Trường thuộc vùng 135 gặp khó về kinh phí tổ chức hoạt động trải nghiệm

26/03/2023 06:45
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo Hiệu trưởng một trường THCS, kinh phí thực hiện hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp là nguồn xã hội hóa, gây khó khăn cho các trường thuộc vùng 135.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nhiều hấp dẫn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Phăng Sô Lin (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) chia sẻ về kết quả bước đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018: “Nhà trường đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn trường, làm tốt công tác tuyên truyền phụ huynh học sinh về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Từ công tác tuyên truyền tốt đó tạo tâm thế tin tưởng, tự tin trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và sự ủng hộ đồng thuận của nhân dân, phụ huynh học sinh.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Phăng Sô Lin tổ chức tuyên truyền ngay trong chính các cuộc họp phụ huynh, để phụ huynh tham gia các hoạt động cùng học sinh. Ảnh: NTCC.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Phăng Sô Lin tổ chức tuyên truyền ngay trong chính các cuộc họp phụ huynh, để phụ huynh tham gia các hoạt động cùng học sinh. Ảnh: NTCC.

Cử cán bộ giáo viên tham gia các lớp tập huấn về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng năng lực và chuyên môn được đào tạo; phân công cán bộ, giáo viên có năng lực chuyên môn tốt để trực tiếp giảng dạy khối lớp 6, 7 của chương trình mới.

Đồng thời, tham mưu các cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa chữa cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; cũng như đảm bảo mỗi học sinh có đầy đủ sách giáo khoa, giấy vở viết đồ dùng học tập...

Học sinh tham gia tích cực các hoạt động giáo dục của nhà trường, các kỹ năng được rèn luyện nhiều hơn nên các em tự tin hơn trong học tập và giao tiếp”.

Đối với hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Phăng Sô Lin cũng đã có nhiều chương trình, hoạt động cụ thể, giúp học sinh năng động, tự tin hơn.

“Hoạt động trải nghiệm có thể được tổ chức tại nhiều thời điểm, địa điểm khác nhau với nhiều nội dung và quy mô khác nhau, tuỳ theo cách tổ chức. Nhà trường phân công giáo viên, mời phụ huynh học sinh, cũng như phối hợp các ban ngành đoàn thể tổ chức cá nhân ngoài nhà trường cùng tham gia.

Chẳng hạn, nhà trường mời nghệ nhân chạm khắc bạc tham gia, tổ chức các lớp tham quan các xưởng sản xuất; hay cho học sinh tham quan các trang trại trồng sâm… Đây đều là những mô hình gắn liền với sinh kế của bà con nhân dân tại địa phương, các em học sinh có thể thông qua hoạt động trải nghiệm để tìm kiếm được định hướng nghề nghiệp tương lai của bản thân...” - vị Hiệu trưởng thông tin thêm.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Phăng Sô Lin tổ chức các lớp tham quan các xưởng sản xuất bạc, mời nghệ nhân chạm khắc bạc tham gia để học sinh thêm trải nghiệm thực tiễn. Ảnh: NTCC.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Phăng Sô Lin tổ chức các lớp tham quan các xưởng sản xuất bạc, mời nghệ nhân chạm khắc bạc tham gia để học sinh thêm trải nghiệm thực tiễn. Ảnh: NTCC.

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Pha Mu (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) cũng thường xuyên tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm gắn với sản xuất kinh doanh.

Một trong những hoạt động được triển khai tại nhà trường chính là tham gia tìm hiểu mô hình kinh doanh tại các hộ nuôi ong, trồng quế, trồng chanh leo... trên địa bàn xã.

Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Pha Mu tham quan mô hình trồng quế. Ảnh: website nhà trường.

Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Pha Mu tham quan mô hình trồng quế. Ảnh: website nhà trường.

Theo đó, thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm định hướng, tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận với các hoạt động thực tiễn sản xuất, giúp học sinh có nhiều cơ hội hơn trong việc gắn kết lý thuyết với thực hành, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội.

Từ đó, hình thành ý thức, phẩm chất, kỹ năng sống và năng lực cho học sinh; đồng thời, tạo cơ hội cho học sinh được khám phá, trải nghiệm thực tế; vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, được trải nghiệm các kỹ năng, được hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cá nhân, giáo dục kỹ năng, giá trị sống; nâng cao chất lượng hoạt động tập thể, ngoại khóa. Qua đó, học sinh được chủ động tham gia vào tất cả các khâu của quá trình học tập, tìm hiểu về sản xuất.

Bên cạnh đó, khi thực hiện một nội dung trải nghiệm gắn với thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội, giáo viên và học sinh thay vì giảng dạy, học tập trong không gian lớp học, phòng thí nghiệm thì sẽ có cơ hội làm việc với những điều kiện trong đời sống thực tế, giúp các em hiểu giá trị của lao động, chia sẻ với những khó nhọc của bà con nông dân; tạo được không khí học tập thoải mái, phát huy được tính sáng tạo, tích cực của học sinh.

Trên địa bàn huyện Than Uyên, Trường Trung học cơ sở xã Mường Mít cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm thực tế các mô hình sản xuất kinh doanh tại các hộ trong khu vực như mô hình nuôi ong.

Học sinh Trường Trung học cơ sở xã Mường Mít tham quan mô hình nuôi ong. Ảnh: website nhà trường.

Học sinh Trường Trung học cơ sở xã Mường Mít tham quan mô hình nuôi ong. Ảnh: website nhà trường.

Mỗi dịp trải nghiệm lại mang đến cho học sinh rất nhiều kiến thức, các em hào hứng và tích cực thảo luận về các mô hình kinh doanh. Đồng thời qua đó, mỗi học sinh phần nào đã có những định hướng về nghiệp cho bản thân.

Khó khăn nguồn tuyển đội ngũ và kinh phí hoạt động trải nghiệm

Bên cạnh những “điểm sáng” trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Phăng Sô Lin cũng gặp một số khó khăn trong thực tiễn triển khai.

Cụ thể, Hiệu trưởng Đỗ Văn Dũng cho biết: “Khó khăn trong thực hiện hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp chính là chưa có giáo viên được đào tạo đảm nhận riêng hoạt động này, mà tùy theo chủ đề, chủ điểm, để phân công giáo viên sao cho phù hợp...

Trong khi đó, kinh phí thực hiện hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp là nguồn xã hội hóa cũng gây khó khăn cho các đơn vị trường thuộc vùng 135 (vùng kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn) như chúng tôi”.

Ngoài ra, nhà trường cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế khác: “Về đội ngũ, các giáo viên trước đây được đào tạo dạy đơn môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) nên khi triển khai dạy các môn tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý), đã gặp không ít khó khăn trong quá trình phân công, thực hiện giảng dạy.

Đặc biệt, hiện nay, nhà trường thiếu giáo viên ở bộ môn Tiếng Anh, Tin học, mặc dù đã được các cấp các ngành thực hiện tuyển dụng nhưng nguồn tuyển ít không đủ giáo viên. Điều đó dẫn đến các giáo viên Tiếng Anh và Tin học hiện có của trường có số tiết thực hiện nhiều so với định mức.

Kinh phí thực hiện hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp là nguồn xã hội hóa, gây khó khăn cho các đơn vị trường thuộc vùng 135. Ảnh: NTCC.

Kinh phí thực hiện hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp là nguồn xã hội hóa, gây khó khăn cho các đơn vị trường thuộc vùng 135. Ảnh: NTCC.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu so với quy định, việc thực hiện mua sắm tập trung ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp trang thiết bị dạy và học. Còn thiếu về sân chơi, các phòng học bộ môn ảnh hưởng không nhỏ việc dạy và học tổ chức các hoạt động giáo dục”.

Từ những khó khăn trong thực tiễn triển khai, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Phăng Sô Lin kiến nghị các cấp có thẩm quyền chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mộc Trà