Ở Việt Nam đang lẫn lộn nhiều thứ trong đào tạo bậc cao đẳng!

06/03/2021 06:33
Thanh Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Điều tôi muốn nói là ở Việt Nam đã và đang có sự lẫn lộn trong công nhận giữa trình độ đào tạo với chức danh của người được đào tạo khi ra trường".

LTS: Để có nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đáp ứng các yêu cầu của hội nhập quốc tế, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam dành cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam một cuộc trao đổi xung quanh việc đào tạo bậc cao đẳng để đưa ra lời cảnh báo.

Phóng viên: Thưa ông, theo thông lệ quốc tế thì cao đẳng là loại hình đào tạo gì? Đứng ở vị trí nào trong hệ thống giáo dục?

Tiên sĩ Lê Viết Khuyến: Theo thông lệ chung hiện nay để đáp ứng hội nhập quốc tế các nước cần tuân theo “Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED -2011” do UNESCO ban hành năm 2011, có hiệu lực trên toàn thế giới từ 2014, cho tất cả thành viên UNESCO, trong đó có Việt Nam, để xác định trình độ của các chương trình giáo dục và đào tạo cụ thể.

Dựa vào tài liệu này ta có thể xác định được các chương trình giáo dục của quốc gia này, quốc gia kia có tương đương với nhau hay không? Có phù hợp với thông lệ quốc tế hay không?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (ảnh: Tùng Dương)

Theo đó, ISCED 2011 được chia thành 9 cấp độ, cụ thể:

Cấp độ 0 là cho giáo dục mầm non.

Cấp độ 1 cho tiểu học.

Cấp độ 2 cho trung học bậc thấp, tách ra theo hai luồng là trung học cơ sở dành cho giáo dục phổ thông và một luồng theo hướng dạy nghề được gọi là sơ học nghề.

Cấp độ 3 cho trung học bậc cao (bên giáo dục phổ thông là trung học phổ thông, còn nhánh theo hướng nghề là trung học nghề).

Cấp độ 4 cho giáo dục sau trung học, nhưng chưa phải đại học.

Cấp độ 5 cho cao đẳng.

Cấp độ 6 cho trình độ cử nhân và tương đương.

Cấp độ 7 cho thạc sĩ.

Cấp độ 8 cho tiến sĩ.

Cũng theo ISCED-2011, các cấp độ 2,3 thuộc về bậc Giáo dục trung học, các cấp độ 5,6,7 và 8 thuộc về bậc Giáo dục đại học. Không có khái niệm “Bậc Giáo dục nghề nghiệp” như ở Việt Nam.

Căn cứ bảng trên có thể thấy các chương trình thuộc hệ cao đẳng – cấp độ đầu tiên của giáo dục đại học- đều thuộc cấp độ 5 theo ISCED-2011 và thường được thiết kế nhằm cung cấp cho nguời học các kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên nghiệp.

Thông thường, những chương trình này có các nội dung định hướng thực hành, gắn với đặc thù nghề nghiệp và chuẩn bị cho người học bước vào thị trường lao động.

Tuy nhiên, những chương trình này cũng mở ra con đường chuyển tiếp lên các chương trình giáo dục đại học khác (các cấp độ 6, 7 và 8). Để vào học các chương trình này đòi hỏi người học bắt buộc phải hoàn thành cấp độ 3 (trung học phổ thông hoặc tương đương).

Các chương trình thuộc cấp độ 5 còn có nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn: chương trình đào tạo thợ cả, hệ cao đẳng, hệ tú tài +2, giáo dục kỹ thuật cấp cao, cao đẳng cộng đồng, hệ đào tạo kỹ thuật kỹ thuật viên hoặc dạy nghề bậc cao…

Cần lưu ý, mỗi cấp độ có các tiêu chí đánh giá bằng số năm học tích lũy, cấu trúc nội dung chương trình, hướng liên thông, …Ngoài ra phải hoàn thành đầy đủ tất cả các tiêu chí trên thì người học mới được cấp văn bằng tương ứng với cấp độ (thí dụ, bằng trung học phổ thông bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, bằng cử nhân,...); còn nếu chỉ hoàn thành một phần các tiêu chí thì trong trường hợp đó người học thường chỉ được cấp các chứng chỉ/bằng nghề nghiệp (thí dụ : bằng trung cấp y, bằng giáo viên THCS 10+3, bằng cao cấp ngân hàng, bằng kỹ thuật viên cao cấp,...). Ở Việt Nam hiện đang còn lẫn lộn quy định này.

Phóng viên: Xin ông nói thêm về sự lẫn lộn đó?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Nhìn theo chiều dài lịch sử của giáo dục đào tạo Việt Nam có thể thấy thường có sự lẫn lộn giữa các cấp độ đào tạo khác nhau.

Chẳng hạn các trường có thể đào tạo ở cấp độ này, cấp độ khác (thí dụ: sơ học, trung học, cao đẳng, đại học,…) nhưng tên chương trình lại hay được gọi theo chức danh của đối tượng đào tạo (thợ cả, kỹ thuật viên, sơ cấp, trung cấp, cao cấp, …).

Ví dụ, chúng ta đã từng có hệ trung cấp y có thể tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở để học trong thời gian 3 năm để đạt cấp độ 3, cũng có thể tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (cấp độ 3) nhưng cũng yêu cầu thời lượng học kéo dài 3 năm. Điều này cho thấy, trình độ học vấn của người tốt nghiệp của hai đối tượng hoàn toàn khác nhau lẽ ra phải thuộc về các cấp độ khác nhau nhưng trước đây đều gọi chung là trung cấp.

Trong ngành sư phạm, trước khi có Luật Giáo dục năm 2019 thì trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học là trung cấp sư phạm, trình độ chuẩn của giáo viên trung học cơ sở là cao đẳng sư phạm còn trình độ chuẩn của giáo viên trung học phổ thông là đại học sư phạm. Đến khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thì quy định trình độ chuẩn giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều là cử nhân.

Hay trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trước đây đòi hỏi trình độ chuẩn của kỹ thuật viên là trình độ trung học nhưng khoảng 10 năm trở lại đây một số ngành nghề đã nâng nâng chuẩn trình độ đào tạo kỹ thuật viên của mình lên cao đẳng.

Rõ ràng, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo cho các chức danh nhân lực lao động cụ thể là cần thiết và phụ thuộc vào trình độ phát triển của khoa học công nghệ và sự phát triển của xã hội và phải được khẳng định tại các văn bản Nhà nước.

Không nhất thiết mỗi loại nhân lực cụ thể chỉ gắn với một trình độ đào tạo mà hoàn toàn có thể gắn với những trình độ đào tạo khác nhau. Do đó không được phép nhầm lẫn để đi tới đồng nhất trong cách gọi giữa trình độ đào tạo với chức danh của nhân lực được đào tạo.

Điều tôi muốn nói là ở Việt Nam đã và đang có sự lẫn lộn trong công nhận giữa trình độ đào tạo với chức danh của người được đào tạo khi ra trường, chính vì vậy dẫn tới cách xây dựng chương trình cũng như cách gọi tên bằng tốt nghiệp không thật chính xác, thậm chí còn phạm những sai phạm rất nghiêm trọng.

Phóng viên: Hậu quả của sự lẫn lộn này có ảnh hưởng đến cơ cấu nhân lực để phát triển đất nước hay không, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Như tôi đã nói, để đào tạo ra một loại chức danh nhân lực cụ thể nào đó thì có thể trước đây đòi hỏi chỉ đào tạo trình độ trung học nhưng hiện nay do nhu cầu phát triển của xã hội, khoa học công nghệ buộc phải nâng lên trình độ cao đẳng.

Rõ ràng, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo này là cần thiết nhưng khi triển khai nâng cấp các trường ở Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở đào tạo thường mắc phải hai sai lầm nghiêm trọng:

Thứ nhất, khi nâng chuẩn trình độ đào tạo lên mà vẫn giữ nguyên tên gọi cũ của cơ sở đào tạo thì sẽ gây thiệt hại cho người học.

Thí dụ, đáng lẽ, người học chương trình đó phải được công nhận đạt cấp độ cao đẳng nhưng nếu vẫn học trong các trường trung cấp thì mọi người vẫn mặc định người đó vẫn tốt nghiệp hệ trung học chứ không phải hệ cao đẳng.

Ngược lại, khi trình độ người lao động chỉ là trung học nghề nhưng nếu cơ quan quản lý lại ồ ạt nâng các trường trung cấp nghề lên thành cao đẳng trong khi chương trình vẫn không thay đổi theo chuẩn thì sẽ dẫn tới tình trạng thí dụ như “tốt nghiệp trung học cơ sở, học 3 năm sẽ có bằng cao đẳng”.

Đây là hiện tượng chạy đua theo danh ảo để rồi tạo ra nguồn lực không tương xứng với trình độ đào tạo, không phù hợp với thông lệ chung của thế giới và hậu quả là nguồn nhân lực của ta sẽ không được thế giới công nhận.

Do đó cần phải làm rõ, khi nâng trình độ học vấn của chương trình đào tạo thì cần song song thực hiện nâng đẳng cấp của trường, cấp độ đào tạo lên để bằng tốt nghiệp phù hợp với trình độ đào tạo. Còn nếu chỉ cố gắng chạy theo “mốt” lên cao đẳng để “câu kéo” người học nhưng không đảm bảo thời gian học và nội dung học thì đương nhiên sẽ đào tạo ra loại nhân lực rởm, gây tổn hại cho uy tín và chất lượng của nguồn nhân lực do chúng ta đào tạo ra.

Thứ hai, thời gian qua có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa Cao đẳng nghề với Cao đẳng chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo.

Cao đẳng nghề đào tạo nguồn lao động trực tiếp sản xuất nên chương trình có thể có tỷ lệ thời gian học lý thuyết – thực hành khoảng 30:70, nhưng cao đẳng chuyên nghiệp đào tạo ra các kỹ thuật viên thì đòi hỏi phải có tỷ lệ tương xứng giữa thời gian học lý thuyết và thực hành của người học chứ không phải giống như cao đẳng nghề.

Theo thông lệ chung (cả Việt Nam và thế giới) thì Giáo dục nghề đào tạo nhân lực trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tức là đào tạo thợ và nhân viên, trong khi Giáo dục chuyên nghiệp đào tạo chuyên gia (kỹ thuật viên, cán sự, giáo viên, kỹ sư, chuyên viên, bác sĩ, luật sư,..).

Việc nhầm lẫn mục tiêu đào tạo dẫn tới quy định hợp nhất giữa Giáo dục nghề với Giáo dục chuyên nghiệp để thành cái gọi là “Giáo dục nghề nghiệp” như chỉ đạo vừa qua của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp dẫn tới thủ tiêu nguồn nhân lực “kỹ thuật viên”, làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực cần cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông.

Thanh Sơn