Trăn trở của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng trước thềm năm học mới

16/08/2023 06:28
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước thềm năm học mới, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng mong muốn các cấp quản lý, các nhà trường, hiệu trưởng dám đổi mới, dám thay đổi và dám chuyển đổi.

Trong buổi lễ tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 tổ chức vào ngày 14/8, ông Bùi Văn Kiệm – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã gửi gắm tới tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cũng như nhân dân những điều trăn trở về khó khăn hiện tại của ngành giáo dục và đào tạo thành phố Cảng.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Kiệm đã chỉ ra 3 vấn đề hiện nay của ngành giáo dục và đào tạo Hải Phòng.

Thứ nhất, về các nhân tố quyết định và ảnh hưởng đến tình hình và kết quả của giáo dục và đào tạo thành phố:

Chúng ta cần nhận thấy nhân tố đầu tiên là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng và các cấp uỷ, chính quyền, đặc biệt là sự phối hợp vô điều kiện của các ngành, các cấp, các đơn vị từ thành phố đến cơ sở đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của thành phố Hải Phòng.

Nhân tố thứ hai là sự nỗ lực khắc phục những khó khăn, thiếu thốn, những áp lực của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng bày tỏ những tâm tư, suy nghĩ trước thềm năm học mới (Ảnh: ĐT)

Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng bày tỏ những tâm tư, suy nghĩ trước thềm năm học mới (Ảnh: ĐT)

Nhân đây, thông qua các hiệu trưởng có mặt tại hội trường, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo xin được gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc nhất tới đội ngũ giáo viên, nhân viên đang công tác, dạy và học tại các cơ sở giáo dục trên toàn thành phố.

Nhân tố thứ ba là sự đồng thuận, tin tưởng mà nhân dân, cha mẹ học sinh toàn thành phố đã gửi gắm cho ngành giáo dục và đào tạo, cho các thầy, các cô.

Ba nhân tố trên chưa phải là hết nhưng nó có thể là nguyên nhân của kết quả, cũng có thể là những nhân tố ảnh hưởng đến kết quả giáo dục và đào tạo của mỗi nhà trường đến toàn thành phố.

Thứ hai, về những cái được và chưa được của giáo dục và đào tạo Hải Phòng trong năm học vừa qua.

Thông qua những báo cáo, chúng ta có thể nhận định khái quát rằng những thành công, thành tích là chủ yếu của giáo dục và đào tạo Hải Phòng trong năm học 2022-2023.

Điều này được minh chứng qua những chỉ số về quy mô, chất lượng giáo dục, cũng như là vị thế mà Hải Phòng đã có từ nhiều thập kỷ nay.

Nói như vậy để thấy rằng, thành tích của chúng ta là thành tích phải có, vốn có chứ không phải điều gì mới mẻ. Ví dụ như học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi quốc tế hay thứ hạng trong các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Bởi vậy, chúng ta không nên quá vui hay ảo tưởng về những thành tích này mà quên đi những điều căn cốt nhất của giáo dục và đào tạo. Bên cạnh những kết quả đạt được là chủ yếu, chúng ta cần phải thấy rằng, ngành giáo dục còn thiếu rất nhiều điều.

Cái thiếu đầu tiên thể hiện rõ nhất là chúng ta còn thiếu đất, thiếu tiền và thiếu người. Những cái thiếu này chưa đáng lo lắm hoặc chưa đáng lo ngay từ bây giờ bởi vì Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố và các cấp uỷ, chính quyền, lãnh đạo các quận, huyện đều hết sức trăn trở, quan tâm nhưng với điều kiện, nguồn lực hiện nay chưa thể đáp ứng được mà thôi.

Chúng ta còn thiếu sự đồng đều, cân bằng giữa các khu vực, lĩnh vực trong giáo dục và đào tạo phải kể đến là có sự chênh lệch về chất lượng giáo dục và đào tạo giữa nội thành với ngoại thành, giữa các cấp học.

Ví dụ như: những khó khăn của ngành học giáo dục thường xuyên hiện nay đang là vấn đề đáng kêu cứu; còn có sự chênh lệch về điều kiện giữa giáo dục công lập và giáo dục tư thục.

Bên cạnh đó, giáo dục thành phố chúng ta còn thiếu những mô hình trường học, lớp học hiện đại, chất lượng cao. Nói cách khác, độ mở của giáo dục Hải Phòng chưa đủ mạnh, nhất là chúng ta còn thiếu những cơ sở giáo dục tư thục thực sự có chất lượng.

Có thể nói đây là một điều bất lợi đối với giáo dục Hải Phòng nhưng bất lợi này cũng có thể trở thành lợi thế mà chúng ta gọi là lợi thế của người đi sau.

Điều thiếu tiếp theo là thiếu niềm tin của xã hội, của nhân dân đối với giáo dục và đào tạo; thiếu niềm tin ngay chính trong nội bộ ngành của chúng ta. Đâu đó trong nội bộ, chúng ta còn thiếu niềm tin vào cấp trên, niềm tin lẫn nhau và niềm tin vào Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tôi rất đồng lòng với ý kiến tham luận của Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền đã nhắc lại lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bởi thế, ngay trong chính nội bộ của chúng ta phải tự củng cố niềm tin cho bản thân mình và giữa chúng ta với nhau.

Một cái thiếu nữa đó là sự mạnh mẽ trong đổi mới trong chính đội ngũ và trong chính nội bộ ngành của chúng ta, rất mong các hiệu trưởng hãy lưu ý đến việc thiếu sự mạnh mẽ đổi mới trong chính chúng ta.

Thứ ba, trước những cái thiếu và nền tảng giáo dục như hiện nay, trước thềm năm học mới, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo mong muốn và yêu cầu điều gì?

Đầu tiên, chúng tôi mong muốn các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường và các hiệu trưởng cần phải dám đổi mới, dám thay đổi và đặc biệt dám chuyển đổi.

Thực tế, quản lý ngành trong 2 năm vừa qua, điều chúng tôi nghi ngại nhất là tình trạng không dám chuyển đổi. Đặc biệt, chúng ta cần tránh làm việc ở trạng thái giữ an toàn và không dám chịu trách nhiệm trước hết từ đội ngũ hiệu trưởng.

Tiếp đó, chúng tôi mong muốn cấp uỷ, chính quyền, các sở, ban, ngành, đơn vị từ thành phố đến cơ sở quan tâm đến những kiến nghị, thiếu thốn của ngành giáo dục và đào tạo, từ đó sẽ có những hành động cụ thể hơn đối với giáo dục.

Thay mặt toàn ngành giáo dục và đào tạo, chúng tôi bày tỏ mong muốn phụ huynh và nhân dân thành phố hãy nhìn vào những điều tốt đẹp của giáo dục và đào tạo để có niềm tin hơn, ủng hộ ngành hơn để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình!

LÃ TIẾN