Nếu cần phục vụ cho công việc, Hà Nội không nên cử cán bộ đi học TS, ThS

12/06/2022 06:26
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thời gian đào tạo tiến sĩ nhanh nhất cũng là 4 năm, thay vì đào tạo dàn trải, Hà Nội nên phối hợp mở lớp đào tạo đi sâu vào công việc thực tế.

Liên quan đến Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030", Hà Nội xác định tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm như quản lí phát triển đô thị, giáo dục, y tế... đồng thời cử cán bộ công chức viên chức đi đào tạo sau đại học trong và ngoài nước đối với những lĩnh vực trên đã nhận được sự quan tâm của dư luận.

Về Đề án trên, dư luận đặt ra câu hỏi về chức năng của đào tạo sau đại học thường dành cho công tác giảng dạy trong học viện, trường học, vậy liệu có phù hợp với công chức viên chức?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hữu Đức (nguyên giảng viên bộ môn Giao thông, khoa Đô thị, Trường Đại học kiến trúc Hà Nội) đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề này.

Tiến sĩ Phạm Hữu Đức. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Phạm Hữu Đức. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên: Dư luận đặt ra băn khoăn, tiến sĩ là trình độ đào tạo để phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy, còn cán bộ công chức chủ yếu thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý, quản trị lĩnh vực. Nếu công chức, viên chức được phân công đi học nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ thì rất cần thiết nhưng để học lên tiến sĩ có cần thiết không, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm Hữu Đức: Tôi đồng tình quan điểm trình độ đào tạo tiến sĩ để phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy, còn cán bộ công chức chủ yếu thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý, quản trị lĩnh vực.

Theo tôi, nếu thành phố thấy cần đội hình lãnh đạo có học vị tiến sĩ để làm “đẹp đội hình” thì hãy cử đi đào tạo tiến sĩ. Nhưng theo kinh nghiệm, đánh giá của tôi, sau khi có bằng tiến sĩ, năng lực giải quyết công việc, tập hợp lực lượng chuyên môn, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do thực tế đề ra sẽ khó đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Thời gian đào tạo tiến sĩ nhanh nhất cũng là 3-4 năm. Trong thời gian đó đòi hỏi nghiên cứu sinh thực hiện các vấn đề rất khó sát với công việc do thực tế đặt ra. Vì vậy công chức viên chức được đào tạo xong tiến sĩ để họ về nước giải quyết công việc thực tế là không khả thi.

Khi ta đề cao tiêu chuẩn là học vị, sẽ không tránh khỏi đào tạo ra các tiến sĩ thực hiện các đề tài không phục vụ gì cho công việc quản lí.

Thay vì đào tạo tiến sĩ thạc sĩ, chúng ta hãy mở những lớp chuyên đề thiết thực sát với yêu cầu công việc. Các lớp chuyên đề này như ta vẫn thấy xưa nay là các workshops nhưng cần có đánh giá chất lượng. Thay vì đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ dàn trải, chúng ta nên đào tạo giống đi sâu vào công việc thực tế như ngành y đào tạo bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa vậy.

Phóng viên: Hà Nội nhận định, việc quản lí phát triển đô thị, kĩ năng xử lí tình huống, tổ chức cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin là còn phát triển chậm. Ông đánh giá như nào về nhận định này?

Tiến sĩ Phạm Hữu Đức: Nhận định trên của Hà Nội là hoàn toàn chính xác. Với thực tế tôi là một giảng viên đại học, đã tiếp xúc với nhiều công chức của Thành phố thì thấy rằng trình độ tin học của họ chỉ ở mức phổ thông (tin học văn phòng).

Thực tế hiện tại việc quản lý đô thị, quản lý tài sản hạ tầng đô thị, đã khác xưa rất nhiều. Công nghệ thông tin được áp dụng một cách phổ biến, trong đó phải kể đến các công nghệ như Hệ thông tin địa lý GIS (Geographic Information Systems), cơ sở dữ liệu (Database). Nhưng thực tế rất ít công chức làm chủ được công nghệ GIS.

Phải nói thêm rằng, trong hệ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ quản lý đô thị, như tôi nắm khá rõ ở nhiều trường đại học là lĩnh vực GIS trong quản lý đô thị cũng chỉ mới nêu ra một cách sơ lược, chỉ chuyên ngành mới được đào tạo bài bản.

Nhưng thực tế cần đào tạo không phải là chương trình hàn lâm mà chủ yếu là ứng dụng. Đó chính là cách thức chúng ta sẽ bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho công chức viên chức.

Thực tế cho thấy, công chức nào được đào tạo và đã kinh qua tư vấn thiết kế, thi công thì kiến thức tin học có thể nói là khá tốt, còn công chức trưởng thành từ môi trường khác, thường sẽ quản lý đô thị theo phương thức xưa, cũ đã có từ những thế kỉ trước.

Phóng viên: Ông có nhận định như nào về kiến trúc đô thị hiện nay của Hà Nội?

Tiến sĩ Phạm Hữu Đức: Vấn đề nhà báo hỏi rất rộng, nhưng tôi nhấn mạnh vào 2 khía cạnh là giao thông và thoát nước đô thị. Hai vấn đề này còn làm chúng ta đau đầu một thời gian dài nữa, đấy là nói cho nhẹ nhàng, chứ nhiều khả năng là vấn đề vĩnh cửu đối với Hà Nội.

Vấn đề thoát nước, tôi hy vọng là chúng ta có thể giải quyết được trong tương lai gần, còn giao thông thì phải nói cần có sự thay đổi nhận thức quy hoạch đô thị. Đó là sự kết hợp giao thông và sử dụng đất, nói như vậy theo kiểu chữ nghĩa thực ra có thể hiểu thế này:

Giao thông ách tắc thì mở rộng đường, xây dựng nút giao thông hiện đại, nhưng một thời gian sau lại ách tắc, đó là một thực tế hiển nhiên. Để giải quyết tận gốc ách tắc giao thông không có cách nào khác là sự kết hợp giao thông và sử dụng đất.

Đừng lên án việc xây dựng các khu chung cư cao tầng mà phải xây dựng những khu chung cư khu đa chức năng có cơ sở y tế, giáo dục, giải trí, thương mại.

Nói nôm na là nếu có khu đa chức năng thì thay vì người dân phải đi ra đường lớn, để thực hiện các yêu cầu như đi làm, đi học, đi mua sắm, đưa con đi chơi, như vậy cần 3 hoặc 4 chuyến đi.

Nếu trong khu đa chức năng chỉ cần một chuyến đi thực hiện nhiều mục đích. Điều này sẽ dẫn tới một kết quả là yêu cầu giao thông vẫn không ngừng tăng, nhưng số chuyến đi lại giảm lưu lượng giao thông sẽ giảm, đó chính là phương án giải quyết tận gốc ách tắc giao thông ở Hà Nội.

Trân trọng cảm ơn ông.

Mạnh Đoàn