệnh nhân tới bệnh viện, thầy Hoài Linh đã hăng hái đăng ký tham gia.

Trước khi tham gia vào công tác này, thầy Linh đã được phía Trung tâm 115 tập huấn rất kỹ lưỡng các quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19, từ cách mặc đồ bảo hộ, đến khử khuẩn xe cấp cứu chuyên dụng…

Thầy Nguyễn Hoài Linh trong một lần làm tình nguyện. (ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Hoài Linh trong một lần làm tình nguyện. (ảnh: NVCC)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Hoài Linh chia sẻ: "Bản thân mình luôn tuân thủ các quy tắc 5K mà ngành y tế khuyến cáo, chủ động tăng cường sức khỏe cho bản thân, tránh làm ảnh hưởng đến gia đình và mọi người xung quanh.

Quá trình tham gia vào việc vận chuyển các bệnh nhân mắc Covid-19 (F0), bản thân mình luôn mong muốn làm sao vận chuyển bệnh nhân nhanh chóng tới bệnh viện, trong thời gian sớm nhất, đảm bảo an toàn nhất".

Thầy Linh chỉ mới chạy xe cấp cứu từ ngày 29/7. Vì còn độc thân (sinh năm 1993), nên thầy Linh không bị vướng bận nhiều chuyện gia đình, làm một ngày nghỉ một ngày.

Do xe cấp cứu chuyên dụng có vách ngăn ở giữa khoang tài xế và bệnh nhân nên thầy Nguyễn Hoài Linh cũng không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Gia đình luôn đồng tình và ủng hộ công việc tình nguyện mà thầy Linh đang làm.

Dù vậy, thầy Linh vẫn luôn ý thức việc giữ an toàn cho những người xung quanh mình.

Thầy Nguyễn Hoài Linh tham gia lái xe tình nguyện cho trung tâm 115 thành phố cả ngày và đêm, theo hình thức chia ca và xoay tua với nhiều người khác, nhưng không nề hà bất cứ khó khăn nào, cứ thấy phân công nhiệm vụ là lên đường.

“Sau khi vận chuyển bệnh nhân tới các bệnh viện hoàn tất, tôi nhận được những lời cảm ơn, thậm chí là hành động cúi đầu cảm ơn của người thân bệnh nhân. Chính những hình ảnh này đã làm tôi rất xúc động và luôn mong họ sẽ sớm khỏe trở lại, về với gia đình.

Đó cũng chính là động lực giúp tôi tham gia vào công việc này, góp một chút công sức nhỏ bé của mình cho thành phố trong những ngày căng thẳng chống dịch”, thầy Linh nhớ lại.

Giữ vững tinh thần “chống dịch như chống giặc”

Luôn giữ vững tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà lãnh đạo trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi, ngoài thầy Nguyễn Hoài Linh thì còn rất nhiều thầy cô giáo khác của thành phố tham gia tình nguyện, cùng góp sức mong sớm chiến thắng đại dịch.

Những ngày qua, cô Bùi Thiên Phương (giáo viên trường trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm, quận 3) cùng hai đồng nghiệp ở trường mình đã đăng ký tham gia trực chốt, bảo vệ “vùng xanh” (vùng không có dịch) tại hẻm 413 Lê Văn Sỹ, phường 12, quận 3.

Cô Phương và các thành viên trong nhóm thường chia nhau ra, thay phiên nhau trực từ 4 đến 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Việc trực chốt, các thành viên sẽ làm chủ yếu là nhắc nhở người dân sinh sống trong hẻm không được ra ngoài khi không có việc thực sự cần thiết, không được tập thể dục, việc giao nhận hàng hóa chỉ được thực hiện tại chốt, có sẵn bàn để đồ…

Tất cả các thành viên, người dân luôn luôn phải đảm bảo các nguyên tắc 5K của Bộ Y tế khuyến cáo.

Còn với cô Trương Thị Thu Lộc (giáo viên trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Thủ Đức) thì đã từ nhiều ngày nay, cô và các đồng nghiệp giáo viên, nhân viên của các trường học trên cùng địa bàn cùng tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 trong cộng đồng, hỗ trợ tại các điểm tiêm vắc-xin, thực hiện các công tác thiện nguyện hỗ trợ gia đình khó khăn.

Cô Trương Thị Thu Lộc và các đồng nghiệp tại điểm làm nhiệm vụ (Ảnh: NVCC)

Cô Trương Thị Thu Lộc và các đồng nghiệp tại điểm làm nhiệm vụ (Ảnh: NVCC)

Cô Thu Lộc cho hay, khi tham gia vào các đội hỗ trợ, các thầy cô đều đã được tham gia tập huấn rất kỹ, tuân thủ nguyên tắc 5K.

Theo cô Lộc, các thành viên trong gia đình luôn ủng hộ cô đi tình nguyện, trong nhà còn có anh trai và chị dâu là những người ở tuyến đầu chống dịch tại thành phố.

Do bản thân đã được tư vấn, tìm hiểu thông tin về cách giữ an toàn cho cá nhân, cũng như giữ an toàn cho tất cả mọi người xung quanh, nên lúc nào trở về nhà, cô cũng đặt vấn đề an toàn chống dịch lên trên hết cho tất cả các thành viên trong gia đình.

Do các con đã lớn nên không quá bận rộn việc gia đình, nên nhờ vậy mà cô Lộc yên tâm hơn, dành thời gian nhiều hơn đi tình nguyện phòng chống dịch.

Nữ giáo viên này và các đồng nghiệp luôn yên tâm, sẵn sàng đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho công tác phòng chống dịch Covid-19 của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Bên cạnh những cống hiến của thầy cô làm tình nguyện thì nhiều đơn vị, trường học cũng chung tay đóng góp vậy chất trong cuộc chiến đuổi giặc Covid-19.

Tại bếp ăn của trường tư thục Tuệ Đức (cơ sở phường An Khánh, thành phố Thủ Đức), nhiều ngày nay đã làm hàng trăm suất cơm gửi tặng đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế đang căng mình trên tuyến đầu chống dịch.

Lời nhắn gửi yêu thương trên từng suất ăn.

Lời nhắn gửi yêu thương trên từng suất ăn.

Thầy Nguyễn Tiến Danh – Quản lý vận hành hệ thống trường Tuệ Đức chia sẻ, việc này trường đã làm từ ngày 20/7 đến nay.

Để đảm bảo an toàn cho bếp ăn và các thành viên, nhà trường bố trí sắp xếp ở lại trường theo từng đợt (mỗi đợt 10 ngày), thực hiện nghiêm quy định 5K từ khâu nhận nguyên liệu đến chế biến, chuyển giao các suất cơm đến các bệnh viện dã chiến.

"Để bếp ăn hoạt động được, nhà trường đã nhận được sự đóng góp rất lớn của quý phụ huynh, học sinh qua những chú heo đất mà các em gửi tặng…

Ở mỗi suất cơm, các thành viên đều dán thêm tờ ghi chú nhỏ trao gửi thêm lời yêu thương, lời động viên đến với các y bác sĩ. Chúng tôi cũng mong muốn sẽ lan tỏa những năng lượng tích cực, sự sẻ chia đầy yêu thương từ hậu phương cho đến tuyến đầu chống dịch. Đó cũng là điều mà thầy cô muốn nhắn gửi các em học sinh sống sẻ chia, sống có trách nhiệm với cộng đồng”, thầy Danh chia sẻ.

Phan Nga - Việt Dũng