Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

18/11/2021 11:39
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 18/11, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ 2).

Tới tham dự buổi lễ đầy ý nghĩa này có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước – Lê Khánh Hải.

Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo các Đại sứ quán, các tổ chức giáo dục - đào tạo quốc tế cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng bộ, ngành trung ương và các sở, ngành địa phương.

Về phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có Giáo sư Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng; Giáo sư Đỗ Việt Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường cùng các thầy cô lãnh đạo Nhà trường qua các thời kỳ và các thế hệ nhà giáo, sinh viên, học viên và học sinh của trường.

Quá trình 70 năm xây dựng và phát triển của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội gắn liền với sự phát triển của đất nước, nền giáo dục đại học Việt Nam nói riêng, nền giáo dục đào tạo nước nhà nói chung. Vượt lên mọi khó khăn, các thế hệ cán bộ quản lí, giảng viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên của Nhà trường bằng trí tuệ và tâm sức tô thắm truyền thống vẻ vang của Trường, để lại những mốc son quan trọng trong chặng đường đi lên của ngành giáo dục Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Được biết, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chính thức được thành lập ngày 11/10/1951 theo Nghị định số 276/NĐ của Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Tuy nhiên, quá trình hình thành và phát triển của Nhà trường lại được bắt đầu từ một sự kiện quan trọng: ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 45 thành lập Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội với nhiệm vụ đào tạo giáo sư Văn khoa ban Trung học.

Sự kiện thành lập Ban Đại học Văn khoa - tổ chức tiền thân của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - mở đầu cho quá trình hình thành và phát triển của ngành sư phạm cách mạng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt và tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và sư phạm.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lần có vinh dự được đón Bác về thăm. Lời căn dặn của Người "Làm thế nào để Nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước” đã trở thành niềm tự hào và mục tiêu phấn đấu không biết mệt mỏi của lớp lớp các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên của Nhà trường để xây dựng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trở thành một trường đại học chuẩn mực như lời Bác dạy.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nhận được sự quan tâm của các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Doan, Phạm Gia Khiêm, Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Đức Đam… và các vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo qua các thời kì. Nhiều quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo, nhiều ý kiến chỉ đạo của các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã để lại dấu ấn quan trọng và cụ thể trong sự phát triển của Nhà trường.

Với vai trò là trường đại học sư phạm đầu tiên của nền giáo dục cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, cái nôi của ngành sư phạm cả nước, các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã luôn tiên phong và không ngừng sáng tạo trong đào tạo và nghiên cứu khoa học: từ việc xây dựng chương trình, viết giáo trình, đổi mới phương thức và phương pháp đào tạo, phát triển các bậc đào tạo (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học), phát triển các mã ngành đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành giáo dục và xã hội đến các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ giáo dục, đào tạo và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Các thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học sư phạm Hà Nội, với bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn tốt, đã mang ánh sáng văn hóa, học vấn đến khắp mọi miền của Tổ quốc. Nhiều người đã trở thành các nhà hoạt động chính trị có uy tín, nhà khoa học, nhà văn hoá, nhà thơ nổi tiếng, mà tên tuổi của họ mãi làm rạng danh nền học vấn nước nhà như giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Văn Thiêm, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Phạm Huy Thông, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Lân, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật ….

Theo thống kê của Nhà trường, tính đến hết tháng 06/2021, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 1.049 cán bộ, trong đó có 658 giảng viên (19 giáo sư, 137 phó giáo sư, 399 tiến sĩ). Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm 60,6% tổng số giảng viên, trong đó số giảng viên có học hàm giáo sư và phó giáo sư chiếm tỉ lệ 23,7%.

Với đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu chất lượng cao như vậy, Trường Đại học sư phạm Hà Nội là đơn vị chủ chốt xây dựng các chương trình khung cho toàn ngành sư phạm; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, phát triển các chương trình đào tạo, biên soạn chương trình, giáo trình, sách giáo khoa cho các bậc học, tư vấn cho các cấp quản lí xây dựng chính sách giáo dục.

Trong không khí kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng.

Trong không khí kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng.

Trường Đại học sư phạm Hà Nội đã hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện mô hình đào tạo theo chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo mới.

Hiện nay, Trường có 49 chương trình đào tạo cử nhân đại học chính quy (trong đó có 07 chương trình đào tạo chất lượng cao, 05 chương trình đào tạo cử nhân sư phạm dạy bằng tiếng Anh, 02 chương trình kép Giáo dục Mầm non – Sư phạm Tiếng Anh và Giáo dục Tiểu học – Sư phạm Tiếng Anh) và các chương trình đào tạo hệ vừa làm vừa học tương ứng; 54 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ (với hai định hướng nghiên cứu và ứng dụng); 43 mã ngành đào tạo tiến sĩ; hệ thống các chuyên đề bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, tin học và ngoại ngữ, các chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên toàn quốc về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với những thành tích to lớn đóng góp cho phát triển giáo dục và đào tạo cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước Việt Nam:

Huân chương Lao động hạng Nhì (1961), Huân chương Lao động hạng Nhất (1962), Huân chương Độc lập hạng Nhì (1991), Huân chương Độc lập hạng Nhất (1996, 2016), Cờ Thi đua của Chính phủ (1995, 2016, 2020), Huân chương Hồ Chí Minh (2001, 2011), danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới (2004). Bên cạnh đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội còn được tặng Huân chương Tự do (Ixara) hạng Nhất (1987) và Huân chương Lao động hạng Nhất (2001) của Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào...

Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thuộc top 10 trong bảng xếp hạng QS Châu Á 2021, top 12 trong bảng xếp hạng URAP 2020 của các trường đại học ở Việt Nam.

Trong không khí kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, trường Đại học sư phạm Hà Nội vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng.

Việc đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai tại buỗi lễ kỉ niệm 70 năm ngày thành lập càng khẳng định vị thế trọng điểm của Trường Đại học sư phạm Hà Nội, cho thấy thầy và trò Nhà trường đã quyết tâm thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”.

Thùy Linh