Nền tảng phát triển và thúc đẩy thế giới đổi mới nhanh vượt bậc chính là hoạt động nghiên cứu khoa học.
Từ khi khoa học bắt đầu xuất hiện, các kinh nghiệm, các đúc kết mang tính chủ quan được kiểm nghiệm và khám phá, từ đó tạo ra các thành tựu mang tính nhảy vọt đối với cuộc sống cả nhân loại.
Với quan điểm khoa học là “sự phát minh phức tạp, sáng tạo và đẳng cấp cao”, khoa học hàn lâm chưa thực sự được phổ biến và chuyển hóa thành khoa học thực nghiệm rộng rãi trong đại chúng.
Tuy nhiên, với trình độ kinh tế-xã hội phát triển, nghiên cứu khoa học đã được phổ biến hơn, từ đó hầu như những cá nhân có nhu cầu phát triển năng lực nghiên cứu khoa học hàn lâm đều có thể tiếp cận ở một phương diện cơ bản hơn, nhưng lại sâu sắc và mang tính sáng tạo hơn.
Nhận thức được xu thế này, bên cạnh sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng tạo điều kiện và khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường nhằm đóng góp tri thức và thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Đa dạng chính sách hỗ trợ, khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học
Hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường chia làm hai mảng chính, gồm nghiên cứu khoa học giảng viên và nghiên cứu khoa học sinh viên.
Nghiên cứu khoa học giảng viên được đẩy mạnh và Trường đề ra rất nhiều chính sách khuyến khích giảng viên tham gia, trong đó có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính trực tiếp cũng như ghi nhận khi đánh giá xếp loại.
Với sự hỗ trợ từ nhiều mặt như vậy, Trường đã ghi nhận thành tựu đáng kể về số lượng công bố khoa học tăng đều qua các năm. Cụ thể, vào năm 2013, Trường chỉ có 45 công bố khoa học. Tuy nhiên đến năm 2019 đến nay, mỗi năm Trường ghi nhận hơn 1.000 công bố khoa học.
Sự tăng trưởng này không thể hiện ý nghĩa về mặt số lượng, mà là chất lượng khoa học của các công bố. Cụ thể, trong số công bố khoa học mỗi năm, có gần 50% là công bố thuộc chỉ mục ISI hoặc Scopus.
Song song với công bố khoa học, thực hiện các công trình khoa học và công nghệ cũng nhận được sự quan tâm của giảng viên.
Công trình là cách mà kết quả của nghiên cứu được thể hiện rõ ràng hơn, và giúp cho việc chuyển giao tri thức đến cộng đồng và xã hội nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Từ năm 2010 đến tháng 4 năm 2024, Trường đã có hơn 400 đề tài được nghiệm thu từ mức đạt trở lên. Trong đó có 34 đề tài cấp Bộ, 08 đề tài của Quỹ Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) và 14 đề tài cấp Tỉnh.
Đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên
Bên cạnh hoạt động nghiên cứu của giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học cũng là hoạt động được tổ chức thường niên, dần trở thành truyền thống và là một trong những thế mạnh của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong nhiều năm qua, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên đã tăng trưởng đáng kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, các đề tài của sinh viên cũng dần tham gia vào quá trình công bố khoa học. Riêng trong năm 2022 và 2023, các đề tài của sinh viên đã công bố 62 bài báo, trong đó có 17 công bố nằm trong chỉ mục ISI, Scopus.
Về giải thưởng, các đề tài sinh viên của Trường được cử đi tham dự tại các cuộc thi mang tầm cỡ quốc gia như Giải thưởng Nghiên cứu khoa học sinh viên Eureka do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Giải thưởng Olympic tin học, Olympic cơ học và nhiều giải thưởng khác.
Đặc biệt, Trường nhiều năm được xét giải cao tại Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Riêng trong năm 2023, 10/10 đề tài gửi đi tham gia đều đạt giải (1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích). Đây là minh chứng rõ nhất cho sự tăng trưởng về chất lượng của nghiên cứu khoa học sinh viên của Trường.
Ngoài các hoạt động trên, Trường cũng tạo cơ hội cho giảng viên, sinh viên và nhà khoa học của Trường giao lưu, trao đổi và phát triển các kết quả nghiên cứu với cộng đồng học thuật thông qua nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học.
Các hội thảo với đa dạng chủ đề, từ kinh tế và kinh doanh, giáo dục, chuyển đổi số, kỹ thuật đã thu hút hàng loạt bài tham luận, bài báo chất lượng từ cộng đồng học thuật trong nước và quốc tế. Sự thành công của các hội thảo góp phần quan trọng trong việc tạo ra cầu nối và chuyển giao tri thức đến cộng đồng.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng chú trọng và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học.
Đây cũng tiếp tục là một trong các định hướng trọng tâm cốt lõi của Trường trong những năm tiếp theo nhằm thực thi sứ mạng đóng góp tri thức và phát triển cộng đồng.