Ôm đồm nhưng đào tạo không chất lượng
Vừa qua, các trường đào tạo nghề đã kiến nghị được dạy chương trình học văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 7 môn học.
Tiến sĩ Hoàng Công Dụng, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh NVCC) |
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Công Dụng, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết:
“Hiện nay, trường nghề vẫn được phép liên kết để dạy 7 môn văn hóa. Tuy nhiên, với thời gian khoảng 2,5 năm vừa học nghề lại vừa học 7 môn học sẽ bị quá tải và khó hoàn thành mục tiêu cũng như bảo đảm chất lượng đào tạo.
Đó là chưa nói tới tới sự chênh lệch về chất lượng đầu vào giữa học sinh phân luồng học nghề và học sinh tiếp tục học trung học phổ thông. Các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên trường nghề cũng có những đặc thù riêng khác với cơ sở giáo dục trung học phổ thông”.
Theo Tiến sĩ Hoàng Công Dụng, tại Điều 33, khoản 4, Luật Giáo dục Nghề nghiệp năm 2014 nêu rõ: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng.
Điều đó cho thấy dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về khối lượng kiến thức văn hóa chứ không quy định về chương trình đào tạo. Vì vậy, chương trình giữ nguyên mà khối lượng kiến thức tăng lên thì khó có thể đảm bảo chất lượng.
Việc đào tạo song song để nhận bằng nghề và bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông sẽ có ảnh hưởng lớn đến mục tiêu đào tạo và chất lượng đầu ra của học sinh.
Tiến sĩ Hoàng Công Dụng phân tích, thứ nhất, về thời gian đào tạo, rút ngắn số kì học đối với giáo dục nghề nghiệp, tức là giảm 2 kì học so với học sinh trung học phổ thông. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục nghề nghiệp yêu cầu thời gian thực hành chiếm tỷ lệ khá lớn. Đối với trình độ trung cấp: lý thuyết chiếm từ 25% - 45%; thực hành, thực tập, thí nghiệm từ 55% - 75%. Đối với trình độ cao đẳng: lý thuyết chiếm từ 30% - 50%; thực hành, thực tập, thí nghiệm từ 50% - 70%. Do đó, việc dành thời gian để học các môn lý thuyết và văn hóa sẽ tạo áp lực rất lớn cho người học.
Thứ hai, điều kiện tổ chức giảng dạy về đội ngũ giáo viên, thiết bị dạy học hạn chế ở mức tối thiểu. Việc kiểm tra, đánh giá, thi kết thúc môn học và xác nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho học sinh được tinh gọn bảo đảm phù hợp với hình thức đào tạo của các đơn vị tổ chức giảng dạy.
“Như vậy, nếu đào tạo nghề đối với học sinh sau phân luồng mà đạt cả hai mục tiêu là vừa có bằng tốt nghiệp nghề nghiệp vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ khó tránh khỏi việc không bảo đảm về chất lượng đào tạo.
Do đó, học sinh cần học xong nghề nếu có nhu cầu mới học chương trình giáo dục thường xuyên. Điều đó sẽ giúp học sinh không bị quá tải để tập trung tốt hơn cho học tập và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, tránh ôm đồm, nửa vời”, Tiến sĩ Dụng nhận định.
Nên hiểu rõ về liên thông
Vậy câu hỏi đặt ra, nếu người học có nhu cầu liên thông thì cần đáp ứng những yêu cầu gì để phù hợp với thực tế đào tạo hiện nay?
Theo Tiến sĩ Hoàng Công Dụng có rất nhiều cơ hội để tiếp tục học tập cho học sinh sau khi có bằng, chứng chỉ nghề giúp các em nâng cao tay nghề và trình độ và nên hiểu rõ về việc liên thông.
Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc thực hành, thực tập của học sinh phải đặt lên hàng đầu và phải làm thực chất, hiệu quả. (Ảnh daidoanket.vn) |
“Nếu tiếp tục muốn học tập, người học có thể tiếp tục học lên trình độ cao đẳng nghề. Theo Khoản 3 Điều 32 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, các em hoàn toàn có thể được tuyển thẳng để tiếp tục học lên cao đẳng nghề.
Hoặc các em dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để lấy bằng Tốt nghiệp Trung học phổ thông và có cơ hội thi, xét tuyển cao đẳng, đại học. Học sinh có thể học theo chương trình giáo dục thường xuyên hoặc chương trình giáo dục phổ thông với lợi thế là các môn học văn hóa đã học được bảo lưu”, thầy Dụng chia sẻ.
Tiến sĩ Hoàng Công Dụng cho rằng, để đảm bảo chất lượng đầu ra của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như: tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo. Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý các cấp. Đặc biệt cần chú trọng, tăng cường giáo dục kỹ năng cho học sinh song song với việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động.
Tiến sĩ Hoàng Công Dụng nhận định: “Việc thực hiện đồng bộ hệ thống giải pháp là quan trọng. Thêm vào đó, cần lưu ý tới việc đổi mới phương thức quản lý, bảo đảm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc thực hành, thực tập của học sinh phải đặt lên hàng đầu và phải làm thực chất, hiệu quả.
Ngoài ra, với khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông áp dụng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thiết kế thống nhất với chương trình giáo dục phổ thông mới, đòi hỏi cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện cho việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa như đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đổi mới phương pháp giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việc đào tạo phải rõ ràng, không chồng chéo, không quá tải thì mới vừa thu hút được học sinh, vừa đảm bảo chất lượng đầu ra sau đào tạo và nhìn về lâu dài thì mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội, thị trường lao động trong tương lai”.