Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nêu lý do mở chuyên ngành Logistics đô thị

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nêu lý do mở chuyên ngành Logistics đô thị

15/06/2024 06:25
Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo đại diện Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, ngoài các chức năng của dịch vụ Logistics thông thường thì Logistics đô thị còn hai chức năng khác. 

Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, đến hết năm 2021 Việt Nam có khoảng 43.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics, trong đó chiếm 90% các doanh nghiệp Logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ; chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại 70% thị phần thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Vì vậy, các ngành đào tạo liên quan đến dịch vụ Logistics cũng được các cơ sở giáo dục quan tâm, chú trọng trong những năm gần đây.

Học Logistics đô thị sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn - Quản lý Logistics thị trường Việt Nam, Tập đoàn KWE (Kintetsu) đánh giá, ngành Logistics nói chung và Logistic đô thị nói riêng đều có cơ hội việc làm rộng mở, phù hợp với xu hướng của xã hội.

GDVN.png

"Đặc biệt là tính linh động của ngành cho phép một người có thể thăng tiến trong khoảng thời gian tương đối ngắn, các vị trí cấp trên thường có mức lương cao gấp rưỡi so với vị trí bên dưới kế cận. Để so sánh, muốn lên trưởng phòng ở các ngành khác với mức lương khoảng 25-30 triệu đồng/tháng thì với ngành Logistics sẽ nhanh hơn", ông Anh Tuấn cho hay.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, sinh viên ngành Logistics đô thị sau khi tốt nghiệp sẽ có những lợi thế nhất định như cơ hội việc làm tương đối rộng mở vì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ngày càng tăng, chuyển dịch chuỗi cung ứng về Việt Nam và hạ tầng đang ngày càng tốt lên; Khả năng thăng tiến trong sự nghiệp tương đối thuận lợi vì ngành Logistics khá mở và linh động; Và nhân sự ngành này có cơ hội phát triển kỹ năng đồng đều kể cả kỹ năng phân tích xử lý số liệu cũng như kỹ năng giao tiếp mở rộng mạng lưới.

Tại Tập đoàn KWE, khi tuyển dụng nhân sự ngành này thường chú trọng vào tiếng Anh (với 4 kỹ năng), khả năng tương tác tốt, tính trách nhiệm cao, kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý khủng hoảng, quản lý dự án bên cạnh các kỹ năng chuyên biệt về Logistics.

Ông Tuấn cũng cho rằng, các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành này cần cho sinh viên có cơ hội thực hành nhiều, trao dồi khả năng tương tác, làm việc nhóm. Đặc biệt, tập trung nghiên cứu tình huống thực tế, trau dồi kỹ năng tiếng Anh chuyên ngành vì đặc thù ngành này phải làm việc với các đối tác quốc tế.

Cùng trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Đạt - Trưởng phòng đại diện của Tolead Logistics Việt Nam đánh giá: "Mức độ đô thị hóa tại Việt Nam trong năm 2023 là 42%, kéo theo đó là xu hướng phát triển Logistics trong đô thị ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa, thậm chí cả vận tải hành khách. Do đó, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Logistics đô thị sẽ rất cao. Mức lương dao động từ 800 - 3.500USD (khoảng từ 20 - 89 triệu đồng), tùy theo số năm kinh nghiệm".

gdvn-dat.png

Ngoài ra, theo ông Đạt, kiến thức đào tạo ban đầu và thái độ cầu tiến trong công việc là những yếu tố quan trọng nhất để sinh viên ra trường thành công theo đuổi lĩnh vực này với mức lương cao. Chia sẻ về lợi thế của sinh viên học chuyên ngành Logistics đô thị, ông Đạt nhìn nhận: "Chuyên ngành này bổ trợ kiến thức cả về Logistics truyền thống và ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa sẽ là lợi thế và tạo tiền đề cơ bản cho sinh viên khi ra trường".

Cũng theo ông Đạt, Logistics đô thị cung cấp cho sinh viên những góc nhìn thực tiễn hơn, có sự gắn kết trong cuộc sống hàng ngày, do đó rất gần gũi với người học. Ngoài ra, Logistics đô thị đòi hỏi áp dụng mô hình vận hành đa phương thức, cần có sự thay đổi linh hoạt liên tục để phù hợp với nhu cầu thị trường. Những kiến thức được trang bị cho sinh viên về Logistics và quản lý chuỗi cung ứng nói chung và các kiến thức về công nghệ thông tin, tối ưu hóa và đô thị sẽ giúp các em sau khi ra trường đáp ứng được sự thay đổi linh hoạt này.

Tại Tolead Logistics Việt Nam, đối với những vị trí cho sinh viên mới ra trường, sẽ ưu tiên tuyển dụng các ứng viên có kiến thức cơ bản về Logistics và thái độ cầu tiến trong công việc. Đặc biệt sẽ ưu tiên cho các bạn có thêm các nền tảng cơ bản về công nghệ thông tin và tối ưu hóa, điều này sẽ đẩy nhanh sự phát triển của các bạn và có lợi cho công ty. Ngoài ra, với những nhân sự cấp cao hơn, nhà tuyển dụng đòi hỏi những yếu tố khác như: Kiến thức về công nghệ, kỹ năng quản lý, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp...

"Logistics đô thị là một chuyên ngành đào tạo mới ở Việt Nam nhưng không mới trên thị trường quốc tế, trong khi đó đặc thù của thị trường là sự thay đổi nhanh chóng, vì vậy theo quan điểm của tôi, việc đào tạo nhân lực cần đi sát với thực tế và có tính thực chiến cao để theo kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", ông Đạt nhấn mạnh.

Được biết, năm 2024, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội mở mới và tuyển sinh chuyên ngành Logistics đô thị (thuộc ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng). Để có thêm thông tin về chuyên ngành Logistics đô thị, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Phú Doanh - Trưởng khoa Cầu đường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Logistics đô thị góp phần thực hiện mục tiêu đô thị thông minh

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Phú Doanh cho biết, Logistics là một ngành dịch vụ đặc biệt, giao thoa và liên quan đến nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế quốc dân.

GDVN_THAYD.png

Thầy Doanh đánh giá: “Hiện nay chúng ta đã quen Logistics và chuỗi cung ứng hàng hóa, đây là chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất cho đến khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng hoặc sử dụng. Bên cạnh đó, có thể xã hội chưa quen với một loại hình cung cấp dịch vụ đi lại của con người.

Thực tế, có thể thấy dịch vụ này, có một dịch vụ phân khúc nhỏ đang hoạt động ở nước ta vừa để đáp ứng đi lại hàng ngày và chuyển giao hàng đến tay người dùng trong đô thị hoặc từ đô thị đi các nơi với nhiều mục đích khác nhau. Hoạt động dịch vụ đi lại có từ xa xưa, nhưng nghiên cứu nó như là một chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh Logistics thì mới chỉ hơn chục năm lại đây nhờ đòn bẩy từ ứng dụng công nghệ mới nổi, thay đổi tư duy phục vụ con người và những thách thức từ môi trường đô thị”.

Logistics đô thị bao gồm cả hai hoạt động dịch vụ cung cấp hàng hóa và và dịch vụ cung cấp đi lại trong đô thị. Logistics đô thị là một bộ phận cấu thành hoạt động của chuỗi cung ứng, bao gồm việc lên kế hoạch và kiểm soát dòng vận chuyển hàng hóa/con người theo cả hai chiều từ điểm sản xuất/bắt đầu đến điểm tiêu thụ/kết thúc trong đô thị.

Logistics đô thị đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đô thị, tăng hiệu quả hoạt động của các chủ thể, cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải carbon, tối ưu hóa hiệu quả vận hành của vận tải hàng hóa/con người và an toàn giao thông.

Cấu trúc hệ thống của Logistics đô thị gồm bốn chủ thể: chủ hàng (nhà sản xuất, bán buôn, bán lẻ), cư dân (người tiêu dùng), người vận chuyển (vận tải, kho vận, bên thứ ba) và nhà quản lý (trung ương, khu vực, thành phố) tác động qua lại, tương hỗ lẫn nhau.

GDVN_XD.jpeg

Ngoài các chức năng của dịch vụ Logistics thông thường, Logistics đô thị còn hai chức năng khác, đó là: Hỗ trợ đáp ứng nhu cầu đi lại theo sự lựa chọn của người dân trong nội đô, từ đô thị ra ngoài hoặc từ ngoài vào đô thị để họ có khả năng tiếp cận nhiều mục đích khác nhau. Đặc biệt dịch vụ này có thể đáp ứng với mọi người dân "từ cửa đến cửa", chỉ thanh toán một lần bằng mạng lưới hạ tầng giao thông đa phương thức và nền tảng dịch vụ công nghệ số, thời gian thực. Ngoài ra, Logistics đô thị liên quan chặt chẽ đến công tác quản lý đô thị và xu hướng mô hình quản lý nhu cầu giao thông vận tải đô thị; góp phần thực hiện mục tiêu đô thị thông minh, đô thị đáng sống và đô thị bền vững.

Về chương trình đào tạo, thầy Doanh cho biết, thời gian đào tạo chuyên ngành Logistics đô thị tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội khoảng 3,5-4 năm. Tổng số tín chỉ cho chương trình đại học là 130 tín chỉ phân bổ theo các khối kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành với tỷ lệ % phân bổ theo đúng quy định hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khối kiến thức chuyên nghiệp được chia đều cho ba nền tảng kiến thức, bao gồm: Kiến thức quản lý đô thị, quản lý kinh tế, dịch vụ thương mại; kiến thức về giao thông đô thị; và kiến thức về ứng dụng công nghệ tiên tiến.

"Mục tiêu của chuyên ngành là đào tạo cử nhân Logistics đô thị có tính cạnh tranh cao, đáp ứng cao nhất yêu cầu chuẩn đầu ra về ba mặt: Kiến thức, kỹ năng và mức tự chủ và trách nhiệm. Chuyên ngành cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản thuộc phạm trù Logistics và chuỗi cung ứng trong phạm vi khu vực đô thị. Đó là xu thế tối ưu hóa dịch vụ logistics và giao thông (di chuyển) người và hàng hóa trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 và cân bằng mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường.

Để đào tạo Logistics đô thị đáp ứng cho nhu cầu thị trường kinh tế và quản lý, nhà trường đã tập trung xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến. Đảm nhiệm giảng dạy các khối kiến thức đào tạo liên quan đến đô thị, giao thông và hạ tầng đô thị, kinh tế và quản lý là các Bộ môn, các Khoa có kinh nghiệm đào tạo ngành từ những năm 1956-1958; ngành công nghệ thông tin trong trường cũng có từ gần 30 năm nay", thầy Doanh nhấn mạnh thêm.

Về đội ngũ, theo thầy Doanh, đội ngũ cán bộ cơ hữu gồm 14 giảng viên và 2 thí nghiệm viên, trong đó có 6 phó giáo sư, 13/14 giảng viên có trình độ tiến sĩ (100% tiến sĩ đều được đào tạo và tu nghiệp ở nước ngoài).

GDVN_AH.png

Chia sẻ về lý do dịch vụ Logistics nói chung và Logistics đô thị nói riêng có sức hấp dẫn, thầy Doanh cho hay: "Nó được ví như là cầu nối của các hoạt động trong xã hội và đích cuối cùng là cho con người, vì con người; mặt khác, dịch vụ Logistics kinh tế là một ngành non trẻ còn đầy tiềm năng và dư địa phát triển. Với ngành Logistics đô thị, xin đặt ngược vấn đề: Xu hướng đô thị hóa trên thế giới có phải là tất yếu không? Đô thị có phải là động cơ thúc đẩy phát triển đất nước hiện đại hóa, công nghiệp hóa không?

Logistics đô thị là ngành học mang tính hệ thống cao, đòi hỏi người tham gia trong chuỗi dịch vụ có tư duy logic và tư duy hệ thống nổi trội. Chuyên ngành này sẽ phù hợp với những sinh viên say mê, năng động, sáng tạo. Đặc biệt, sẽ mang lại lợi thế cho những người học có nền tảng kiến thức về công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 như: Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), Trí tuệ nhân tạo (AI)...

Về học phí, thầy Doanh cho biết, năm học 2024-2025, sinh viên chuyên ngành Logistics sẽ đóng 16,4 triệu đồng. Bên cạnh đó nhà trường và khoa luôn có nhiều chương trình học bổng để hỗ trợ, khuyến khích sinh viên học tốt.

Theo thầy Doanh, sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành Logistics đô thị của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có thể đảm nhận những vị trí công việc tiềm năng như: Vị trí Quản lý công của nhà nước trong các dự án liên quan đến giao thông đô thị, quy hoạch đô thị, logistics đô thị và quy hoạch tỉnh, thành phố; Làm trong các doanh nghiệp doanh nghiệp liên quan đến: giao thông vận tải, logistics, chuỗi cung ứng để độc lập quản lý, lập quy hoạch, thiết kế, vận hành ... chuỗi cung ứng và chuỗi logistics; Đặc biệt chuyên sâu vào lĩnh vực quản lý giao thông đô thị, xây dựng chính sách, thiết kế vận hành tuyến giao thông đa phương thức, đầu mối, có khả năng xây dựng mô hình mới thay thế trong giao thông vận tải và logistics trong đô thị, thiết kế tối ưu dịch vụ và tham gia xây dựng phần mềm quản lý, phần mềm thương mại; Thậm chí có thể là nghiên cứu viên trong các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu có liên quan đến ngành học.

Thi Thi