Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 615 ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư và phó giáo sư năm 2024. So với danh sách 630 ứng viên được 27 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn, có 15 ứng viên đã bị loại ở vòng xét cấp nhà nước.
Theo danh sách được công bố, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Liên, Trưởng khoa Khoa Quản trị kinh doanh, kiêm nhiệm Trưởng phòng Phòng Nhân sự Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những ứng viên phó giáo sư ngành Kinh tế vượt qua vòng xét duyệt của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Theo thông tin tại hồ sơ đăng ký xét công nhận chức danh phó giáo sư, cô Trần Thị Hồng Liên sinh ngày 7/11/1983, quê gốc ở xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội.
Năm 2005, cô Liên tốt nghiệp cử nhân Trường Đại học Kinh tế quốc dân ngành Kinh tế, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Cô tiếp tục học lên thạc sĩ tại trường và được cấp bằng vào năm 2009. Năm 2018, cô Trần Thị Hồng Liên nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Murdoch, Australia.
Quá trình công tác của ứng viên phó giáo sư ngành Kinh tế đến từ Trường Đại Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Từ tháng 11 năm 2006 đến tháng 2 năm 2008, cô là giảng viên Trường Đại học Thương mại.
Từ tháng 2 năm 2008 đến tháng 6 năm 2009, cô Liên làm chuyên viên đào tạo tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Gami.
Từ tháng 6 năm 2009 đến tháng 3 năm 2010, cô phụ trách hành chính - nhân sự ở Công ty Cổ phần Vinapol.
Từ tháng 3 năm 2010 đến tháng 1 năm 2011, cô Liên làm nhân viên kinh doanh tại Công ty Đầu tư và Phát triển Hàn Quốc.
Từ tháng 1 năm 2011 đến nay, cô là giảng viên, sau đó được bổ nhiệm chức vụ Trưởng khoa Khoa Quản trị kinh doanh, kiêm nhiệm Trưởng phòng Phòng Nhân sự Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong quá trình công tác, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Liên luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chuyên môn do nhà trường, khoa và bộ môn phân công, đồng thời tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học. Trong hơn 16 năm làm giảng viên đại học, trong đó có 6 năm giảng dạy sau đại học, cô đã hướng dẫn 6 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ.
Về mặt nghiên cứu, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Liên đã công bố 26 bài báo khoa học, trong đó có 4 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín mà ứng viên là tác giả chính sau tiến sĩ.
Bên cạnh đó, cô Liên đã xuất bản 2 cuốn sách là “Board Directors, Financial Derivatives, and Corporate Governance: The Case of Vietnam” (chủ biên) và “Giải mã chiến lược Đông - Tây” (đồng chủ biên sau tiến sĩ).
Từ khi bắt đầu giảng dạy và nghiên cứu, cô Liên chú trọng tới tính chuyên sâu và nhất quán thể hiện ở định hướng nghiên cứu chính. Tính tới nay, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Liên đã thực hiện nghiên cứu cũng như giảng dạy theo 2 hướng chính bao gồm:
Thứ nhất, quản trị công ty (corporate governance) trong các loại hình doanh nghiệp, từ doanh nghiệp có yếu tố nhà nước (thường gọi tắt là SOE) tới các công ty đại chúng niêm yết. Hướng nghiên cứu tập trung vào quản trị công ty tại Việt Nam, từ lịch sử hình thành, tới mối quan hệ giữa quản trị công ty với kết quả kinh doanh, và những điểm nổi bật của quản trị công ty trong bối cảnh doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Thứ hai là khởi nghiệp kinh doanh – từ hệ sinh thái tới hành vi khởi nghiệp. Với hướng nghiên cứu này, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Liên tập trung vào một số khía cạnh bao gồm: Lịch sử và môi trường (hay hệ sinh thái) khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Sau khi được công nhận tiến sĩ, cô Liên đã hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở nghiệm thu loại khá; 1 đề tài tương đương cấp bộ “Đánh giá thực trạng cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được ban hành và vận dụng tại các Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ”, là một đề tài nhánh trong khuôn khổ đề tài quốc gia “Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp thí điểm tại các địa phương có nhu cầu và tiềm lực phát triển hoạt động khởi nghiệp sáng tạo” được xếp loại xuất sắc. Ngoài ra cô cũng hoàn thành 1 đề tài nhánh của đề tài cấp bộ trọng điểm xếp loại đạt.
Trong bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2024, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Liên cho biết: “Tôi luôn ý thức rằng nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ cốt lõi của giảng viên, bởi lẽ chỉ khi thực hiện tốt hoạt động này, người giảng viên mới có thể gia tăng được kiến thức chuyên môn một cách tốt nhất.
Chính nhờ nghiên cứu khoa học, giảng viên mới có điều kiện để tự đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy, truyền thụ kiến thức và động lực nghiên cứu cùng phương pháp nghiên cứu cho người học, đặc biệt là nghiên cứu sinh. Bên cạnh đó, tôi cũng chủ động tham gia vào hoạt động trao đổi tri thức với các đồng nghiệp nước ngoài thông qua các hội thảo, seminar quốc tế.
Ngoài ra, tôi cũng tham gia các hoạt động giảng dạy đại học và sau đại học, bao gồm trao đổi giảng viên đi giảng dạy cho trường đối tác nước ngoài như Ba Lan và Ấn Độ. Tôi chủ động tham gia tích cực các hoạt động phục vụ cộng đồng với hình thức đa dạng từ tư vấn quản trị, đào tạo – huấn luyện chuyên môn, tới bày tỏ ý kiến chuyên gia trên báo chí và các diễn đàn với mong muốn mang những tri thức khoa học kinh tế - quản trị tới gần hơn cộng đồng kinh doanh và phụng sự xã hội”.
Một số thành tích nổi bật của Tiến sĩ Trần Thị Hồng Liên trong quá trình công tác:
1, Danh hiệu “Lao động tiên tiến” năm 2012 và năm 2018.
2, Danh hiệu “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” năm 2020 và năm 2021.
3, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở các năm: 2019, 2022 và 2023
4, Giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.
5, Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh năm 2020.
6, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2023.
Xem thêm chi tiết hồ sơ ứng viên tại đây