Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có thêm 3 chương trình đào tạo được 5 sao UPM

30/03/2024 06:22
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thông qua kết quả UPM, nhà trường có thể thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp và người học, cùng hợp tác phù hợp với mục tiêu của các bên.

Hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng đại học Việt Nam và khu vực UPM (University Performance Metrics) vừa công bố kết quả xếp hạng đối sánh cho các trường đại học. Theo đó, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành vừa có thêm 3 chương trình đào tạo (trình độ đại học) được gắn sao UPM.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành bày tỏ niềm vui mừng đối với sự kiện này của trường.

cf7516b6d9b576eb2fa4.jpg
Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NVCC

Theo Tiến sĩ Cầm: “Với cam kết về chất lượng, việc tham gia đối sánh theo hệ thống xếp hạng UPM đã trở thành kế hoạch thường xuyên của nhà trường.

Điều tôi cảm kích lần này là chủ trương tự khám “sức khỏe chất lượng” của trường đã được các khoa cùng cộng hưởng và tự nguyện tham gia. Chất lượng của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành không còn chỉ dừng lại ở chính sách nữa, mà đã được thực thi từ cấp cơ sở giáo dục đến cấp chương trình đào tạo.

Hơn thế nữa, ngoài các các chỉ số đánh giá truyền thống về đào tạo và nghiên cứu khoa học, hệ thống xếp hạng đối sánh UPM quan tâm rất nhiều đến kết quả khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Các kết quả nhận được là thước đo và động lực để nhà trường tiếp tục thực hiện chiến lược xây dựng đại học định hướng đổi mới sáng tạo. Đây cũng là cơ sở và niềm tin cho sinh viên và phụ huynh khi lựa chọn học tập tại trường”.

Được biết, bộ tiêu chuẩn xếp hạng đối sánh chất lượng UPM cho chương trình đào tạo gồm có 07 tiêu chuẩn là: tương thích chiến lược (Strategic Alignment – 120 điểm); đào tạo (Teaching and Learning – 300 điểm); nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo (Research and Innovation – 280 điểm); hệ sinh thái đại học (University Ecosystem – 100 điểm); quốc tế hóa (Internationalization – 60 điểm); phục vụ cộng đồng (Community Services – 60 điểm); và sự nổi trội (Program Strength – 80 điểm).

Mỗi tiêu chuẩn bao gồm nhiều tiêu chí cụ thể để đối sánh với mốc chuẩn và gắn sao, giúp các cơ sở giáo dục đại học nhận diện tổng thể về chương trình đào tạo của đơn vị mình. Đồng thời, có thể phân tích được điểm mạnh, điểm yếu của từng hoạt động, từng lĩnh vực của các trường. Đây được coi như một bộ chỉ số cơ bản, làm công cụ quản trị chiến lược và hỗ trợ kiểm định chất lượng.

Trong lần đánh giá chất lượng này, 03 chương trình đào tạo (trình độ đại học) của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được gắn sao gồm: ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường; ngành Dược học; ngành Quản trị khách sạn.

Cụ thể, chương trình đào tạo ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường đạt 5 sao theo định hướng nghiên cứu, tương ứng với 753 điểm. Có 5/7 lĩnh vực về định hướng chiến lược, đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái đại học và mức độ nổi trội của chương trình đào tạo này cùng đạt 5 sao.

NTTU_Chung-nhan-UPM_nganh-Tai-nguyen-va-moi-truong-1536x1084.jpg
Chứng nhận 5 sao xếp hạng đối sánh chất lượng giáo dục đại học UPM của chương trình đào tạo (đại học) Quản lý tài nguyên và môi trường.

Thứ hai là, ngành Quản trị khách sạn đạt 4 sao cũng theo định hướng đổi mới sáng tạo và ứng dụng, tương ứng với 596 điểm. Có 1 lĩnh vực đạt 5 sao là định hướng chiến lược.

NTTU_Chung-nhan-UPM_nganh-Quan-tri-khach-san-1536x1084.jpg
Chứng nhận 4 sao xếp hạng đối sánh chất lượng giáo dục đại học UPM của chương trình đào tạo (đại học) Quản trị khách sạn.

Cuối cùng là chương trình đào tạo ngành Dược học đạt 4 sao Plus theo định hướng ứng dụng, tương ứng với 675 điểm. 3/7 lĩnh vực về định hướng chiến lược, hệ sinh thái đại học và mức độ nổi trội đã đạt 5 sao.

NTTU_Chung-nhan-UPM_nganh-Duoc-hoc-1536x1084.jpg
Chứng nhận 4 sao plus xếp hạng đối sánh chất lượng giáo dục đại học UPM của chương trình đào tạo (đại học) Dược học.

Thông tin thêm về kết quả của kỳ đánh giá này, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: Tiêu chuẩn 7 của UPM đánh giá về mức độ nổi trội và xuất sắc, mà thực chất là đánh giá tác động và tầm ảnh hưởng của chương trình đào tạo.

Theo đó, UPM sẽ đối sánh chất lượng nghiên cứu của chương trình đào tạo ở mức độ toàn cầu, khảo sát xem chương trình đào tạo có các công bố với trích dẫn thuộc nhóm 2% thế giới hay không, cả sự thành đạt của cựu sinh viên và hơn thế nữa cả các kết quả ứng dụng, chuyển giao tri thức, phục vụ cộng đồng.

Trong đó, chương trình đào tạo ngành Dược học của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đáp ứng hầu hết các tiêu chí đó và xuất sắc giành mức điểm tuyệt đối 80/80 điểm ở tiêu chuẩn 7.

“Để có được thành quả này, nhà trường đã cùng đồng hành với Khoa trong việc kiện toàn và phát triển đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao, giảng viên có học vị Tiến sĩ và Thạc sĩ.

Chương trình đào tạo được xây dựng theo Chuẩn năng lực cơ bản của Dược sỹ Việt Nam 4815/QĐ-BYT 15/10/20219, chú trọng thực hành và ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Cơ sở vật chất, các phòng thực hành, thí nghiệm không ngừng được đầu tư và hiện đại hóa để phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành Dược học.

Nhà trường cũng hợp tác với nhiều trường đại học uy tín trong khu vực và quốc tế để trao đổi sinh viên, giảng viên và chương trình đào tạo, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho giảng viên.

Đồng thời, đơn vị cũng thường xuyên rà soát, cập nhật chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế và nhu cầu của thị trường lao động; tăng cường thực hành và kết nối với doanh nghiệp; tạo điều kiện cho sinh viên tham gia thực tập tại các bệnh viện, nhà máy và doanh nghiệp”.

Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã có 11 chương trình đào tạo (trình độ đại học) được xếp hạng gắn sao UPM, đó là:

Năm chương trình đào tạo đạt 5 sao ngành: Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Công nghệ Ô – tô, Quản lý Tài nguyên và Môi trường (trong đó, có chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học và Quản lý Tài nguyên và Môi trường đạt 5 sao theo định hướng nghiên cứu; 03 chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Công nghệ Ô – tô đạt 5 sao theo định hướng ứng dụng);

Năm chương trình đào tạo đạt 4 sao ngành: Dược học, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính Ngân hàng, Quản trị khách sạn;

Và một chương trình đào tạo đạt 3 sao ngành Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ ăn uống.

Cũng theo Tiến sĩ Trần Ái Cầm, hiện nay, việc kiểm định chất lượng giáo dục thường chỉ quan tâm nhiều đến điều kiện đảm bảo chất lượng (quality assurance) mà ít quan tâm đến mức độ xuất sắc. Xếp hạng đại học chủ yếu quan tâm nhiều đến đầu ra (output), còn kết quả (outcome) và tầm ảnh hưởng, tác động (impact) chưa được tiếp cận nhiều.

Nhưng hệ thống đối sánh xếp hạng chất lượng giáo dục đại học UPM đã tiếp cận đầy đủ tất cả các tiêu chí đó, cả đầu ra, kết quả và tầm ảnh hưởng. Do đó, UPM thực sự là một bộ công cụ mang đến được thông tin đầy đủ, nhiều chiều về chất lượng giáo dục.

Hơn thế nữa, như đã nói ở trên, UPM ưu tiên đánh giá mức độ chuyển đổi theo định hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Đây là các yếu tố mà các trường đại học cần quan tâm trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.

Do đó, ngay từ khi UPM ra đời, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã tham vấn và sử dụng bộ tiêu chuẩn này như một công cụ trong việc quản trị các hoạt động của trường và các khoa vì tính phù hợp và tương thích với định hướng tầm nhìn, sứ mạng của nhà trường.

“Thông tin thu được từ UPM rất hữu ích cho các bên liên quan, đặc biệt là với người học và doanh nghiệp. Thông qua kết quả UPM, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có thể chủ động công khai thông tin về chất lượng giáo dục của mình với xã hội, từ đó thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp và người học, cùng hợp tác phù hợp với mục tiêu của các bên” – Tiến sĩ Trần Ái Cầm nhận định.

Chia sẻ thêm về chiến lược phát triển của nhà trường trong giai đoạn 2024 – 2025, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện mô hình đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên, cải tiến chương trình đào tạo, phát triển cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, cập nhật kiến thức mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào giảng dạy, tăng cường thực hành và kết nối với doanh nghiệp, mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường hợp tác với các trường đại học uy tín trên thế giới trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi sinh viên.

Về việc đánh giá thêm chương trình đào tạo, nhà trường đang tiếp tục rà soát thông qua các đợt đánh giá nội bộ các chương trình đào tạo; xác định mức độ sẵn sàng và phù hợp để tham gia đánh giá, gắn sao theo UPM.

Nhà trường sẽ tập trung đánh giá các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực STEM và Xã hội nhân văn nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế, tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên.

UPM là hệ thống xếp hạng đại học do các chuyên gia Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển, dưới sự tài trợ của Chương trình Khoa học giáo dục cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

Hệ thống giúp các cơ sở giáo dục đại học xác định, quản trị mục tiêu chiến lược, hướng tới đạt chuẩn top 100 của đại học châu Á. Nhiều tiêu chí gắn với các mốc chuẩn của đại học định hướng nghiên cứu quy định tại Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Việt Nam hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học.

Hệ thống tiếp cận theo xu hướng đối sánh và gắn sao, theo đó, các trường đại học có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm và gắn từ 1 – 5 sao. Trên cơ sở lõi xếp hạng truyền thống, UPM phát triển thêm các tiêu chí đặc trưng của đại học trong kỷ nguyên 4.0.

Cụ thể, UPM gồm 8 nhóm lĩnh vực và 52 tiêu chí. Mỗi lĩnh vực có mốc chuẩn và trọng số riêng với tổng cộng là 1.000 điểm. 8 nhóm lĩnh vực lần lượt là: Quản trị chiến lược (5 tiêu chí, trọng số 6%), Đào tạo (14 tiêu chí, trọng số 35%), Nghiên cứu (5 tiêu chí, trọng số 20%), Đổi mới sáng tạo (6 tiêu chí, trọng số 10%), Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (5 tiêu chí, trọng số 8%), Công nghệ thông tin và tài nguyên số (8 tiêu chí, trọng số 8%), Mức độ quốc tế hóa (5 tiêu chí, trọng số 5%) và Phục vụ cộng đồng (4 tiêu chí, trọng số 8%).

Đây là hệ thống xếp hạng đối sánh về mức độ xuất sắc của chất lượng giáo dục đang có hơn 116 Cơ sở giáo dục và Chương trình đào tạo của 12 quốc gia: Việt Nam, Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Nhật bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ tham gia.

Kim Minh Châu