Trước những diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19, lễ bế mạc cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2021 – 2022 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến và đã chọn ra 12 giải Nhất, 15 giải Nhì, 17 giải Ba, 27 giải Tư và 23 giải Triển vọng ở tất cả các lĩnh vực đăng ký dự thi.
Trong đó, dự án “Lò hun lá nón an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường” của hai em học sinh là Nguyễn Viết Trung (lớp 10 Sinh) và Lê Xuân Tùng (lớp 11C4) - Trường trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) thuộc lĩnh vực Kỹ thuật môi trường đã xuất sắc đạt giải Nhất cuộc thi.
Tìm hiểu về cơ duyên đưa Xuân Tùng và Viết Trung đến với hành trình nghiên cứu khoa học kĩ thuật, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam được biết xuất phát từ những điều rất đơn giản là tình yêu đối với quê hương. Hơn nữa, Xuân Tùng còn là người con của làng nghề làm nón lá Sai Nga (Cẩm Khê – Phú Thọ). Đây là làng nghề truyền thống của tỉnh Phú Thọ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thuộc loại hình thủ công truyền thống vào năm 2020.
Học sinh Nguyễn Viết Trung (lớp 10 Sinh) và Lê Xuân Tùng (lớp 11C4) - Trường trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ)- Ảnh: NTCC |
Chính vì lẽ đó, ngay từ nhỏ, các em đã được gắn bó và nhìn ngắm quy trình của việc làm ra một chiếc nón. Tình yêu đối với quê hương, với làng nghề cũng theo đó mà lớn dần.
Đây cũng là lý do, động lực to lớn nhất giúp hai cậu học sinh này thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học kĩ thuật của mình.
Nói thêm về lý do khiến các em lựa chọn đề này này để nghiên cứu, Xuân Tùng và Viết Trung cho biết: “Ngoài động lực to lớn nhất là tình yêu đối với làng nghề truyền thống của quê hương, chúng em đã được chứng kiến quy trình hun lá nón.
Từ đó, chúng em nhận thấy một số điểm hạn chế của quá trình này khi sử dụng những chiếc lò hun truyền thống hiện tại là: năng suất thấp, chất lượng chưa đảm bảo, khí SO2 khi thải ra môi trường cao nên rất độc hại, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động…”.
Vì vậy, bằng những kiến thức đã được học trên trường lớp, được sự hướng dẫn của thầy cô và sự giúp đỡ của các bác thợ thủ công làng nghề, hai em học sinh trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương đã cùng nhau cải thiện dự án “Lò hun lá nón an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường”.
Tuy nhiên, với một cuộc thi mang tính đặc thù như nghiên cứu khoa học kĩ thuật, lại diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài, chắc chắn hai bạn học sinh này sẽ gặp phải không ít khó khăn.
Chia sẻ với phóng viên về những khó khăn này, Viết Trung cho biết: “Hiện tại cả em và anh Tùng đều đang là học sinh cấp 3, vì vậy trong quá trình nghiên cứu dự án chúng em cũng gặp phải rất nhiều khó khăn.
Làng nghề làm nón lá Sai Nga (Cẩm Khê – Phú Thọ)- Ảnh: NTCC |
Trước hết, là việc sắp xếp, cân đối giữa thời gian học tập và nghiên cứu. Tiếp đó, vì là học sinh nên chúng em cũng gặp khó khăn về mặt kinh phí trong việc mua các thiết bị hỗ trợ dự án. Đặc biệt, về mặt kiến thức, kinh nghiệm của chúng em cũng còn nhiều hạn chế, vì vậy càng cần đến sự trợ giúp của thầy/cô hướng dẫn và kinh nghiệm thực tiễn của các bác thợ thủ công làng nghề.
Ngoài ra, do tình hình của dịch bệnh Covid – 19, tụi em phải làm việc online khá nhiều nên đôi lúc cũng gặp phải tình trạng bất đồng quan điểm do không hiểu nhau cũng không tránh khỏi; việc đi khảo sát thực nghiệm ở làng nghề cũng cần phải hạn chế hơn trước”.
Dù phải trải qua nhiều lần thử nghiệm thất bại, nhưng bằng tình yêu đối với làng nghề truyền thống, muốn có những thay đổi để quê hương trở nên tốt đẹp hơn, Trung và Tùng đã không ngừng cố gắng, khổ luyện nhiều ngày. Đồng hành cùng các em luôn có sự giúp đỡ của gia đình, Nhà trường và đặc biệt là thầy giáo hướng dẫn cùng các bác thợ thủ công làng nghề.
Dành thời gian kể về niềm vui này, thầy Nguyễn Duy Khánh – giáo viên hướng dẫn đội thi trường trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương chia sẻ: “Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những sự thay đổi trong phương thức đánh giá các đề tài, đề cao những dự án mang nhiều màu sắc của học sinh. Vì vậy, các em phải nỗ lực rất lớn.
Từ một ý tưởng rất đơn giản mang màu sắc quê hương Phú Thọ, Tùng và Trung đã vận dụng những kiến thức mình có để đưa vào nghiên cứu. Trong suốt hành trình nghiên cứu, các em luôn chủ động, nhiệt huyết và trực tiếp thử nghiệm trong từng công đoạn.
Hai bạn học sinh tuy có tính cách khác nhau, nhưng khi làm việc lại rất biết cách phối hợp, phân chia công việc theo điểm mạnh, điểm yếu của mỗi người. Đặc biệt, các bạn luôn mạnh dạn chia sẻ ý kiến, quan điểm của mình và có sự phản biện để hoàn thiện dự án. Vì thế, đề tài của các em có tính thực tế, ứng dụng cao, phù hợp với đối tượng là học sinh, nhưng vẫn có đầy đủ các tiêu chuẩn của một dự án chuyên nghiệp”.
Với dự án Khoa học kỹ thuật này, sẽ hoàn toàn xử lý được khí SO2 trong quá trình hun lá nón, nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề truyền thống hiện nay. Hơn nữa, so với lò hun nón lá truyền thống, chiếc lò hun lá nón mới này sẽ giúp tiết kiệm một nửa thời gian (giảm từ 12 – 13 tiếng xuống còn 6 – 7 tiếng), chất lượng lá nón sẽ đồng đều, sáng bóng hơn so với bình thường (tăng lên gần 30% so với ban đầu).
Chưa kể, việc đưa mô hình lò hun nón lá mới này ứng dụng sản xuất hàng loạt vào thực tiễn sẽ giúp giảm thời gian lao động của thợ thủ công, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân làng nghề bằng việc kiếm thêm thu nhập từ việc bán các dụng cụ thiết bị. Không chỉ ứng dụng trong việc làm nón, dự án “Lò hun lá nón an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường” của hai em học sinh là Nguyễn Viết Trung và Lê Xuân Tùng còn có thể áp dụng để thiết kế các mô hình khác liên quan đến việc tẩy trắng và loại trừ khí SO2.
Thành tích là giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2021 – 2022 là một phần thưởng xứng đáng dành cho sự cố gắng khổ luyện của hai nam sinh trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương này. Ước mơ không chỉ dừng lại ở đây, trong thời gian tới, Tùng và Trung vẫn xác định cho mình việc học tập vẫn là mục tiêu số một, bên cạnh đó, bằng tình yêu và mong muốn giúp đỡ cho quê hương, cho làng nghề truyền thống của mình, hai em sẽ cố gắng tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời thật nhiều dự án mới hữu ích.