Trường chèn tiếng Anh trung tâm Bình Minh vào giờ chính khóa, phụ huynh bức xúc

26/10/2021 06:51
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều năm qua, Trường tiểu học Yên Xá tổ chức dạy bổ trợ tiếng Anh do giáo viên nước ngoài giảng dạy vào giờ học chính khóa, khiến phụ huynh bức xúc.

Thời gian vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết liên quan đến vấn đề dạy tiếng Anh tích hợp, dạy tiếng Anh với giáo viên là người nước ngoài triển khai ở nhiều địa phương. Câu chuyện về chất lượng giảng dạy, chất lượng giáo viên ngoại ngữ có thực sự đạt chuẩn là vấn đề được nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh trường Tiểu học Yên Xá (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) về vấn đề tổ chức việc dạy thêm tiếng Anh vào giữa chương trình học chính khóa trong nhiều năm qua.

Theo phụ huynh, năm nay do dịch nên trường chưa tổ chức dạy tiếng Anh liên kết với trung tâm, các năm trước, phụ huynh khổ sở vì kiểu chèn tiết học tiếng Anh của giáo viên nước ngoài vào giữa lịch học chính khóa.

Phụ huynh bức xúc vì điều này gây khó khăn cho các em học sinh không muốn theo học chương trình này.

Theo chia sẻ phụ huynh M. có con học tại trường Tiểu học Yên Xá, giáo viên nước ngoài do một trung tâm liên kết với trường đào tạo, tiết học thêm môn này lại được nhà trường “công khai” sắp xếp xen kẽ vào giờ học chính khóa.

Trường Tiểu học Yên Xá. (Ảnh: ĐH)Trường Tiểu học Yên Xá. (Ảnh: ĐH)

Mỗi tuần, học sinh sẽ được học 2 buổi, đối với học sinh khối 1-3 là 100 nghìn đồng/tháng, còn học sinh khối 4-5 là 120 nghìn đồng/buổi.

“Nhà trường xếp lịch học môn tiếng Anh do giáo viên nước ngoài giảng dạy vào thời gian không phải cuối buổi mà toàn vào giữa giờ. Ví như buổi học chính khóa là 15h, thì học thêm tiếng Anh được dạy vào 14h, hoặc dạy 9-10h, 10-11h”, chị M. chia sẻ.

Việc dạy vào những khung giờ trên, khiến cho những em học sinh không đăng kí học, thì sẽ được cho xuống phòng Hội đồng của nhà trường ngồi chơi cho đến hết buổi. Điều này khiến các em chán chường và sau đó là bảo bố mẹ cho theo học.

Phụ huynh cũng chia sẻ, khi kết thúc khóa học, con em họ không có chứng chỉ hay kết quả phân loại học tập nào trong việc học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Điều này, khiến việc học thêm tiếng Anh của các con không được đánh giá chất lượng học tập, bỏ đồng tiền ra mà không rõ thu về được cái gì. Chất lượng giảng dạy của giáo viên ra sao, phụ huynh cũng rất băn khoăn.

Một vị phụ huynh có con em năm nay lên lớp 4 tại trường Tiểu học Yên Xá cho hay, việc học thêm với giáo viên nước ngoài được dạy vào giờ học chính khóa, khác nào ép buộc các em phải theo học.

Theo chia sẻ của phụ huynh, trong năm học 2020-2021, trường Tiểu học có Hiệu trưởng mới, nhà trường vẫn thực hiện việc dạy thêm tiếng Anh với người nước ngoài trong học kì I, đến học kì II thì do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các em học online nên chương trình bị tạm dừng.

Dạy vào giờ chính khóa vì lo trung tâm không đủ giáo viên

Về vấn đề trên, trả lời Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thanh Mai (Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Xá) cho biết, phản ánh của phụ huynh là đúng.

Vị Hiệu trưởng mới của đơn vị này cho biết, chương trình dạy thêm tiếng Anh do giáo viên nước ngoài giảng dạy được đơn vị làm đề án gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì; Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Bên cạnh đó, Trung tâm ngoại ngữ Bình Minh liên kết với trường cũng là đơn vị được Sở cấp phép.

Theo đó, tiết học thêm tiếng Anh với giáo viên nước ngoài từng được nhà trường sắp xếp 2 tiết/tuần và được nhà trường công khai trên tinh thần tự nguyện không bắt buộc với học sinh, cha mẹ học sinh.

"Đối với việc triển khai dạy tiếng Anh bổ trợ, nhà trường sắp xếp các giờ học tiếng Anh xen kẽ vào các tiết học buổi chiều thứ Hai các ngày trong tuần. Việc sắp xếp thời khóa biểu như vậy là hợp lý và không làm ảnh hưởng đến chương trình và chất lượng giáo dục chung của nhà trường, cùng học sinh", cô Mai cho hay.

Đối với học sinh không tham gia học chương trình tiếng Anh liên kết, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm sắp xếp để các em có thể lên phòng Thư viện đọc sách theo ý thích hoặc được bố trí ngồi trong phòng Đội, phòng Hội đồng quản lý của cô giáo chủ nhiệm.

"Còn đối với lớp có tiếng Anh liên kết vào tiết cuối ngày thì giáo viên chủ nhiệm thông báo đến gia đình những em không học, để gia đình sắp xếp công việc đến đón con ngay sau khi kết thúc giờ học theo chính khóa cuối cùng thời khóa biểu của lớp", Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Xá cho hay.

Mạnh Đoàn