Trải nghiệm "Tiết học biên cương" do thầy giáo mang quân hàm xanh đứng lớp

20/03/2023 06:46
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do đặc thù là thành phố biên giới, các cơ sở giáo dục ở TP Móng Cái (Quảng Ninh) tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm gắn với đặc thù vùng miền.

Hoạt động trải nghiệm gắn với đặc thù vùng miền

Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục hướng tới tăng cường tổ chức hoạt động trải nghiệm giúp học sinh vừa được học, vừa được trải nghiệm và lồng ghép việc định hướng nghề nghiệp.

Tại thành phố Móng Cái, xuất phát từ đặc thù là thành phố biên giới có đường biên với nước bạn Trung Quốc, công tác quốc phòng, an ninh tại đây hết sức được chú trọng quan tâm.

Theo đó, việc giáo dục, tăng cường ý thức về đặc thù vùng miền, điều kiện thực tế của địa phương thông qua hoạt động trải nghiệm đã và đang được cơ sở giáo dục tại thành phố Móng Cái đẩy mạnh.

Từ đầu năm 2023, Đồn Biên phòng Trà Cổ (thành phố Móng Cái) cũng đã phối hợp với các trường học trên địa bàn xây dựng kế hoạch và triển khai các buổi học ngoại khoá “Tiết học biên cương” để học sinh được trải nghiệm thực tế, hình thành ý thức bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Để tìm hiểu thêm về “Tiết học biên cương” tại thành phố Móng Cái, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với thầy Vũ Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trà Cổ và được biết, nhiều năm nay, nhà trường luôn phối hợp với Đồn Biên phòng Trà Cổ (Bộ đội biên phòng Quảng Ninh) tổ chức “Tiết học biên cương”.

Tiết học biên cương của học sinh Trường Trung học cơ sở Trà Cổ (Ảnh: NTCC)

Tiết học biên cương của học sinh Trường Trung học cơ sở Trà Cổ (Ảnh: NTCC)

“Đây là một trong những hoạt động trải nghiệm được tổ chức thường niên giúp giáo dục về truyền thống, chủ quyền biên giới biển đảo cho học sinh đồng thời kết hợp với hướng nghiệp cho học sinh lớp 8, lớp 9.

Tham gia hoạt động trải nghiệm cùng các chú bộ đội biên phòng, học sinh sẽ được trang bị kiến thức về pháp luật, về vùng lãnh thổ của Việt Nam để từ đó có ý thức bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia như trau dồi tình yêu quê hương đất nước.

Đây sẽ là hành trang cho học sinh khi tham gia lao động sau này. Khi ở nhà, các em cũng có thể tuyên truyền những kiến thức này cho gia đình, nhất là những phụ huynh đang sinh sống bằng nghề đánh bắt trên biển” Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm.

Giáo án cho tiết học sẽ do các "thầy giáo quân hàm xanh” của Đồn Biên phòng Trà Cổ chuẩn bị, phù hợp với từng độ tuổi của các em học sinh, đã giúp cho những hoạt động trải nghiệm trở nên sinh động, hiệu quả.

Qua đó, đã giúp các em học sinh trên địa bàn biên giới nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu hơn về đường biên, cột mốc biên giới.

Từ đó, xác định được trách nhiệm của bản thân và cộng đồng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Một ngày trải nghiệm “Tiết học biên cương” của học sinh diễn ra như thế nào?

Trong ngày 15/3 vừa qua, giáo viên, học sinh của Trường Trung học cơ sở Trà Cổ đã tham gia trải nghiệm trực tiếp tại Đồn Biên phòng Trà Cổ.

Cô giáo Phạm Thu Hương – giáo viên Tổng phụ trách Trường Trung học cơ sở Trà Cổ cho biết, do đặc thù địa phương có đường biên giới nên hàng năm, nhà trường sẽ phối hợp với Đồn Biên phòng tổ chức các hoạt động như các cán bộ biên phòng sẽ tới tận trường tuyên truyền, phổ cập kiến thức pháp luật cho học sinh hay tổ chức “Tiết học biên cương”.

Học sinh các khối 6, 7, 8, 9 sẽ được luân phiên trải nghiệm các hoạt động phối hợp Đồn Biên phòng như tiết học biên cương, dọn dẹp bãi biển, tặng tranh cho các chú bộ đội mỗi dịp Tết Nguyên đán.

Học sinh nhà trường được giới thiệu, thăm quan trực tiếp các cột mốc quan trọng đánh dấu chủ quyền của đất nước; tìm hiểu về công việc, cuộc sống hằng ngày của các chú bộ đội biên phòng (Ảnh: NTCC)

Học sinh nhà trường được giới thiệu, thăm quan trực tiếp các cột mốc quan trọng đánh dấu chủ quyền của đất nước; tìm hiểu về công việc, cuộc sống hằng ngày của các chú bộ đội biên phòng (Ảnh: NTCC)

"Buổi sáng, học sinh sẽ tập trung tại trường sau đó di chuyển lên chốt Đồn Biên phòng số 3. Giáo viên và học sinh cũng được các cán bộ Đồn Biên phòng Trà Cổ tuyên truyền, giới thiệu về truyền thống lịch sử Bộ đội Biên phòng, Luật Biên phòng Việt Nam, lịch sử cột mốc 1378 tại khu vực Đài Quan sát Tràng Vĩ (phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái).

Bên cạnh đó, học sinh còn được quan sát trực tiếp các cán bộ Đồn Biên phòng Trà Cổ vừa làm nhiệm vụ bảo vệ 12,4 km đường biên giới, vừa đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn 2 phường Trà Cổ, Bình Ngọc (thành phố Móng Cái).

Học sinh sẽ được xem tận mắt cột mốc, được tham quan đài quan sát, trải nghiệm quan sát bằng ống nhòm để hiểu được công việc hằng ngày của các chú bộ đội biên phòng.

Trong tiết học, “Cột mốc lòng dân” - vai trò đồng hành của người dân với đơn vị đồn biên phòng cũng được nhấn mạnh.

Thực tế, nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới, đảm bảo an ninh trật tự tuy nặng nề nhưng đồng hành cùng với lực lượng biên phòng còn có sự đồng hành những người dân nơi đơn vị đóng quân.

“Cột mốc lòng dân” ở đây chính là sức mạnh, động lực giúp bộ đội biên phòng Trà Cổ luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia nơi địa đầu Tổ quốc” cô giáo Hương cho biết thêm.

Chia sẻ cảm xúc khi tham gia “Tiết học biên cương”, em Đỗ Thuỳ Dương – học sinh lớp 8A, Trường Trung học cơ sở Trà Cổ cho biết: “Đây là cơ hội đặc biệt để em và các bạn được trực tiếp thấy công việc hằng ngày của các chú bộ đội biên phòng.

Chúng em còn được tới thăm nơi các chú bộ đội sinh hoạt, nuôi ngựa, nuôi cá hay được thử gấp chăn nữa. Mọi câu hỏi của chúng em đều được các chú bộ đội kiên nhẫn trả lời.

Không chỉ vậy, dù là người địa phương nhưng không phải bạn nào cũng có cơ hội được lên cột mốc hay được lên dùng ống nhòm quan sát khu vực biên giới nên chúng em rất háo hức mỗi khi được đi trải nghiệm cùng các chú bộ đội biên phòng”.

Phạm Linh