Trường học đâu phải là cái chợ mà vào buôn bán

06/12/2016 06:52
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Việc buôn bán trong trường học đã gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường giáo dục, khiến giáo viên, học sinh, phụ huynh bức xúc.

LTS: Tình trạng tiếp thị, bán hàng tại trường học diễn ra khá phổ biến, gây ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh.

Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc cho rằng các cơ quan quản lý và nhà trường nên quyết liệt chấn chỉnh tình trạng này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Tạp chí Giao thông vận tải, ngày 3/12 phản ánh: Nhân lúc Ban giám hiệu nhà trường đi vắng, một số cô giáo đã cho nhân viên tiếp thị sách vào lớp chào mời các em học sinh tại Trường Tiểu học số 2 xã Hòa Phú, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai.

Trước đó, nhiều phụ huynh có con theo học tại ngôi trường từng bức xúc khi con em của mình cầm một tờ thông báo về xin tiền mua sách học thêm với giá cao.

Nội dung tờ thông báo như sau: “Được sự cho phép của Ban giám hiệu, Nhà trường xin giới thiệu tới các em học sinh bộ sách nâng cao, cho các em đạt giải xuất sắc vào trường chuyên, lớp chọn.

Để đồng hành với các phụ huynh, Nhà sách... biên soạn bộ sách nâng cao để giúp các em học giỏi, vào trường chuyên lớp chọn. Bộ sách gồm 6 quyển, tổng giá là 221.000 đồng."

Trong giờ họp hội đồng nhà trường, nhân viên công ty đến tiếp thị sản phẩm xoong nồi gây phản cảm. (Ảnh giáo viên cung cấp trên Tuoitre.vn)
Trong giờ họp hội đồng nhà trường, nhân viên công ty đến tiếp thị sản phẩm xoong nồi gây phản cảm. (Ảnh giáo viên cung cấp trên Tuoitre.vn)

Cuối tờ thông báo có dòng lưu ý là: các bậc phụ huynh mua cuốn sách nào cho con em mình thì đăng ký và nộp tiền cho giáo viên chủ nhiệm (thời gian đăng ký 3 ngày).

Nhiều phụ huynh bức xúc: “Năm trước chúng tôi có mua một bảng tự xóa cho con, nhưng về vứt đó không dùng đến.

Mấy ngày trước, cháu nó cầm tờ giấy thông báo mua sách học thêm. Nhìn thấy giá tiền cao nên tôi không cho mua, với lại mua sách đó về không phù hợp với khả năng của cháu”.

Báo Tuổi trẻ đưa tin, trong tháng 4/2016 ở tỉnh Quảng Ngãi, nhiều giáo viên ở các trường tiểu học và Trung học cơ sở thuộc quản lý của Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Quảng Ngãi đã rất bức xúc khi đang trong giờ họp hội đồng tại các trường nhưng có một số người giới thiệu mình đến từ Công ty cổ phần xúc tiến thương mại Tân Á (trụ sở tại Hà Nội) vào tiếp thị bán sản phẩm đồ gia dụng như xoong, nồi.

Theo các thầy cô, buổi họp hội đồng từ trước đến giờ chỉ có thầy cô giáo và Ban giám hiệu nhà trường tham gia bàn việc dạy và học, chưa bao giờ thấy tình trạng vào giới thiệu buôn bán xoong nồi.

Công ty CP xúc tiến thương mại Tân Á còn đưa cả giấy giới thiệu có chữ ký và con dấu của một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Quảng Ngãi để được vào phòng họp hội đồng giới thiệu sản phẩm.

Theo một giáo viên, việc tiếp thị chỉ diễn ra 30 phút nhưng sau đó phía công ty này còn bán cả sản phẩm.

Một số giáo viên nữ thấy rẻ cũng mua sản phẩm khiến buổi họp hội đồng trở thành “chợ” lộn xộn ngay trong buổi họp.

Trường học đâu phải là cái chợ mà vào buôn bán ảnh 2

Đừng im lặng, hãy cùng lên tiếng!

Ngoài ra, giáo viên còn cho biết sau khi kết thúc việc tiếp thị và bán xoong nồi, phía công ty này còn trao một phong bì 500.000 đồng bên trong mà họ gọi là “học bổng” cho nhà trường.

“Thật sự thì chúng tôi rất bức xúc, việc này chả hay ho gì, vì đây là trường học chứ không phải là khu thương mại hay chợ”, một giáo viên nói.

Với sự việc này, Ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Quảng Ngãi cho rằng, đây là vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường học tập ở các trường.

Quan điểm của ngành giáo dục Quảng Ngãi không cho phép bất kỳ doanh nghiệp nào vào trường tiếp thị bán sách vở, dụng cụ học sinh cũng như các loại hàng hóa.

“Không thể chấp nhận được việc này, trường học chứ có phải cái chợ đâu mà tiếp thị, buôn bán” - thầy Dụng bức xúc.

Đây là hai vụ việc biến trường học trở thành chỗ buôn bán, kinh doanh được phản ảnh trên báo chí trong thời gian gần đây.

Nhưng trên thực tế, tình trạng mua bán các sản phẩm giáo dục và các sản phẩm khác tại nhà trường đang diễn ra khá phổ biến và phức tạp.

Nhiều cá nhân, tập thể, công ty… nhờ những mối quan hệ quen biết, có giấy giới thiệu của cấp trên, của tổ chức nọ, kia hoặc chủ động, trực tiếp đến nhà trường xin được tiếp thị, bán các sản phẩm…

Việc này đã gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường giáo dục, khiến giáo viên, học sinh, phụ huynh bức xúc. 

Ban Giám hiệu chúng tôi thỉnh thoảng phải tốn thời gian tiếp cá nhân, tổ chức A, B ở địa phương, ngoại tỉnh, trung ương đến liên hệ, xin được quảng cáo và bán các loại sản phẩm từ cây bút, quyển vở, cây tăm đến bình cháy chữa cháy, các gói lãi xuất của ngân hàng…

Nhiều trường hợp chúng phải giải thích hết lời và từ chối thẳng thừng, họ mới chịu đi cho.

Trường học đâu phải là cái chợ mà vào buôn bán ảnh 3

Sao nói "tự nguyện" mà dân cứ phàn nàn?

Có những cá nhân, tổ chức đến đặt vấn đề sẽ tập huấn, cung cấp cho thầy, cô giáo và học sinh những kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, về sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con trẻ...

Thấy các nội dung ấy thiết thực, cần thiết cho giáo viên và học sinh nên chúng tôi đồng ý cho họ báo cáo, nói chuyện trong một thời gian nhất định.

Họ cử người về nói chuyện được một lúc không lâu, liền đá sang chuyện tiếp thị, mua bán sản phẩm khiến các thầy cô giáo rất bất ngờ và hiểu ra ngay mục đích của họ.

Cách đây 3 năm, thấy người tiếp thị nói quá “dẻo” về công năng của bình chữa cháy gia đình, nhiều giáo viên trường tôi liền đăng ký ồ ạt sản phẩm.

Cũng may là lần đó, chúng tôi xem trên mạng, hỏi những đại lý quen biết chuyên bán mặt hàng đó thì té ra giá cả cùng chủng loại như thế trên thị trường rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm họ quảng cáo và liền đề nghị hủy bỏ việc mua bán ấy.

Có công ty đem cả sản phẩm đến, sau tuyên truyền, quảng bá, ai cần mua họ đáp ứng ngay tại chỗ. Nhiều nhà trường, giáo viên, học sinh “ méo mặt” khi biết giá cả cả sản phẩm mua bán tại trường cao ngất ngưởng so với giá cả bên ngoài thị trường.

Vì quá bức xúc và tốn thời gian vì việc tiếp các cá nhân, tập thể, công ty đến chào mua bán thứ nọ, thứ kia, một số nhà trường đành phải đóng biển ở khu vực chỗ phòng làm việc của Ban Giám hiệu: không tiếp khách và mua bán các loại sản phẩm ngoài quy định tại nhà trường.

Tuy nhiên, nhiều công ty, tập thể, cá nhân vẫn tiếp tục tìm đến nhà trường, “hành" các cán bộ quản lý giáo dục.

Trường học đâu phải là cái chợ mà vào buôn bán ảnh 4

Ai đang “đánh trống, thổi còi” tại Bộ Giáo dục?

Các địa phương, ngành giáo dục đã có văn bản nghiêm cấm việc trao đổi, mua bán các loại sản phẩm giáo dục và các sản phẩm khác không thuộc quy định trong nhà trường.

Đối với học sinh các cấp, ngoài sách giáo khoa là bắt buộc phải có trong quá trình học tập, còn các loại sách tham khảo, tài liệu ôn tập thi THPT quốc gia là tự nguyện, học sinh, phụ huynh có quyền từ chối không mua bất cứ ở đâu.

Đối với các cơ sở giáo dục, tuyệt đối không được phép cho các cá nhân, tập thể đến trường để tiếp thị, quảng cáo và mua bán các loại sách tham khảo, tài liệu… cho giáo viên và học sinh tại nhà trường. 

Theo tôi, muốn chấn chỉnh hiện tượng lộn xộn này tại các nhà trường, Ban Giám hiệu cần công khai phổ biến các quy định ấy đến tất cả cán bộ, giáo viên và học sinh để giúp họ có hiểu biết, cùng phòng tránh và ngăn chặn.

Đặc biệt, các Ban Giám hiệu luôn biết chối từ các văn bản, giấy giới thiệu, các cá nhân, tập thể, công ty đến xin xỏ được quảng cáo, mua bán tại nhà trường.

Đỗ Tấn Ngọc