Từng nghĩ trai tráng mà múa hát kỳ kỳ nhưng giờ tôi tự hào về nghề GV mầm non

20/07/2022 06:38
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy giáo trẻ Đình Lộc từng lo lắng khi mình chọn ngành học mầm non để theo đuổi, thế nhưng, bây giờ thầy rất tự hào về nghề mình đã chọn.

“Lúc đầu tôi cũng ngại lắm, bởi thanh niên trai tráng như vậy mà múa múa, hát hát cho con nít, dạy mầm non cứ thầy kỳ kỳ sao đấy.

Nhưng vì yêu trẻ, mến nghề nên mọi khó khăn, trở ngại tôi đều vượt qua. Dần dần, ý thức được tầm quan trọng của nghề tôi đã chọn thì thật sự không còn e ngại vấn đề thầy giáo dạy trẻ nữa. Tôi đã tự tin và vượt qua tất cả rào cản để phấn đấu theo nghề”, thầy giáo mầm non Hoàng Đình Lộc chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Là giáo viên nam hiếm hoi hiện đang giảng dạy bậc học mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, thầy giáo Hoàng Đình Lộc, 26 tuổi, Trường Mầm non A Ngo (xã A Ngo, huyện Đakrông) với tình yêu nghề, mến trẻ, đang ngày ngày dành tâm huyết để nuôi dạy con trẻ ở những bản làng giữa đại ngàn Trường Sơn.

Chia sẻ hành trình về với A Ngo của mình, thầy giáo trẻ Hoàng Đình Lộc cho biết, anh tốt nghiệp ngành Giáo dục Mầm non của Trường Đại học Sư phạm Huế.

Thầy giáo mầm non trẻ trong một giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Thầy giáo mầm non trẻ trong một giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Lộc bảo ban đầu đi học đại học, nhiều người hỏi học ngành gì, chàng sinh viên ngày ấy đều lảng tránh bảo là học ngành giáo dục tiểu học cho đỡ ngượng.

Sau khi tốt nghiệp, Đình Lộc trở thành giáo viên mầm non ở Huế và Đà Nẵng. Tại Đà Nẵng, thầy giáo trẻ được tiếp cận với phương pháp dạy trẻ mầm non của chương trình quốc tế.

Năm 2019, thầy giáo trẻ đã từ bỏ công việc ở trường quốc tế với mức đãi ngộ cao để trở về Quảng Trị, thi đỗ công chức và được biên chế vào trường Mần non A Ngo, nơi có đa số học sinh là người đồng bào Pa Kô.

Chính thức bước vào nghề, với những đứa trẻ ở vùng khó khăn khác hoàn toàn với nơi thầy từng làm việc trước đây, thầy Lộc nghiêm túc học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng của những giáo viên đi trước và tập làm quen với trẻ để có thể hoàn thành tốt công việc của mình.

“Những ngày đầu lên lớp, các cháu người đồng bào Pa Kô, phụ huynh học sinh cũng thấy lạ, tò mò về giáo viên nam dạy mầm non.

Ân cần đón trẻ.

Ân cần đón trẻ.

Học sinh mầm non còn rụt rè, thầy trò bất đồng ngôn ngữ. Các con nói tiếng dân tộc mình. Học sinh nhìn thấy thầy thì sợ, khép nép. Nhưng dần dần, tôi cố gắng gần gũi trò chuyện, thân thiện và thể hiện những tài lẻ, bày các trò chơi thu hút các em khiến các em cảm thấy an toàn và cởi mở giao tiếp. Bản thân tôi cũng phải tự đi học tiếng đồng bào để giao tiếp với các em thuận tiện hơn.

Được sự khích lệ của nhà trường, phụ huynh nên công việc của tôi dần quen. Đến bây giờ thì mọi khó khăn đã qua”, thầy Lộc chia sẻ thêm.

Nói về khó khăn của nghề “thầy giáo mầm non”, thầy Lộc chia sẻ, “nuôi trẻ vốn đã khó khăn, áp lực với các cô giáo mầm non thì các thầy giáo mầm non còn gian nan hơn nhiều. Đặc biệt là công tác vệ sinh cho các em nhỏ. Khi các con quấy khóc… Để làm được tốt thì không chỉ cần sự kiên trì, nhẫn nại mà còn phải cực kỳ tâm huyết. Nếu không rất dễ bỏ nghề.

Nâng niu từng miếng cơm cho học trò. Ảnh: NVCC

Nâng niu từng miếng cơm cho học trò. Ảnh: NVCC

Nhưng nếu vượt qua rồi, tìm được hạnh phúc với nghề sẽ cảm thấy rất tự hào về nó. Đến bây giờ tôi tự hào là thầy giáo mầm non ở A Ngo này”.

Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, đến bây giờ thầy Lộc đã có thể tự làm thành thạo các loại đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ, tết tóc cho các cháu nữ, vệ sinh các cháu nam...

Năm học trước thầy được phân công dạy lớp nhỡ nhưng do dịch bệnh, số trẻ giảm nên thầy Lộc được phân xuống dạy lớp bé 3 tuổi.

Các cháu nhỏ cũng đồng nghĩa với việc dạy dỗ sẽ khó khăn hơn nhiều bởi phải rèn ý thức tự lập cho các cháu ngay từ lứa tuổi này.

Sự yêu mến của con trẻ mỗi lần thầy Lộc đến lớp cũng chính là nguồn động viên để anh gắn bó hơn với những đứa trẻ miền núi này.

Bên cạnh những năng khiếu của bản thân, thầy giáo trẻ này còn không ngừng trau dồi chuyên môn, các kỹ năng như hát, múa, vẽ, sử dụng thành thạo máy tính để thiết kế các trò chơi trên Power Point, cắt ghép nhạc, cắt ghép ảnh, video đưa vào giảng dạy... Nhờ đó, lớp học của thầy luôn thu hút đối với trẻ.

Thầy giáo Hoàng Đình Lộc trong buổi bảo vệ biện pháp chuyên môn. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Hoàng Đình Lộc trong buổi bảo vệ biện pháp chuyên môn. Ảnh: NVCC

Nhờ sự tận tâm, nhiệt huyết, nỗ lực trong giảng dạy mà 2 năm học liền (2019 - 2020; 2020 - 2021), thầy giáo Hoàng Đình Lộc được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Năm học 2021 - 2022 thầy Hoàng Đình Lộc được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Với sự năng nổ, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của một “thầy giáo mầm non”, thầy Lộc nhận được sự yêu mến của các giáo viên trong trường, của phụ huynh và các cháu mầm non nơi ở xã biên giới A Ngo…

Thầy giáo trẻ Đình Lộc mới lập gia đình cùng một cô giáo dạy Tiểu học. Chia sẻ về người bạn đời của mình, thầy Lộc bảo, hai vợ chồng sẽ cùng giúp đỡ nhau về chuyên môn, dạy tiểu học và mầm non cũng gần nhau nên đó cũng là thuận lợi.

Nói về tương lai của nghề, thầy Lộc chia sẻ thêm: “Tôi biết những khó khăn vẫn còn nhiều nhưng luôn tự nhủ sẽ cố gắng hết mình để tiếp tục nuôi dạy những măng non của bản làng, nhằm giúp các em có những kỹ năng, những con chữ đầu đời để lớn lên và có tương lai tươi sáng”.

Xã A Ngo là một trong 05 xã biên giới của huyện Đakrông, nơi có cửa khẩu Quốc tế La Lay, địa bàn giáp ranh nước bạn Lào với 14,7 km đường biên giới. Dân số chủ yếu là người đồng bào Pa Kô, Vân Kiều

Trần Phương