Trường ĐH Hòa Bình xác định chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết để phát triển

17/02/2023 15:22
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sáng ngày 17/02, Trường Đại học Hòa Bình tổ chức Hội thảo: Chuyển đổi số: “Thách thức và những bước đi nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong giáo dục đại học”.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và nhiều bài viết tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và giảng viên của một số trường đại học; lãnh đạo và cán bộ quản lý của một số Hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp.

Toàn cảnh buổi Hội thảo tại Trường Đại học Hoà Bình.

Toàn cảnh buổi Hội thảo tại Trường Đại học Hoà Bình.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hòa Bình cho biết, năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, là năm tuyên ngôn về chuyển đổi số; năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số; năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là giai đoạn thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu khi nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ. Nó tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Trong lĩnh vực giáo dục, nhất là, giáo dục đại học, chuyển đổi số đã và đang là tiêu điểm nóng thúc đẩy cải cách giáo dục, nghiên cứu khoa học và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào mọi hoạt động kinh tế - xã hội.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục đại học, ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ giảng viên Trường Đại học Hòa Bình luôn xác định chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết để phát triển một cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh kinh tế số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và là nền tảng để các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam hội nhập một cách sâu rộng với các trường đại học quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hòa Bình phát biểu chia sẻ tại hội thảo.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hòa Bình phát biểu chia sẻ tại hội thảo.

“Thông qua hội thảo hôm nay, chúng tôi mong nhận được sự quan tâm chia sẻ của các nhà khoa học, các doanh nghiệp về cơ sở khoa học và thực tiễn của chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chỉ ra những vướng mắc, thách thức hiện nay của các cơ sở giáo dục đại học trong chuyển đổi số.

Với phương châm phát triển: “Chất lượng - Hội nhập - Sáng tạo” của nhà trường, chúng tôi mong đợi nhận được những đề xuất giải pháp, sáng kiến để kịp thời đổi mới nhằm đảm bảo hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục đại học ở Việt Nam, trong đó có Trường Đại học Hòa Bình”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngữ chia sẻ.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình cho biết, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số chính là xu hướng của xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng. Việc áp dụng công nghệ vào giáo dục có vai trò vô cùng to lớn, tạo nên nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn; đồng thời, tiết kiệm chi phí cho người học.

Liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó, thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học".

Nhằm mục đích tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học, các học giả, các chuyên gia, các nhà quản lý và những người quan tâm trao đổi học thuật, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số giáo dục đại học, Trường Đại học Hòa Bình tổ chức Hội thảo cấp Trường với chủ đề: “Chuyển đổi số: Thách thức và những bước đi nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong giáo dục đại học”.

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và gửi bài viết tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và giảng viên của một số trường đại học; lãnh đạo và cán bộ quản lý của một số Hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Ban Biên tập đã chọn lọc hơn 30 bài viết về các vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo. Các bài viết được chọn đăng và thảo luận tại Hội thảo bám sát chủ đề hội thảo, có hàm lượng khoa học, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

“Ban tổ chức hội thảo mong muốn nhận được sự tham gia thảo luận nhiệt tình, thẳng thắn và tâm huyết của các quý vị trong suốt thời gian diễn ra Hội thảo. Bên cạnh việc lắng nghe các kết quả nghiên cứu, rất mong các nhà khoa học chia sẻ thêm thông tin, tri thức về các chủ đề liên quan đến Hội thảo”, Phó Giáo sư Tô Ngọc Hưng chia sẻ.

Nhà giáo nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình phát biểu đề dẫn hội thảo

Nhà giáo nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình phát biểu đề dẫn hội thảo

Tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình đã có những chia sẻ xoay quanh những thách thức và cơ hội mà lãnh đạo nhà trường phải đối diện trong quyết định xây dựng và phát triển chương trình đào tạo.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung (ngồi giữa) chia sẻ về những thách thức cơ hội của cơ sở giáo dục khi thực hiện chuyển đổi số.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung (ngồi giữa) chia sẻ về những thách thức cơ hội của cơ sở giáo dục khi thực hiện chuyển đổi số.

Cụ thể, các trường phải xác định rõ mục tiêu và đội ngũ chuyên gia tổ chức thực hiện nền tảng tài chính xác định; Duy trì sự tăng trưởng ổn định trong các hoạt động; Định rõ chiến lược và kế hoạch hành động trong trung hạn và dài hạn; Xác định được mức độ xáo trộn và cấu trúc chương trình đào tạo, tổ hợp các môn học, nội hàm cho mỗi học phần, tích hợp các công nghệ cho thực hành, thực tập…

Theo Giáo sư Trần Trung, các thách thức và cơ hội mà các lãnh đạo, chuyên gia phải đối diện trong chuyển đổi số bao gồm: Nhận diện các vấn đề của tổ chức và xu hướng trên toàn cầu để xác định lộ trình đã trở thành nội dung trong các cuộc họp của lãnh đạo cấp cao; Tạo ra sự thanh đổi để chuyển các mục tiêu chiến lược thành các kỹ năng được thực thi để theo kịp thách thức và xu hướng của hội nhập.

Trong thời đại kỹ thuật số các lãnh đạo, chuyên gia cần nhanh nhạy về mặt cảm xúc để xây dựng văn hóa ứng xử và trách nhiệm để hoạt động trong môi trường phức tạp và nhiều biến động; Quá trình ra Quyết định và đổi mới: Các nhà lãnh đạo hiệu quả được đòi hỏi không chỉ không chỉ nhanh nhạy nhận ra được thách thức và cơ hội, mà cần xác định được nhân sự và chuyên môn đúng đủ kịp thời.

Những vấn đề đặt ra trong chuyển đổi số giáo dục đại học

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thanh - Trưởng khoa Luật và Tài chính ngân hàng - Kế toán, chuyển đổi số trong giáo dục đại học bao gồm: Chuyển đổi số trong giảng dạy, học tập, đánh giá kết quả (giáo trình điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng đề thi, thư viện số, phòng thực hành ảo,…; thay đổi phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác giữa giảng viên và người học trên không gian số,…)

Chuyển đổi toàn diện trong công tác quản lý giáo dục đại học (số hoá thông tin quản lý, tạo và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý lớn liên thông, ứng dụng các công nghệ AI, Blockchain,…).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thanh - Trưởng khoa Luật và Tài chính ngân hàng - Kế toán chia sẻ tại Hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Thanh - Trưởng khoa Luật và Tài chính ngân hàng - Kế toán chia sẻ tại Hội thảo.

Theo cô Thanh, thực tế, chuyển đổi số ở các trường đại học hiện nay cũng gặp một số khó khăn, vì điều kiện cơ sở vật chất để chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục còn hạn chế.

Bên cạnh đó, hệ thống hành lang pháp lý điều chỉnh còn đang thiếu và bất cập. Cụ thể như pháp luật về giáo dục đại học, pháp luật về sở hữu trí tuệ, về thương mại, đầu tư, về công nghệ thông tin và truyền thông,…cần phải được rà soát để khắc phục những bất cập.

Về đội ngũ nhân lực hay việc bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ về học liệu số cũng là những khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Buổi Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Buổi Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Vì vậy, muốn thực hiện chuyển đổi số thành công cần tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan quản lý giáo dục đại học; Cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo môi trường pháp lý hoàn chỉnh cho chuyển đổi số giáo dục đại học; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; và tăng cường kiểm soát và bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ về học liệu số.

Buổi hội thảo còn bàn luận đến các vấn đề như: Giải pháp triển khai đào tạo trực tuyến và chuyển đổi chứng chỉ sang tín chỉ của một số học phần Kinh doanh số; Giải pháp triển khai đào tạo trực tuyến và chuyển đổi chứng chỉ sang tín chỉ của một số học phần Kinh doanh số; Tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong các trường đại học, cao đẳng y dược; Chuyển đổi số: Cơ hội, thách thức và giải pháp trong đào tạo cử nhân Mỹ thuật ứng dụng,…

Tổng kết Hội thảo, Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng khẳng định:

Ở Việt Nam, chuyển đổi số không còn là xu hướng để lựa chọn hay không, mà trở thành mệnh lệnh, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020, nêu rõ mục tiêu cơ bản đến năm 2025 và năm 2030 phải hoàn thành chuyển đổi số.

Trong đó, các cơ sở đào tạo phải triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học, nghệ thuật, kinh doanh, doanh nghiệp, đào tạo tiếng anh và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin bảo đảm an toàn thông tin, đào tạo tập huấn để các học viên có kỹ năng công nghệ thông tin trong môi trường số.

Chuyển đổi số đào tạo Luật Kinh tế là hình thành đại học số dựa trên công nghệ số, không chỉ thực hiện việc xây dựng dữ liệu số, quy trình số, mà còn thay đổi về quy trình, phương pháp hoạt động, thể chế của cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy - học tập, chiếm lĩnh thị trường và tạo lợi thế cạnh tranh.

Môi trường giảng dạy học tập không còn trên không gian địa lý, mà chuyển thành không gian số. Chuyển giảng viên với vai trò đặc biệt quan trọng trong giảng dạy thành người trợ giảng.

Bởi lẽ, công nghệ số đảm nhận chức năng giúp học viên tìm kiếm các dữ liệu số về Luật Kinh tế, xây dựng các chương trình học, phương pháp học tập nghiên cứu cho từng học viên, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của họ. Công nghệ số cũng có khả năng biểu diễn các tri thức trên không gian số tốt hơn rất nhiều so với giảng viên là con người biểu diễn tri thức ở không gian địa lý. Chuyển nguồn thu tài chính từ việc giảng dạy, bán, cho thuê tạp chí, sách, dữ liệu học tập sang nguồn thu từ việc truy cập dữ liệu số, cung cấp dữ liệu số, xử lý dữ liệu số, đưa ra kết luận, giải pháp cho người yêu cầu.

Rõ ràng, cơ sở đào tạo vẫn truyền thụ có hệ thống kiến thức Luật Kinh tế, nhưng đã cải tiến chất lượng ở tầm cao mới, với không gian, thời gian linh hoạt, nhanh và hiệu quả hơn, nhờ công nghệ số. Việc cấp chứng chỉ bằng giấy cũng có thể được chuyển thành mã hóa dữ liệu và lưu trữ trên chuỗi khối (Blockchain) không thể phủ nhận, không thể xóa, an toàn, và đáp ứng được tính chính xác khi truy suất thông tin.

Vấn đề là cơ sở đào tạo nào sẽ sớm chuyển đổi thành công thì phát triển nhanh, chiếm lĩnh thị trường, tạo doanh thu lớn. Để làm được điều đó, cần có các điều kiện về tài chính đủ để đầu tư, công nghệ số phải tiên tiến, phải cập nhật và nâng cấp kịp thời để cải tiến chất lượng dịch vụ. Lãnh đạo quyết tâm, cán bộ nhân viên đồng tâm hiệp lực thì chuyển đổi số sớm thành công.

Phạm Minh