Từ năm 2020 đến nay, mở 562 ngành đào tạo mới

30/08/2021 06:02
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Từ đầu năm 2020 đến ngày 30/7/2021, có 562 ngành đào tạo đã được mở mới, trong đó 413 ngành do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở và 149 ngành do Bộ mở.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả thực hiện tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học cho thấy, thực hiện tự chủ trong việc mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo là một nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ; bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường cũng tích cực thay đổi nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.

Quy mô tuyển sinh sau tự chủ có xu hướng giảm, trong đó giảm mạnh đào tạo đại trà và tăng đào tạo chất lượng cao.

Về tổ chức bộ máy, hiện đã có 142/175 hội đồng trường được thành lập theo luật mới (không tính các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng); theo báo cáo của 45 bộ, ngành, địa phương cho thấy không có địa phương, bộ, ngành nào có vướng mắc về quy trình, thủ tục thành lập hội đồng trường theo quy định mới.

Nguồn: Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nguồn: Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nhiều chương trình đào tạo như chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao, chương trình đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng, chương trình tiên tiến tiếp tục được nhiều cơ sở giáo dục đại học quan tâm phát triển. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục thực hiện chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học ở các nước trên thế giới (tính đến 12/2020, có 370 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động) tạo cơ hội học tập cho sinh viên được học tập các chương trình quốc tế, được nhận bằng của các trường quốc tế.

Nguồn: Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nguồn: Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nhiều mã ngành đào tạo mới được mở nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến dự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ đầu năm 2020 đến ngày 30/7/2021, có 562 ngành đào tạo đã được mở mới, trong đó, có 413 ngành do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở và 149 ngành do Bộ giáo dục đào tạo mở; trong đó đã có các ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực mới như: khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh, IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, nghệ thuật số, robot và trí tuệ nhân tạo, digital marketing… và thu hút số lượng lớn sinh viên nhập học.

Theo báo cáo tổng hợp từ các cơ sở đào tạo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong những năm gần đây tăng cao; tỷ lệ sinh viên có việc làm trong 6 tháng đầu sau tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học tăng, cụ thể Quý 4/2019 đạt tỷ lệ trên 80%.

Số lượng cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng. Tính đến ngày 31/7/2021, theo tiêu chuẩn trong nước, có 263 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 160/163 cơ sở giáo dục đại học và 10/29 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; 430 chương trình đào tạo hoàn thành báo cáo tự đánh giá, trong đó có 293 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và 241 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (đây là bộ tiêu chuẩn được xây dựng theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo của Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN).

Theo tiêu chuẩn nước ngoài, có 07 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và AUN-QA; 216 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín.

Nguồn: Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nguồn: Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Năm 2021, 05 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có tên trong hai bảng xếp hạng của QS (Quacquarelli Symonds) và của THE (Times Higher Education); Trường Đại học Tôn Đức Thắng có tên trong hai bảng xếp hạng của THE (Times Higher Education) và của Đại học Thượng Hải; Trường Đại học Duy Tân lần đầu tiên xuất hiện trong bảng xếp hạng của Đại học Thượng Hải.

Thùy Linh