Trường Đại học Hà Nội và Đại học Canberra (Australia) ký kết thoả thuận hợp tác

06/12/2023 15:49
Đức Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ giữa Trường Đại học Hà Nội và Đại học Canberra vừa bước sang năm thứ 5.

Sáng ngày 6/12, Trường Đại học Hà Nội và Đại học Canberra (Australia) chính thức ký kết thỏa thuận tiếp tục hợp tác đào tạo đối với chương trình thạc sĩ Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh giai đoạn 2024 - 2029. Buổi lễ cũng đồng thời vinh danh 75 tân thạc sĩ đã hoàn thành xuất sắc chương trình thạc sĩ.

Chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ giữa Trường Đại học Hà Nội và Đại học Canberra vừa bước sang năm thứ 5. Thuộc top 2 trường đại học trẻ của Australia, Đại học Canberra nổi tiếng trong việc xây dựng chương trình học mang tính ứng dụng và linh hoạt, có hệ thống hỗ trợ sinh viên chuyên nghiệp - từ đội ngũ giảng viên đến nhân viên hành chính và các cấp quản lý.

Buổi lễ vinh danh 75 tân thạc sĩ đã hoàn thành xuất sắc chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh và tiếng nước ngoài liên kết giữa Trường Đại học Hà Nội và Đại học Canberra (Master of TESOL and FLT). Ảnh: Đức Minh.

Buổi lễ vinh danh 75 tân thạc sĩ đã hoàn thành xuất sắc chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh và tiếng nước ngoài liên kết giữa Trường Đại học Hà Nội và Đại học Canberra (Master of TESOL and FLT). Ảnh: Đức Minh.

Theo ghi nhận, nhiều cơ sở giáo dục đại học và sau đại học tại Việt Nam hiện nay đang từng bước đổi mới mô hình và cách thức đào tạo nguồn nhân lực giảng dạy ngoại ngữ, trong đó có thể kể đến Chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh và tiếng nước ngoài liên kết giữa Trường Đại học Hà Nội và Đại học Canberra (Master of TESOL and FLT).

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trào - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội chia sẻ: "Chương trình liên kết đào tạo giữa Đại học Canberra và Trường Đại học Hà Nội là chương trình quốc tế chất lượng cao được phê duyệt từ năm 2018. Có thể nói chương trình này mang đến cho sinh viên những động lực vững chắc cũng như chuẩn bị cho học viên tốt nghiệp với lý thuyết chuyên sâu về giảng dạy tiếng Anh. Đây là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp giảng dạy ngoại ngữ của các học viên sau này."

Đây cũng là nỗ lực của Trường Đại học Hà Nội trong việc quốc tế hóa chương trình đào tạo, liên tục đẩy mạnh chất lượng giảng dạy của chương trình liên kết đào tạo quốc tế, nhằm mang đến cơ hội tiếp cận môi trường giáo dục tối ưu cho sinh viên, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Trào chia sẻ.

Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2018-2023, chương trình đã thu hút hơn 500 học viên và hơn 183 sinh viên đã tốt nghiệp và được cấp bằng Thạc sĩ Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh và tiếng nước ngoài của Đại học Canberra.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Giang, Phó giám đốc chương trình MTESOL của Trường Đại học Hà Nội nhận định: “Hiện nay, chúng tôi đang từng bước khẳng định được mức độ uy tín trong công tác giảng dạy và định hướng của nhà trường.”

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Giang, Phó giám đốc chương trình MTESOL của Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: Đức Minh.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Giang, Phó giám đốc chương trình MTESOL của Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: Đức Minh.

Bà Vũ Quỳnh Trúc, giảng viên khoa Tiếng Anh Trường Đại học Phenikaa, học viên khóa UC5 Chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành chia sẻ: “Chương trình đào tạo là một nền tảng vững chắc, giúp nhiều giảng viên, giáo viên dễ dàng đạt được ước mơ công tác tại các trường học uy tín của mình.”

Được biết, trong 5 năm đầu tiên, các môn học đều được giảng viên Trường Đại học Hà Nội giảng dạy, tuy nhiên, trong thời gian tới, nhà trường đã có kế hoạch triển khai mô hình đào tạo mới, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Giang nhận định.

“Cụ thể, 2 trong 8 học phần giảng dạy tại Trường Đại học Hà Nội trong thời gian tới sẽ được các giảng viên Đại học Canberra trực tiếp giảng dạy, nhằm giúp học viên có nhiều trải nghiệm hơn”, bà Giang nói.

Đồng thời, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Giang khẳng định: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ có thêm sự giao lưu văn hóa. Xu hướng trên thế giới là các trường cần có hiểu biết về giảng dạy tiếng Anh ở các khu vực khác và giảng viên tiếng Anh của chúng tôi cũng cần có cơ hội cùng tham gia giảng dạy với giáo viên nước ngoài. Điều này sẽ tạo ra sự giao thoa về văn hóa, học hỏi phương pháp giảng dạy giữa các nước."

Đức Minh