Tiền lệ phí thu xét tốt nghiệp lớp 9 ở Na Loi được ăn chia thế nào?

17/06/2019 06:07
Phan Tuyết
(GDVN) - Chúng tôi thiết tha yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những sai phạm và xử lý thật nghiêm những người vi phạm để làm gương cho nhiều người khác
Học sinh Na Loi luôn thiếu thốn đang rất cần sự chung tay giúp đỡ thế này (Báo Nghệ An)
Học sinh Na Loi luôn thiếu thốn đang rất cần sự chung tay giúp đỡ thế này (Báo Nghệ An)

Na Loi, một trong những huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn nằm trong tốp nghèo nhất nước.

Đường sá đi lại khó khăn, những con đường đất lầy lội, lẫn trong sương mù chẳng có xe cộ nào đi nỗi, đặc biệt vào các mùa mưa bão.

Sinh sống nơi đây là đồng bào dân tộc ít người. Họ chủ yếu làm nương rẫy, cuộc sống thiên về tự cung, tự cấp.

Vì thế, việc học của trẻ em vùng này cũng gặp không ít khó khăn.

Để tiếp bước cho các em tiếp tục đến trường, nhiều chính sách ưu đãi về giáo dục của nhà nước đã dành cho người dân nơi đây.                             

Đó là việc hỗ trợ tiền ăn hàng tháng cho học sinh bán trú, nội trú trong nhà trường, mức hỗ trợ bằng 50% mức lương cơ bản.

Tiền lệ phí thu xét tốt nghiệp lớp 9 ở Na Loi được ăn chia thế nào? ảnh 2
Bất chấp quy định, trường học ở Kỳ Sơn thu tiền lệ phí xét tốt nghiệp rất cao

Đặc biệc đó là việc miễn giảm tiền đóng học phí, tiền xây dựng và nhiều khoản tiền lệ phí thi, xét tốt nghiệp…

Bất chấp những chính sách trợ giúp cho học sinh dân tộc vùng khó khăn, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An vẫn quyết “nặn” hầu bao của những phụ huynh nghèo, khốn khổ nơi đây.

Quyết định số 11/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 5/4/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở không có dòng nào đề cập đến kinh phí xét.

Thế nên, rất nhiều trường học ở nhiều địa phương trong cả nước ở những vùng kinh tế ổn định còn không thu học sinh một ngàn nào khi xét tốt nghiệp.

Thế mà, chính cái trường ở tận rẻo cao, nơi đời sống của người dân còn cực kỳ khó khăn, nơi học sinh đến lớp với mảnh áo phong phanh trong trời giá rét, với cái bao tử đôi khi trống rỗng, nơi còn cần khá nhiều sự trợ giúp của nhà nước, của nhiều nhà hảo tâm thì nhà trường lại thu tiền xét tốt nghiệp với mức đóng được xem là “khủng” nhất.

Lệ phí học sinh phải nộp lên đến 400 ngàn đồng/em (riêng học sinh thi vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh sẽ đóng 500 ngàn đồng).

Số tiền thu được phân chia thế nào?

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An hiện có 52 học sinh lớp 9 tốt nghiệp năm học 2018-2019.

Trong đó, có 6 học sinh thi vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú của tỉnh.

Nếu làm phép tính 46 em X 400.000đ =18.400.000đ

                                6 em X 500.000đ  =  3.000.000đ

Tổng cộng số tiền thu được: 21.400.000đ.

Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp lớp 9 của nhà trường gồm: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, 2 chủ nhiệm lớp 9, thư ký hội đồng và 2 giáo viên tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên và tổ trưởng tổ Khoa học xã hội.

Số tiền chi bồi dưỡng: 

-         600.000đ(nộp lệ phí cho học sinh đăng ký vào Trường Phổ trung Dân tộc nội trú của tỉnh).

-         Bồi dưỡng cho 2 giáo viên chủ nhiệm lớp 9 mỗi người 1.000.000đ tổng cộng là 2.000.000đ.

-         Bồi dưỡng cho thư ký hội đồng xét duyệt là 500.000đ.

Một số giáo viên nơi đây cho chúng tôi biết, số tiền còn lại gần 20.000.000đ không biết đi đâu?

Giáo viên cũng bất bình nhưng không dám có ý kiến vì sợ bị trù dập.

Giáo viên chủ nhiệm, người trực tiếp thu tiền của học sinh khi chúng tôi hỏi:

“Miền xuôi còn chưa thu tới mức phí ấy, đây là học sinh vùng dân tộc nghèo khổ nhưng thu cao như thế, các thầy cô không thấy là sai à?”.

Tố cáo Hiệu trưởng tiêu cực, Hiệu phó bị khởi tố vì đồng phạm, giúp sức

Họ chỉ biết trả lời:“Chúng tôi thu theo lệnh của hiệu trưởng!”.

Cuộc gọi lúc nửa đêm

Sau khi nhận phản ánh của một số phụ huynh về việc phải đóng một khoản tiền lớn con họ mới được xét công nhận tốt nghiệp lớp 9.

Chúng tôi liên lạc trực tiếp với Hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyễn Thế Hiền đã khẳng định sự việc không có rồi vội vàng cúp máy.

Thế nhưng, ngay khuya hôm ấy, người viết bài đã nhận được một cuộc điện thoại.

Người đầu dây giới thiệu mình chính là Nguyễn Thế Hiền Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An.

Thầy Hiền yêu cầu được gặp chúng tôi để nói chuyện và nói mình đang có mặt tại Hà Nội.

Tuy nhiên, chúng tôi từ chối. Trong điện thoại, thầy Hiền thừa nhận việc mình làm sai và mong muốn được bỏ qua vì đã có 37 năm cống hiến cho giáo dục vùng cao, cũng chỉ vài năm nữa là nghỉ hưu mong được an toàn.

Không phải vì thế mà có thể bỏ qua chuyện này, bởi chúng tôi được biết không chỉ mình Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi tự đặt ra mức thu khủng đối với phụ huynh vùng này.

Vẫn còn một số trường bất chấp quy định, bất chấp đạo lý để bòn rút từng miếng ăn của những đứa trẻ dân tộc nghèo, khốn khổ.

Chúng tôi thiết tha yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ những sai phạm của một số trường học nơi đây và xử lý thật nghiêm những người vi phạm để làm gương cho nhiều người khác.

Phan Tuyết