Trường nghề "than" khó có nguồn nhân lực CLC vì HS không đỗ đại học mới chọn

26/07/2023 06:36
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường nghề khó tuyển sinh bởi công tác phân luồng sau bậc trung học vẫn còn dựa theo năng lực của người học chứ không dựa theo nhu cầu của thị trường lao động.

Hiện đã là thời điểm các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ráo riết thực hiện công tác tuyển sinh. Sau khi các chính sách, công tác phân luồng được thực hiện một cách mạnh mẽ và chặt chẽ hơn, theo các cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh của các trường trung cấp, cao đẳng, tâm lý cho con đi học nghề của các bậc phụ huynh có tăng lên nhưng vẫn chưa đáng kể.

Khó có nguồn nhân lực chất lượng cao vì nhiều em không đỗ đại học mới chọn học nghề

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Như, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho hay, hiện trường đang hướng đến mục tiêu đảm bảo việc làm cho tất cả các em học sinh – sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Do vậy, trường đang có những ngành học đào tạo theo đơn đặt đặt hàng của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trường đã luôn nỗ lực xây dựng thương hiệu, chất lượng đào tạo để thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh. Điều này được thể hiện rõ qua những phản hồi tích cực từ các cựu học sinh – sinh viên của trường.

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng trong Hội thi Kỹ năng nghề học sinh, sinh viên năm học 2022-2023 (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng trong Hội thi Kỹ năng nghề học sinh, sinh viên năm học 2022-2023 (Ảnh: Website nhà trường).

Theo ông Như, những năm gần đây, ngành Công nghệ ô tô của trường đang thu hút được đông đảo người học quan tâm và đăng ký tham gia học tập. Thậm chí, có năm học, dù chưa đến hạn kết thúc đợt tuyển sinh, ngành Công nghệ ô tô đã phải dừng tuyển do lượng người học đăng ký vượt quá chỉ tiêu được giao. Lý giải vì sao ngành học này nhận được nhiều sự quan tâm như vậy, ông Như bày tỏ:

“Những năm nay, với sự xuất hiện ngày càng dày của nhiều hệ thống ô tô, do vậy, trường cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng trực tiếp từ các doanh nghiệp cho ngành học này.

Hơn nữa, nếu các em giỏi về tay nghề, ngay từ thời điểm thực tập tại các doanh nghiệp, dù chưa tốt nghiệp nhưng đã nhận được mức lương khoảng từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Và tất nhiên sau khi tốt nghiệp được nhận vào làm chính thức, mức lương còn cao hơn rất nhiều”.

Cũng theo ông Như, bên cạnh ngành Công nghệ ô tô còn có một số ngành học khác mà các bạn học sinh – sinh viên có thể được trả lương ngay từ khi đi thực tập như Kỹ thuật máy lạnh, Điện công nghiệp; các ngành học liên quan đến tự động hóa,…

Mặt khác, một số ngành học dù trước đây là xu hướng nhưng đến nay đã suy giảm, ít người học quan tâm lựa chọn như các ngành học liên quan đến kinh tế, và đặc biệt là các nghề liên quan đến du lịch. Ông Như chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho những người làm du lịch.

Do vậy, nhiều người học và phụ huynh khi nhìn thấy thực trạng đó đã không còn muốn lựa chọn đăng ký tham gia học các ngành nghề thuộc Khoa Du lịch của trường.

Thế nhưng, nếu người học nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động hiện nay thì những năm sau đại dịch như hiện tại lại là thời điểm mà ngành du lịch cần nguồn nhân lực mới để tái sinh ngành do lượng lớn nguồn nhân lực cũ đã chuyển đổi nghề khi đứng trước tình hình khó khăn về kinh tế như vậy.

Ngoài ra, theo Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, hiện trường cũng đang mở những chương trình đào tạo chất lượng cao. Riêng đối với những lớp học chương trình này, trường cũng mong muốn tuyển sinh được người học có chất lượng đầu vào tốt.

Bởi, đó là những ngành nghề đào tạo có cam kết của trường là sẽ tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp đã đặt hàng, nơi sử dụng lao động sẽ không cần đào tạo lại, mức lương cũng sẽ cao hơn các ngành học thông thường khác.

Dù có nhiều thuận lợi là vậy, thế nhưng, với tâm lý chung của các phụ huynh và học sinh hiện nay là không xác định trước khi học xong bậc trung học sẽ vào luôn trường nghề mà nhiều em do không đỗ đại học nên mới lựa chọn vào học nghề.

Hơn nữa, công tác phân luồng cho học sinh sau bậc trung học ở nước ta hiện nay vẫn còn dựa theo năng lực của học sinh chứ không dựa theo nhu cầu của các em và nhu cầu của thị trường lao động.

Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các đơn vị có những lớp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đáng nói, các lớp chất lượng cao thường yêu cầu có ngoại ngữ nhưng do các em lựa chọn vào trường nghề đầu vào không cao nên thường bị hạn chế về yếu tố này. Chính vì vậy, để tuyển sinh cho lớp học này là khá khó khăn.

Mặt khác, theo ông Như, công tác phân luồng cho học sinh sau bậc trung học ở nước ta hiện nay vẫn còn dựa theo năng lực của học sinh chứ không dựa theo nhu cầu của các em và nhu cầu của thị trường lao động. Đây là khó khăn chung cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Để công tác tuyển sinh của Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng nói riêng và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung được thuận lợi hơn, ông Như mong rằng, trong những giờ thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp cho các em học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, nên tạo điều kiện thêm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp uy tín, chất lượng lên hướng dẫn, trình bày một cách rõ ràng, cụ thể vào các giờ học này.

Từ đó, giúp các em nắm rõ và cô đọng hơn những thông tin về các ngành học của trường nghề để có lựa chọn phù hợp nhất cho bản thân.

Tốt nghiệp, lương khởi điểm cao nhưng một số ngành nhiều năm vẫn "vắng bóng" người học

Cùng chia sẻ về công tác tuyển sinh những năm gần đây, ông Đỗ Đức Lợi - Trưởng Ban tuyển sinh, Trường Cao đẳng Hàng hải I (Hải Phòng) cho hay, với bề dày lịch sử hoạt động 51 năm, trường có thế mạnh, kinh nghiệm trong công tác đào tạo, tuyển sinh nhóm ngành đi biển (Điều khiển tàu biển, Khai thác máy tàu biển, Điện tàu thủy,…).

Do đó, thuận lợi của các em khi vào trường là hàng năm, khi bắt nhập nhập học, trường đều ký cam kết đảm bảo việc làm cho tất cả các em khi ra trường.

Không những vậy, trường có tới 8 ngành nghề thuộc Danh mục các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội nên sinh viên theo học các ngành học này sẽ được miễn 70% học phí. Đặc biệt, mức lương khởi điểm trung bình của một sinh viên mới ra trường đã là 15-20 triệu đồng/tháng, và mức lương sẽ tăng lên gấp nhiều lần sau một thời gian dài làm việc.

Bên cạnh những thuận lợi trên, trường vẫn gặp một số khó khăn trong công tác tuyển sinh như đặc thù của trường là đào tạo về lĩnh vực hàng hải, do vậy, đa số các công việc đều vất vả và phải xa nhà xa gia đình nên thường chỉ có các nam sinh lựa chọn theo học.

Như vậy, có thể thấy, đối tượng tuyển sinh của khối ngành này bị hạn chế hơn nhiều so với các lĩnh vực khác. Hơn nữa, quy mô đào tạo của các ngành học thuộc Danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm lại không được tuyển sinh quá 10 người học cũng là hạn chế của trường khi thực hiện công tác tuyển sinh.

Bên cạnh những ngành học thuận lợi trong việc tuyển sinh, thu hút đông thí sinh quan tâm, trường vẫn còn một số ngành nghề có mức thu nhập khá cao sau khi tốt nghiệp lên tới 10-12 triệu đồng/tháng, nhiều hỗ trợ ưu đãi trong quá trình học cùng nhu cầu tuyển dụng rất lớn của các doanh nghiệp, liên doanh đóng tàu, Trường Cao đẳng Hàng hải I vẫn không thể tuyển được sinh viên nghề Hàn, Công nghệ ôtô, Sửa chữa tàu trong 3 năm liên tục.

Chia sẻ về nguyên nhân vì sao những ngành học trên đã nhiều năm khó tuyển sinh, thầy Lợi bày tỏ, trong bối cảnh cơ hội việc làm rộng mở như hiện nay nhưng định hướng tương lai của nhiều người học lại không rõ ràng. Nhiều em mong muốn lựa những ngành học nhàn hơn, để sau ra trường đi làm có thể ngồi văn phòng điều hòa, có thời gian sử dụng các mạng xã hội, đi chơi,… dù cho những học khác vất vả nhưng mức thu nhập cao và xã hội đang rất thiếu nhân lực.

Khánh An