LTS: Nâng cao đời sống giáo viên luôn là vấn đề nóng được xã hội quan tâm. Xác định đội ngũ nhà giáo là nhân vật trung tâm của hệ thống giáo dục, Đảng và Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, chăm lo tới đội ngũ nhà giáo.
Liên quan đến việc nâng cao đời sống nhà giáo, nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam khẳng định, giáo viên và đời sống giáo viên các cấp học, các vùng miền luôn là đề tài nóng và là mối quan tâm của xã hội.
Theo ông, nóng bởi vì những hành vi liên quan đến giáo viên, học sinh và nhà trường thường có tác động trực tiếp, trực diện đến nhiều đối tượng. Xã hội quan tâm nhiều vì chất lượng lao động của giáo viên quyết định nguồn nhân lực, sự phát triển của cộng đồng trong tương lai.
“Chính vì vậy, các chế độ, chính sách của Đảng và nhà nước liên quan tới giáo viên nói riêng và giáo dục nói chung đều được quan tâm, thường xuyên được cập nhật, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, nhằm tạo dựng một lực lượng lao động trong ngành đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và tiệm cận với sự phát triển của nền giáo dục các nước trong khu vực và trên thế giới”, ông Nguyễn Ngọc Ân chia sẻ.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, với chức năng nhiệm vụ của mình, năm vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những tham mưu với Chính phủ, làm việc với các bộ, ngành để giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và người lao động ở các trường học.
Trong đó, người đứng đầu Công đoàn Giáo dục Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh tới đề xuất tăng biên chế cho ngành giáo dục trong bối cảnh các trường học thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 có nhiều môn học, hoạt động giáo dục cần có giáo viên đặc thù.
Theo ông, điều này làm giảm áp lực cho các trường học, đồng thời cũng giảm cường độ làm việc của giáo viên các trường học, đặc biệt là giáo viên các trường ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất và được đưa vào lộ trình cải cách chính sách tiền lương, theo đó ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát quy định tiền lương, ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất.
Ngoài ra, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục và vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ nhà giáo, năm 2023 Chính phủ đã cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo và các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.
Nói về hoạt động của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Ân chia sẻ: “Với công đoàn giáo dục Việt Nam, chúng tôi luôn thực hiện chức năng nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo, người lao động, từ đó phản ánh, đề xuất kiến nghị để các chế độ chính sách liên quan đến nhà giáo, nhà trường thay đổi theo hướng đảm bảo đời sống, việc làm và cơ hội cống hiến của họ”.
Theo đó, trong năm 2023, trước thực trạng giáo viên bỏ việc, chuyển nghề diễn ra ở nhiều trường học, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong ngành giáo dục tổ chức nhiều hoạt động tháo gỡ khó khăn trong lao động và cuộc sống, như: tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ, sử dụng các nguồn kinh phí từ tổ chức công đoàn để hỗ trợ; giảm áp lực cho giáo viên thông qua việc hướng dẫn cách thức xử lý khủng hoảng tâm lý, sẵn sàng đối mặt và biết cách giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đổi mới giáo dục, trong quá trình đối mặt với những tình huống sư phạm diễn ra ngày càng phức tạp.
“Từ đó, giáo viên nhìn nhận đúng giá trị nghề nghiệp, có năng lực, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng với yêu cầu đặt ra và tự tin, yêu nghề, gắn bó và cống hiến”, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đánh giá.
Trong bối cảnh ngành giáo dục đang triển khai đổi mới căn bản, toàn diện với nhiều nhiệm vụ mới và khó khăn, vai trò hỗ trợ, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng và tạo động lực để giáo viên đổi mới, sáng tạo của tổ chức công đoàn đặc biệt quan trọng.
“Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã từng truyền đi thông điệp: “Đổi mới mà không khó thì không gọi là đổi mới”. Thông điệp này làm cho những ai đang đảm trách nhiệm vụ đổi mới trong xã hội này – trong đó có giáo viên và ngành giáo dục tự thấy trọng trách, tự có ý thức trau dồi năng lực, bản lĩnh để đối mặt và vượt qua, có thế thì đổi mới mới có thể có ý nghĩa và thành công”, người đứng đầu Công đoàn Giáo dục Việt Nam bày tỏ.
Năm 2023 là năm mà các trường phổ thông tiếp tục đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở lớp 4, lớp 9 và lớp 11. Qua hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ với giáo viên ở các tỉnh thành, ông Ân đánh giá những bỡ ngỡ ban đầu khi tổ chức quản lý và dạy học theo chương trình tiếp cận năng lực, phẩm chất thay cho tiếp cận nội dung như trước đây; với việc sử dụng sách giáo khoa như một tài liệu học tập, không tuyệt đối hóa như trước đây; với việc tổ chức dạy học mang nhiều tính trải nghiệm thay cho truyền thụ một chiều như trước đây… đã được cán bộ quản lý và giáo viên hiểu rõ và thực hiện khá uyển chuyển.
“Vì hiểu rõ bản chất của công cuộc đổi mới nên giáo viên nỗ lực tự học, tự nghiên cứu, học từ đồng nghiệp và thông qua các đợt tập huấn chuyên môn… Những điều này đã giúp họ thêm vững tâm, tự tin trong quá trình dạy học.
Bây giờ về các trường học, chúng tôi đã nghe thấy nhiều cuộc bàn luận sôi nổi để giải quyết các vấn đề khó, mới… không còn thấy quá nhiều sự khó khăn, thậm chí là bế tắc như mấy năm trước”, ông Ân bày tỏ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng chia sẻ, có 2 điều vẫn đang là vấn đề đặt ra trong các trường học hiện nay liên quan đến chương trình mới, đó là chế độ làm việc của giáo viên phổ thông; định mức lao động trong cơ chế tự chủ ở các trường đại học và chế độ làm việc, thu nhập cũng như sự quan tâm, đến đội ngũ nhân viên trường học.
“Chúng tôi cũng đã khảo sát, đề xuất và hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có những đề xuất với các bộ ngành liên quan nghiên cứu và điều chỉnh, bổ sung”, ông Ân cho biết.
Chia sẻ về hoạt động của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong năm mới, ông Ân cho biết năm 2024 là năm đầu tiên Công đoàn Giáo dục Việt Nam triển khai Nghị quyết Đại hội XVI của Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XIII của Công đoàn Việt Nam, trong đó trọng tâm là các khâu đột phá.
“Một trong các khâu đột phá của nhiệm kỳ 2023 – 2028 và được thực hiện bắt đầu ngay từ năm 2024 là việc rà soát chế độ tiền lương, thu nhập của người lao động, phản ánh thực trạng đời sống giáo viên, nhân viên trường học, đề xuất căn cứ thay đổi lương và nâng cao thu nhập cho họ, thúc đẩy quá trình cải cách chế độ tiền lương”, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục triển khai xây dựng Trường học hạnh phúc. Trong đó chú trọng việc hỗ trợ giáo viên năng lực quản trị cảm xúc, ứng phó với các tình huống sư phạm; việc xây dựng mối quan hệ lao động trong trường học hài hòa, ổn định, dân chủ; nhà giáo, người lao động đến trường trong những cảm xúc tích cực, tạo động lực, truyền cảm hứng cho đồng nghiệp, cho học sinh, sinh viên. Từ đó, nâng cao giá trị sống, khẳng định giá trị nghề dạy học. Tôn vinh nghề, gắn bó với nghề và tự tin để đóng góp ngay từ mỗi trường học.
Ngoài ra, ông Ân cho biết, Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tìm kiếm các nguồn lực để kịp thời hỗ trợ nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ.
“Việc ghi nhận và tôn vinh kịp thời những cống hiến của nhà giáo để khẳng định giá trị của họ, lan tỏa những điều tốt đẹp; tác động để cộng đồng xã hội thấu hiểu, chia sẻ với nỗi vất vả, niềm vinh quang của nghề dạy học, từ đó có sự cộng hưởng để cùng tham gia vào quá trình giáo dục, xây dựng xã hội học tập… là việc mà mỗi tổ chức, mỗi cán bộ công đoàn trong các trường học đang nỗ lực thực hiện”, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam bày tỏ.