Trường đại học xây dựng bản đồ thông tin dịch tễ để các tỉnh phòng dịch COVID

23/05/2021 06:31
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 được triển khai ở các điểm nóng như tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng và Quảng Ninh.

Dịch Covid-19 lại đang tiếp tục diễn biến phức tạp gây ra những tác động không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong cuộc chiến này chúng ta không thể bị động mà phải chuyển sang việc chủ động phòng tránh.

Thông tin với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo trường Đại học Phenikaa cho biết, trong thời gian qua các nhà khoa học của trường cùng các công ty thành viên của Tập đoàn Phenikaa đã triển khai nhiều ý tưởng ứng dụng công nghệ để chế tạo ra các sản phẩm đột phá để tăng sự an toàn trong công tác phòng chống dịch, giảm thiểu việc lây lan dịch, chung tay với cả nước đẩy lùi dịch bệnh như: bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19, robot khử khuẩn, robot tự hành,...

Giải pháp bản đồ thông tin dịch tễ

Theo đó, bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 được triển khai ở các điểm nóng như tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Hệ thống bản đồ COVID với bảng phân tích dữ liệu một cách chi tiết, trực quan giúp công tác theo dõi, kiểm tra và thống kê tại các vùng dịch dễ dàng hơn cho cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương và người dân.

Bản đồ thông tin dịch tễ được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương sử dụng (ảnh nhà trường cung cấp)

Bản đồ thông tin dịch tễ được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương sử dụng (ảnh nhà trường cung cấp)

Với những nỗ lực thần tốc và tâm huyết của các cán bộ Phenikaa, sản phẩm bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 đã được nhanh chóng triển khai chỉ trong 3 ngày/tỉnh thành và góp phần đem lại hiệu quả tích cực cho công tác phòng chống dịch khi có đến hàng trăm ngàn lượt truy cập trong thời gian cao điểm và giúp cho người dùng nắm bắt kịp thời các thông tin tổng quan về tình hình dịch bệnh tại địa bàn lưu trú.

Bản đồ COVID được hiển thị dưới dạng một bản đồ thông thường với những chấm tròn thể hiện vị trí của các khu vực dễ lây nhiễm. Tính năng này cho phép người dùng nhận diện trực tiếp, dễ dàng và nhanh chóng những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao, từ đó có phương hướng di chuyển thích hợp, tránh đi vào vùng dịch.

Bản đồ hiện cung cấp các thông tin bao gồm: Điểm cách ly tập trung; Khu vực phong tỏa; Khu vực nhà của bệnh nhân; Địa điểm bệnh nhân từng đến; Địa điểm bệnh nhân đến đã hơn 14 ngày.

Ngoài các thông tin về dịch bệnh, bản đồ COVID còn nhận biết được vị trí của người dùng có đang trùng với khu vực có nguy cơ lây nhiễm hay không. Từ đó, người dùng sẽ biết được mức độ an toàn của vị trí hiện tại của mình và có phương án di chuyển thích hợp.

Không những thế, bản đồ dịch tễ còn cung cấp một hệ thống theo dõi theo thời gian thực cho chính quyền địa phương, cập nhật realtime tất cả các trường hợp lây nhiễm, số lượng F1, F2, các vị trí có xác suất cao của việc lây nhiễm… Điều này giúp cho lãnh đạo địa phương dễ dàng nắm bắt được thông tin để có những chỉ đạo sát sao nhất cho công tác phòng dịch.

Bên cạnh giải pháp bản đồ thông tin dịch tễ, nhóm các nhà khoa học Phenikaa còn cho ra đời các sản phẩm công nghệ cao phục vụ công tác phòng chống dịch như robot tự hành, robot khử khuẩn, …

Robot công nghệ cao “Make-in-Vietnam”

Các sản phẩm mang tính công nghệ cao và ứng dụng trực tiếp cho các khu vực dịch bệnh như robot khử khuẩn, robot tự hành do Viện PRATI, Công ty Cổ phần Phenikaa-X, Trường Đại học Phenikaa nghiên cứu và phát triển nhanh cũng nhanh chóng được đưa vào sử dụng và đem lại hiệu quả cao.

Robot khử khuẩn đang làm nhiệm vụ tại trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Ban Mai (ảnh nhà trường cung cấp)

Robot khử khuẩn đang làm nhiệm vụ tại trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Ban Mai (ảnh nhà trường cung cấp)

Robot khử khuẩn kết hợp hai phương pháp khử khuẩn UVC và hoá chất giúp triệt tiêu vi khuẩn, giảm bớt việc lây lan dịch bệnh với khả năng đi lại linh động, có thể điều khiển từ xa hoặc lập trình sẵn cho một cung đường khử khuẩn nhất định. Hiện các robot được sử dụng tại một số cơ quan, trường học khu vực Hà Nội để khử khuẩn nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh trong khuôn viên đơn vị cho cán bộ nhân viên, học sinh và sinh viên trước khi quay lại trường/lớp.

Robot tự hành trong các khu vực cách ly, khu vực hạn chế tiếp xúc cũng được phát triển nhằm vận chuyển các nhu yếu phẩm hay giám sát người bệnh và người được cách ly thông qua các camera theo dõi. Robot có khả năng tự hành hoàn toàn và tránh các va chạm bằng cách sử dụng công nghệ LiDAR, có tích hợp trí tuệ nhân tạo để nhận diện và nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang, đo thân nhiệt cùng hàng loạt tính năng ưu việt khác.

Thùy Linh