TPHCM: Thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số ở tiểu học, HS có phải đóng góp?

18/03/2024 06:39
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh của 44 trường tiểu học trên địa bàn ngay trong học kỳ 2.

Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở sẽ triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh ở bậc tiểu học ngay trong học kỳ 2 năm học 2023 – 2024.

44 trường triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số

Cụ thể: Mỗi quận, huyện sẽ có 2 trường tiểu học (tổng cộng có 44 trường) tham gia thí điểm thực hiện giáo dục kỹ năng công dân số, tiến đến năm học 2024 – 2025 thì 100% trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai.

Cũng theo ông Nguyễn Bảo Quốc, tăng cường giáo dục kỹ năng công dân số vào chương trình giảng dạy là thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục tiểu học, và cũng là mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để hình thành các kỹ năng cần thiết cho công dân số.

Giáo dục kỹ năng số cho học sinh tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt, do đây là độ tuổi mà các em đang bắt đầu khám phá, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

“Việc giúp học sinh có được các kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách an toàn và đúng cách sẽ giúp các em tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến, đồng thời giúp các em phát triển tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số” – ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết.

gdvn-nbkhiem.jpg
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1), là một trong 44 trường áp dụng thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số (ảnh minh họa: V.D)

Nội dung triển khai giáo dục kỹ năng công dân số gồm 3 phần:

Dạy môn Tin học thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Môn Tin học ở tiểu học được phân bổ thời lượng 35 tiết/năm học. Căn cứ vào điều kiện cụ thể về giáo viên, cơ sở vật chất và kế hoạch giáo dục của nhà trường, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục môn Tin học bảo đảm thực hiện đúng, đủ thời lượng yêu cầu của chương trình.

Mỗi bài học Tin học thiết kế tổ chức dạy học theo tiết (từ 1 đến 2 tiết) bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình. Yêu cầu cần đạt là cơ sở để xác định mục tiêu, các hoạt động và là căn cứ để tổ chức kiểm tra đánh giá.

Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học môn Tin học cụ thể, phù hợp với điều kiện nhà trường, và bảo đảm có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo yêu cầu của chương trình, có giải pháp, phương án sử dụng, bố trí, phân công giáo viên linh hoạt, phù hợp.

Giáo dục kỹ năng công dân số tích hợp trong dạy học các môn ở tiểu học: Giáo viên có nhiệm vụ nghiên cứu chương trình các môn học, nội dung, phương pháp tích hợp giáo dục kỹ năng công dân số để xác định nội dung, địa chỉ tích hợp cụ thể, xây dựng kế hoạch bài dạy bảo đảm mục tiêu, yêu cầu cần đạt của bài học, đồng thời tích hợp hiệu quả nội dung giáo dục kỹ năng công dân số, có chú trọng hình thức tích hợp nội môn, liên môn, có thể sử dụng hình thức bài học STEM, bảo đảm tiến trình bài học theo một trong hai tiến trình thiết kế kỹ thuật hay nghiên cứu khoa học.

Dạy học tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số: Thực hiện tăng cường, bổ sung thời lượng, nội dung giáo dục kỹ năng công dân số trong kế hoạch giáo dục nhà trường.

Trên cơ sở điều kiện thực tiễn, các trường xây dựng kế hoạch giáo dục tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số với nội dung và thời lượng phù hợp. Trong đó, đặc biệt chú ý tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh lớp 1,2 để thực hiện “Hình thành sớm các kỹ năng cần thiết cho công dân số”, tăng cường thời lượng và nội dung cho đối tượng học sinh lớp 3,4,5 theo từng chủ đề, mạch kiến thức.

Dạy học tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số được tổ chức theo bài học/tiết học trên quy mô, phạm vi lớp học của cơ sở giáo dục. Có thể dạy trải đều theo số tiết/tuần (1 đến 2 tiết/tuần), hoặc thành các chủ đề theo từng giai đoạn của năm học.

Tổ chức câu lạc bộ giáo dục kỹ năng công dân số: Là một hình thức tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số, nhưng có điểm khác biệt là là tổ chức theo nhu cầu, nguyện vọng của học sinh nên sẽ có học sinh đến từ nhiều lớp, nhiều độ tuổi có chung năng khiếu, sở trường và sở thích.

Nội dung là các chủ đề, nội dung, module kiến thức bảo đảm phù hợp với đối tượng đa dạng về trình độ của câu lạc bộ. Hình thức tổ chức câu lạc bộ này phải phù hợp, giúp học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng từ nhiều lĩnh vực (môn học, chủ đề, nội dung) để giải quyết tình huống, vấn đề có tính thực tiễn.

Học sinh không phải đóng tiền

Là một phụ huynh có con học tại 1 trong 44 trường tiểu học áp dụng thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số trong đợt này, chị Nguyễn Thị Bích Trâm (nhà ở Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, học sinh ở lứa tuổi này thường hay học hỏi rất nhanh, nhạy bén với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống hàng ngày. Nếu học sinh không được định hướng rõ ràng có thể sẽ vướng phải vào những rủi ro, nguy hiểm trực tuyến.

Do vậy mà việc giáo dục kỹ năng công dân số cần phải được thực hiện một cách bài bản, khoa học nhất, để các em học sinh hiểu được rằng, công nghệ thông tin và truyền thông sẽ giúp ích rất nhiều cho các em trong quá trình học tập, tìm kiếm tri thức.

Học sinh cần được học cách sử dụng, giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, cách ứng xử phù hợp trong môi trường số, ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập nhất là việc tự học và sáng tạo để làm ra những sản phẩm số.

Cô Lê Huỳnh Diễm Thúy – Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, Quận 8 (1 trong 44 trường tham gia thí điểm) cho hay, học sinh không phải đóng tiền gì thêm khi tham gia giáo dục kỹ năng công dân số.

Theo cô Lê Huỳnh Diễm Thúy, đây là việc tích hợp, ứng dụng công nghệ số hay phần mềm, ứng dụng vào việc giảng dạy ở các môn học, do chính các thầy cô giáo trong trường giảng dạy.

Cô Lê Huỳnh Diễm Thúy cho rằng, đây là một chương trình giáo dục của thành phố rất hay. Nếu học sinh ở lứa tuổi này được giáo dục kỹ năng công dân số một cách bài bản sẽ giúp cho các em tránh xa được những nguy hiểm trong thế giới trực tuyến.

Việt Dũng