Đến với nghề báo là một cơ duyên không ngờ tới
Đó là chia sẻ của Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 1998), hiện đang là Biên tập viên tại Phòng Tiếng Pháp - Ban Đối Ngoại VOV5 - Đài Tiếng nói Việt Nam.
Thùy Linh nhớ lại: “Đến với nghề báo, với tôi, đó là một cơ duyên không ngờ tới. Trước khi ra trường, tôi đã có cơ hội thực tập và trải nghiệm rất nhiều công việc khác nhau từ du lịch, báo chí, biên phiên dịch, thư ký… để khám phá bản thân, bởi, ngành ngôn ngữ đối với tôi vào thời điểm đó quả là có nhiều lựa chọn.
Vào năm cuối, tôi vẫn duy trì công việc thư ký cá nhân bán thời gian Giám đốc một công ty của Pháp, chuyên về thiết kế và giám sát thi công công trình thép với khoản lương khá so với mặt bằng chung.
Khi đó, thật lòng mà nói, tôi vẫn chưa quyết định được mình có khả năng và sẽ theo đuổi con đường nào lâu dài và đang đứng giữa ngã ba đường: duy trì công việc bán thời gian và tiếp tục tìm kiếm con đường phù hợp, xin ở lại trường hay tiếp tục đi học cao hơn.
Tháng 7/2020, nhờ giữ liên lạc với các công việc thực tập báo chí đã làm trước đó, tôi chợt nhận được thông báo tuyển dụng qua e-mail của Ban Đối Ngoại - VOV5 cho vị trí Biên tập viên/Phát thanh viên tại Phòng Tiếng Pháp. Ngay lập tức, tôi đã quyết định thử sức mà không hề trông đợi gì quá nhiều.
Với tâm thế mình còn trẻ và mỗi lần thử là một lần cọ xát, tôi đã theo học ngay một khóa đào tạo ngắn hạn về Truyền thông báo chí để bổ sung kiến thức và chuẩn bị cho ngày nộp hồ sơ. Tôi cũng không ngờ mình qua vòng hồ sơ, và sau đó là cả vòng phỏng vấn để có cơ hội làm việc tại Đài”.
Nguyễn Thùy Linh (sinh năm 1998), hiện đang là Biên tập viên tại Phòng Tiếng Pháp - Ban Đối Ngoại VOV5 - Đài Tiếng nói Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
“Tính từ lúc có quyết định đến giờ, tôi đã hoàn thành được nửa thời gian của quãng một năm thử thách tại Đài, không ngắn cũng không dài, nhưng đủ để tôi muốn đi xa hơn trên con đường này.
Từ một người học ngành ngôn ngữ “vắt chân” sang ngành báo chí, vừa có lợi thế mà cũng có cả những hạn chế nhất định.
Trước hết, ngôn ngữ là công cụ để thể hiện ngòi bút, cập nhật liên tục các thông tin văn hóa, kinh tế, đời sống xã hội của Việt Nam, đưa Việt Nam đến gần hơn với các bạn bè quốc tế. Nền tảng về ngôn ngữ và văn hóa giúp tôi có thể thích ứng tốt hơn với công việc.
Ở chiều ngược lại, vì tiếng Pháp được học ở đại học và tiếng Pháp báo chí là hai phạm trù khác biệt. Thời gian đầu, tôi gặp khá nhiều khó khăn để thích ứng và sử dụng ngôn ngữ sao cho đúng chất báo chí mà vẫn mang đầy đủ thông tin cần truyền đạt. Hơn nữa, tại Đài là ngôn ngữ báo chí dành cho phát thanh nên ngoài cần đầy đủ, chính xác còn phải ngắn gọn, dễ nghe, dễ nhớ.
Cơ duyên đến với nghề báo, đối với Linh là một bất ngờ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Những ngày đầu tiên, tôi lại đang niềng răng nên ít nhiều ảnh hưởng đến phát âm… cũng may là điều này đã rất nhanh được cải thiện. Trong suốt quá trình, tôi hiểu ra rằng mình còn quá nhiều thiếu sót mà khi khắc phục sẽ có thể đưa mình đi xa hơn trên con đường sự nghiệp”, cô gái 23 tuổi bộc bạch.
Nhắc đến gương mặt truyền cảm hứng cho mình, Thùy Linh chia sẻ: “Nếu chọn một cái tên trong nghề thì có lẽ tôi phải nhắc đến cô Trịnh Thị Ngọ, hay còn được biết đến là nữ Phát thanh viên tiếng Anh gạo cội của VOV, người đã “ru ngủ” triệu lính Mỹ ở miền Nam thời chiến.
Với biệt danh Hannah Hanoi, cô Ngọ là tiền bối đi trước với kinh nghiệm dạn dày chuyên môn, chất riêng đặc biệt và chiến công hiển hách. Cô thực sự là một tấm gương của các thế hệ Biên tập viên/Phát thanh viên đối ngoại”.
“Nghề báo mang lại cho tôi những trải nghiệm đáng quý về cuộc sống, mỗi chuyến đi, mỗi câu chuyện, mỗi con người đều là những nét chấm phá về cuộc sống. Và nhiệm vụ, vai trò của người làm báo là phác họa lại những mảnh ghép đó đến người đọc, người nghe. Nghề báo thực sự là một nghề vô cùng thú vị nhưng cũng vô cùng áp lực. Nghề báo đòi hỏi sự nhạy cảm và người làm báo phải luôn tự học tập, trau dồi để không bị thụt lùi”, Linh tâm sự.
Tiếng Pháp đã mang đến cho Linh nhiều cơ hội, trải nghiệm mới. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Biến đam mê thành “cánh tay nối dài”
Học tiếng Pháp từ Tiểu học nhưng tự nhận thấy mình không đủ giỏi, Nguyễn Thùy Linh vẫn tiếp tục lựa chọn học ngành ngôn ngữ Pháp tại Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) bởi lý do “vì yêu cứ đâm đầu”. “Nhờ tiếng Pháp, tôi đã có rất nhiều người thầy, người bạn cùng mối quan tâm, cùng chung ngôn ngữ”, cô chia sẻ.
Nguyễn Thùy Linh đã tham dự giải SLAM thơ Việt Nam và giành chiến thắng để giao lưu học hỏi cùng đại diện của 22 nước trên thế giới tại cuộc thi SLAM quốc tế được tổ chức tại Paris 2019.
Cô cũng đã tham gia trại hè AMICIF hơn một tháng tại Pháp với 42 bạn trẻ nói tiếng Pháp đến từ 32 quốc gia để cùng nhau hiểu thêm về ngôn ngữ, đất nước hình lục lăng với vô vàn cơ hội kết nối cũng như việc làm. Đó là những cơ hội trải nghiệm đáng quý mà Thùy Linh có được khi gắn bó với tiếng Pháp.
Thùy Linh đại diện cho thế hệ trẻ toàn quốc phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
“Trước đây, tôi từng nói Tiếng Pháp giống như “crush” của mình, khó khăn nhưng cũng đầy ngọt ngào; còn bây giờ nếu phải so sánh, tôi lại thấy giống việc trồng cây, mình cứ kiên trì và vun đắp rồi sẽ đến ngày hái quả ngọt...
Tuy vậy, tôi cũng hiểu rằng, cho dù có học rất giỏi tiếng Pháp hay một ngoại ngữ nói chung nào, thì đó cũng chỉ là công cụ, cần có năng lực để tận dụng công cụ này.
Trong thời đại thế giới phẳng, thời kỳ hội nhập hiện nay, ngoại ngữ chính là “chìa khóa” để chúng ta bước một chân thành công vào môi trường toàn cầu. Bước chân còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng và sự nỗ lực của từng cá nhân.
Chính vì vậy, chúng ta phải biết cách vận dụng ngoại ngữ - chính là “cánh tay nối dài” kết nối giữa người học (có khả năng sử dụng) với nhiều cơ hội rộng mở khác nhau thuộc nhiều ngành nghề đa dạng”, ánh mắt cô tràn đầy niềm tin với đam mê tiếng Pháp.
Là một cô gái năng động, Thùy Linh không chỉ xuất sắc hoàn thành chương trình học song bằng (một bằng Ngôn ngữ và một bằng Luật), mà còn tận dụng quãng thời gian sinh viên quý giá để trải nghiệm cuộc sống và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp.
Thùy Linh là gương mặt tiêu biểu của nhiều giải thưởng và danh hiệu suốt quãng thời gian sinh viên. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Mặc dù gặp không ít khó khăn về thời gian, điểm số, về sự lựa chọn và cân nhắc điều gì quan trọng hơn, song, cô vẫn vượt qua tất cả: “Tôi chỉ đơn giản là tranh thủ mọi thời gian có thể: học bài và làm bài ngay tại lớp để không phải mang về nhà, lấp đầy các khoảng trống thời gian bằng các công việc khác nhau và lập thời gian biểu, nhắc lịch cụ thể; linh hoạt trong việc sắp xếp lại công việc khi có sự cố xảy ra”.
Với sự tự tin và đầy nhiệt huyết của mình, Nguyễn Thùy Linh trở thành cái tên quen thuộc của không ít giải thưởng và danh hiệu đáng quý thời sinh viên: Sinh viên 5 tốt; Người tốt việc tốt; Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác; Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở; Giải Nhất cuộc thi Start-up Francophone - Khởi nghiệp Pháp ngữ 2018; Giải Nhì cuộc thi Vision de Yên Bái; Top 4 Tranh biện tiếng Pháp và cuộc thi Voice Out 2018…
Trước tình trạng vẫn có những sinh viên không chú tâm học tập hoặc bỏ dở con đường đại học, Linh bày tỏ: “Trong suốt quá trình học đại học, đôi khi sinh viên có thể mơ hồ về mục đích của việc học, học xong ra trường làm gì, rồi áp lực về tiền lương khiến nhiều bạn xa rời việc học và lãng phí quãng thời gian đẹp nhất của mỗi người trên giảng đường đại học.
Chính vì vậy, tôi mong rằng, khi chúng ta đi, dù mò mẫm nhưng con đường mơ hồ cũng dần dần được định hình trên mỗi bước ta tiến về phía trước. Bản thân tôi khi đó chưa từng cố gắng vẽ ra một bức tranh toàn cảnh tương lai và mong nó rõ nét cả; chỉ đơn giản là tìm niềm vui nhỏ từ những mong muốn nhỏ, vẽ một mảnh ghép và cố gắng ráp nối chúng lại với nhau. Đến một ngày nào đó, nhiều mảnh ghép cũng sẽ thành bức tranh hoàn chỉnh.
Có một lời bài hát mà tôi rất thích trong bài Suga’s Interlude - Halsey ft Suga, xin chia sẻ: Tôi tin rằng niềm tin, nỗ lực của bạn không phải là sự viển vông. Tôi tin là như vậy. Bình minh trước khi mặt trời mọc luôn là thời khắc tối tăm nhất. Nhưng đừng quên, những vì tinh tú bạn tìm kiếm chỉ xuất hiện trong màn đêm thăm thẳm”.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, Thùy Linh cho biết: “Tôi muốn hoàn thành thật tốt công việc chính thức trở thành “người nhà Đài”, từng bước xây dựng kênh kết nối Tuline cho giới trẻ tìm hiểu, trao đổi ngôn ngữ qua những câu chuyện kinh nghiệm đời thường hay những tin bài tiếng Pháp... Bên cạnh đó, tôi cũng đang sắp xếp để có thể học cao học trong thời gian tới”.