Ngày 15/6, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi họp báo, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế xã hội của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2017.
Nói về tình hình chuẩn bị của các tuyến buýt đường sông, chạy trên sông Sài Gòn, ông Trần Quang Lâm - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Trong 2 tuyến buýt đường sông đầu tiên của thành phố, dự kiến chỉ có tuyến số 1 là có thể đưa vào hoạt động đúng kế hoạch.
Theo đó, ông Trần Quang Lâm cho biết, cơ bản thì việc chuẩn bị cho tuyến buýt đường sông số 1 đi vào hoạt động đã xong.
Cuối tháng 6 này, thành phố sẽ cho chạy thử nghiệm tuyến buýt đường sông này, và đầu tháng 7 sẽ chính thức đưa vào hoạt động.
Đây sẽ là tuyến buýt đường sông đầu tiên của thành phố, bắt đầu từ Bến Bạch Đằng (quận 1) đi về Linh Đông (quận Thủ Đức), với chiều dài khoảng 10,8km, có 7 trạm dừng.
Buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm của Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L) |
Tuyến buýt đường sông số 2 (Bến Bạch Đằng, quận 1 đến Lò Gốm, quận 8) do bị vướng cống ngăn triều Bến Nghé tại quận 1, công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng hiện đang triển khai, nên chưa thể khai thác đúng như dự kiến.
Phải đến đầu năm 2018, tuyến buýt đường sông này mới có thể đưa vào hoạt động được.
Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn của Ủy ban nhân dân thành phố - ông Võ Văn Hoan nói rằng, ngoài việc phục vụ, góp phần cho việc phát triển du lịch thành phố, khi đưa vào hoạt động các tuyến buýt đường sông sẽ góp phần rất lớn giảm áp lực cho giao thông đường bộ.
Thành phố rất quyết tâm, nhưng việc triển khai đang gặp khó khăn. Muốn triển khai hoạt động hiệu quả, cần phải đầu tư bãi giữ xe ở các đầu bến cho người dân, vì không thể mang xe lên tàu.
Cùng lúc còn phải chú ý đến vị trí lên tàu, bến đỗ, hoạt động phục vụ bên trong bến bãi. An toàn đường sông cần phải được thắt chặt, giờ giấc cần đảm bảo, 2 bên bờ cần đầy đủ bến bãi. Do vướng cống ngăn triều, nên tuyến số 2 phải chậm lại.
Theo tính toán từ nhà đầu tư, với khoảng cách khoảng 11km, mỗi tàu có sức chứa tối thiểu 60 chỗ thì thời gian di chuyển mỗi chuyến sẽ là 30 phút.
Khi đi vào hoạt động, mỗi ngày, 2 tuyến buýt đường sông này sẽ vận chuyển được cho khoảng 5.000 người dân. Ban đầu, giá vé có thể được tính toán ở mức 15.000 đồng/người/lượt.