Sai phạm của cựu Bí thư Bình Dương cho thấy bất ổn trong kiểm soát quyền lực

12/07/2021 09:45
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Lưu Bình Nhưỡng: "Quy trình tuyển dụng có hệ thống chặt chẽ từ trên xuống dưới, nhưng chỉ cần một sơ hở, cẩu thả sẽ dẫn đến nhiều sai phạm".

Những năm gần đây, tình trạng tha hóa quyền lực trở thành một trong những vấn đề nhức nhối, nóng bỏng, ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy nhà nước, đời sống, kinh tế - xã hội và tổn hại đến uy tín của Đảng với quần chúng, nhân dân.

Vẫn còn không ít trường hợp cán bộ mắc vào vòng xoáy quyền lực, cám dỗ của chức tước, của đồng tiền, nhận thức không đúng đắn về quyền lực, vượt quá giới hạn để xảy ra sai phạm, tham nhũng, dẫn đến vướng mắc vào vòng lao lý.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: "Đã có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề nhân sự quốc gia và bản thân Chính phủ cũng có đề án để thu hút, trọng dụng nhân tài.

Đảng cũng có nhiều nghị quyết để chúng ta xây dựng được một bộ máy trong sạch, vì nước, vì dân. Chúng ta có những quy định của Đảng, Nhà nước về xử lý các cán bộ có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, kể cả vấn đề cán bộ cấp cao nhưng không gương mẫu.

Bên cạnh đó, chúng ta còn sở hữu một hệ thống các quy định đầy đủ từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khâu tổ chức thực hiện từ đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, phát triển… cán bộ ở nhiều nơi làm chưa tốt”.

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Cao Kim Anh.

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Cao Kim Anh.

Thí dụ gần nhất chính là trường hợp vi phạm của ông Trần Văn Nam - cựu Bí thư tỉnh ủy Bình Dương và nhiều thuộc cấp.

Theo đánh giá của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020 vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Tỉnh ủy; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức đảng và đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước tại Tổng Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2) thuộc Tỉnh ủy Bình Dương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát lớn ngân sách nhà nước.

Cá nhân ông Trần Văn Nam chịu trách nhiệm trực tiếp khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; thực hiện trái chủ trương về phương án sử dụng 43 ha đất tại Tổng Công ty 3/2; hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân; để Tổng Công ty 3/2 đưa 145 ha đất góp vốn vào Công ty Tân Thành trái pháp luật.

Tại hội nghị lần thứ 3 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, biểu quyết, quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Trần Văn Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.

Sai phạm của ông Trần Văn Nam và nhiều cán bộ cấp dưới tại Bình Dương khiến dư luận ngỡ ngàng, bởi vụ việc này có liên quan tới nhiều người, xảy ra suốt một thời gian dài nhưng tới nay mới bị phát hiện, xử lý. Phải chăng công tác tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và giám sát cán bộ đang có những vấn đề bất ổn?

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, việc quy hoạch cán bộ cần có sự nghiêm túc, quản lý chặt chẽ và phải có sự giám sát của nhân dân. Với một quy trình tuyển dụng có hệ thống chặt chẽ từ trên xuống dưới nhưng chỉ cần một sơ hở, cẩu thả sẽ dẫn đến nhiều sai phạm xảy ra.

Những vụ việc bị phát hiện gần đây, rất hiếm vụ việc nào chỉ một, hai cá nhân tham gia mà hầu hết là sai phạm có tổ chức, mang tính tập thể. Ngay cả sai phạm tại tỉnh Bình Dương được nêu ở trên cũng là một ví dụ điển hình cụ thể. Từ sai phạm đó, cần phải xem lại công tác kiểm soát quyền lực, mỗi năm các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra thế nào mà lại để sai phạm "chìm" lâu như vậy?

Phát hiện, xử lý sai phạm là điều rất cần thiết, nhằm ngăn chặn những cán bộ ấy tiếp tục vướng vào những sai phạm khác, gây thiệt hại cho nhà nước và ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức. Tuy nhiên, việc xử lý phải đảm bảo thật sự công bằng, không phân biệt bất kỳ cá nhân nào cũng là một một vấn đề hết sức quan trọng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng nhận định: “Chúng ta thường xử lý cán bộ và công khai khi ở vào tình huống cực chẳng đã, tức là khi sai phạm ấy đã quá rõ ràng rồi, còn không đối với những sai phạm nhỏ của cán bộ thì nhiều nơi bao che. Cũng chính vì vậy những cán bộ ấy không bị xử lý, rồi họ lại liên kết với nhau gây ra những sai phạm khác, khi phát hiện ra và xử lý thì họ đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo ở địa phương hoặc trong ngành, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Chúng ta chưa thật sự công khai, minh bạch, sự tham gia giám sát của người dân nói là như vậy nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả. Đó là còn chưa kể tới cơ chế bảo vệ người tố cáo, làm việc trong một tổ chức mà tố cáo lãnh đạo cấp trên thì liệu có an toàn không, có còn tồn tại nổi ở cơ quan ấy không... rất nhiều vấn đề cần phải được xem xét".

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, việc xử lý cán bộ và mức xử lý cũng cần có sự tương xứng, công bằng và minh bạch. Như vậy mới đem lại được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

“Đã có lần trước Quốc hội tôi đã phát biểu và nói với đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ là có những cán bộ thực hiện thanh tra, kiểm tra nhưng chỉ xử lý những vi phạm bằng khiển trách và cảnh cáo thì làm sao có tính răn đe. Sai phạm thì quá nhiều, hàng trăm tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, gây ra hậu quả lâu dài về sau thì phải xử lý nghiêm khắc hơn nữa mới đủ sức răn đe", ông Nhưỡng cho biết.

Ông Trần Văn Nam đã bị kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Ảnh: Vietnamplus.

Ông Trần Văn Nam đã bị kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Ảnh: Vietnamplus.

Ông Lưu Bình Nhưỡng nhớ lại có lần đã bày tỏ sự bức xúc khi nêu thí dụ trường hợp người dân ăn cắp quả trứng, cái bánh mỳ thì bị xử lý rất nặng nhưng cán bộ sai phạm thì xử lý chưa nghiêm. Cán bộ, nhân sự trong bộ máy nhà nước thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phải đủ tâm, đủ tầm, đạo đức, phẩm hạnh để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân.

“Điều nguy hiểm nhất không phải là không phát hiện được sai phạm mà là xử lý không nghiêm dẫn đến tình trạng nhờn luật, nhờn thuốc, người ta không sợ nên sẵn sàng tham nhũng, dễ dàng sai phạm”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Việc tuyển dụng cán bộ cấp dưới theo chế độ “lướt ván” của cấp trên cũng được ông Lưu Bình Nhưỡng chỉ ra.

Có rất nhiều trường hợp xảy ra ở địa phương đã bị phanh phui, đó là cán bộ được tuyển mộ, giao trọng trách vào những vị trí quan trọng, tuy nhiên chưa được bao lâu thì đã luân chuyển lên một chức vị cao hơn, thậm chí thời gian luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm được “tối giản”, “rút ngắn” mặc dù chưa có cống hiến gì đặc biệt, thậm chí không có thực lực.

Theo ông Nhưỡng, điều này đồng nghĩa với việc cấp trên tiếp tay cấp dưới, tiếp tay cho những cán bộ có ý định chạy chức, chạy quyền để vào những vị trí quan trọng. Đó là điều vô cùng nguy hiểm, bởi chính những cán bộ thiếu năng lực “chui sâu, leo cao” như thế là những “con mọt” làm mục ruỗng, nguy hại đến bộ máy nhà nước.

Điều đó cũng đặt ra vấn đề công tác kiểm tra, đánh giá cán bộ hàng năm đều được tổ chức, quy củ, đầy đủ, tuy nhiên chưa phát huy được hết công năng.

“Chúng ta chỉ đánh giá, rà soát qua loa, thực hiện không nghiêm túc và thiên nhiều về tính hình thức. Chính vì những cán bộ có thẩm quyền rà soát, thanh tra, kiểm tra làm chưa tốt mới dẫn đến việc xuê xoa cho nhau, bỏ qua sai phạm, không xử lý nghiêm túc. Lỗi nhỏ bỏ qua, lâu dần mới trở thành những lỗi lớn, gây hậu quả nghiêm trọng và có liên quan tới nhiều người", ông Nhưỡng nói.

Cao Kim Anh