Văn bằng tiến sĩ không thích hợp cho cán bộ công chức, viên chức Nhà nước

30/05/2022 06:42
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết: "Tôi không có nghiên cứu sinh làm cho Nhà nước, nhưng có 1 em làm cho một tập đoàn kinh tế".

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030".

Theo đó, giai đoạn 2022-2025, Hà Nội dự kiến sẽ chi 61,5 tỉ đồng cho đào tạo sau đại học trình độ thạc sỹ và tiến sỹ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Ngay sau khi đề án này được ban hành, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại bởi đào tạo bậc tiến sĩ là dành cho nghiên cứu khoa học, công tác tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng chứ bộ máy công quyền thì không cần đến trình độ này.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Giáo sư Xuất sắc và Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney, Giáo sư y khoa (kiêm nhiệm) của Đại học New South Wales, và Giáo sư kiêm nhiệm dịch tễ học và thống kê học thuộc Đại học Notre Dame Australia.

Phóng viên: Mục tiêu của đề án là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, việc dùng ngân sách nhà nước để cử cán bộ đi học thạc sĩ, tiến sĩ có phù hợp không?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi thấy đề án này có vài điều cần phải xem xét lại hay thảo luận thêm. Đa số các vị trí trong hệ thống công quyền không cần đến bằng tiến sĩ.

Văn bằng thạc sĩ có mục tiêu chính là nâng cao nghiệp vụ cho một cá nhân bằng cách học chuyên sâu một lãnh vực hẹp (ví dụ như quản trị kinh doanh, quản trị hệ thống IT). Do đó, văn bằng thạc sĩ có thể giúp ích cho các chuyên gia trong bộ máy nhà nước trong việc thăng tiến sự nghiệp.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Giáo sư Xuất sắc và Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Giáo sư Xuất sắc và Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney

Riêng chương trình tiến sĩ thì có mục tiêu chính là đào tạo một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp (professional scientist). Đa số các vị trí trong bộ máy nhà nước không cần nghiên cứu khoa học, hay có nghiên cứu thì cũng không cần đến những phương pháp chuyên sâu, và không cần sáng chế ra cái gì mới. Do đó, văn bằng tiến sĩ không thích hợp cho các cán bộ công chức, viên chức Nhà nước.

Ông có từng đào tạo nghiên cứu sinh nào làm trong hệ thống công quyền?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi không có nghiên cứu sinh làm cho Nhà nước, nhưng có 1 em làm cho một tập đoàn kinh tế. Em này vì lí do tài chính nên đầu quân cho tập đoàn dược, và em ấy cho biết công việc hàng ngày chẳng liên quan gì với những nghiên cứu em ấy học trong lab tôi. Tuy nhiên, em ấy cho biết những kiến thức về nghiên cứu khoa học giúp ích trong việc quản lí khoa học cho tập đoàn.

Vậy học tiến sĩ vì muốn theo đuổi sự nghiệp hành chính, quản trị kinh doanh, hay các chức vụ hành chính, hay các chức vụ mang tính quản lí thì đó đúng quy luật phát triển không, thưa ông?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Theo tôi nghĩ thì không. Như nói trên, mục tiêu của đào tạo tiến sĩ là nhằm kiến tạo một nhóm người ưu tú cho nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng ngại ở nhiều nước phương Tây hiện nay là đa số các tiến sĩ không theo đuổi được sự nghiệp khoa học tuy họ được đào tạo để làm nghiên cứu khoa học. Theo một nghiên cứu từ Anh, hơn phần nửa (53%) tiến sĩ tìm sự nghiệp ngoài khoa học, và chỉ có 10% nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ theo đuổi sự nghiệp khoa học hoặc giảng dạy. Đa số những người này đều làm việc trong các tập đoàn kĩ nghệ. Nhưng số người bỏ khoa học sau khi xong tiến sĩ để làm trong các cơ quan công quyền và hành chính thì rất hiếm.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư.

Linh Hương