Mục tiêu lí tưởng của Đảng vẫn là hi vọng của dân!

03/02/2012 14:36
Hoài Anh (tổng hợp)
(GDVN) - Bây giờ nói dân còn tin Đảng không? Dân vẫn tin. Những mục tiêu, lý tưởng của Đảng vẫn là hy vọng của người dân.
“Mục tiêu của nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) là phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Ðảng... với tinh thần cấp trên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu làm trước và làm thật tốt để làm gương cho cấp dưới”. - đó là nội dung chính trong Nghị quyết TƯ khóa XI vừa mới được đưa ra.

Phát biểu bế mạc Hội nghị TƯ Đảng, sau khi nêu thực trạng tình hình, Tổng bí thư yêu cầu: “Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi; đẩy lùi một bước quan trọng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, tham nhũng, lãng phí. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Đảng ta có gần ba triệu đảng viên. Họ đã làm tròn sứ mệnh mà Đảng giao. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế yếu kém như vấn nạn chạy chức chạy quyền suy thoái về đạo đức, lối sống. 

Bây giờ nói dân còn tin Đảng không? Dân vẫn tin. Những mục tiêu, lý tưởng của Đảng vẫn là hy vọng của người dân. Nhưng một số cán bộ thoái hóa biến chất làm cho quần chúng nghi ngờ. 
Mỗi một đảng viên thoái hóa, mỗi một tổ chức Đảng yếu kém là làm xa đi, vơi đi một ít niềm tin của dân với Đảng...
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu có nói rằng, nghị quyết xây dựng Đảng lần này phải quyết tâm giải quyết đến nơi đến chốn, nếu không sẽ làm mất lòng tin không chỉ của người dân mà ngay trong Đảng.
Bình luận về ý kiến trên của nguyên tổng bí thư, ông Trần Lưu Hải, ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương nói: Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó, như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Ông Trần Lưu Hải, ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương
Ông Trần Lưu Hải, ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương
Ông Hải cho biết, Hội nghị trung ương 4 lần này cũng hành động theo tinh thần đó, đã thẳng thắn thảo luận và đề ra ba vấn đề cấp bách. Trong đó, vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất là kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Ðảng.  
Trước đó, theo ông Phan Diễn (nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thường trực Ban Bí thư), trong công tác cán bộ của ta lâu nay vẫn có chuyện chỉ cần anh không phạm khuyết điểm, sai lầm lớn và chưa đến tuổi về hưu thì rất khó thay thế.
Về vấn đề này, ông Hải cho hay, Nghị quyết trung ương 4 có đề cập vấn đề những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp cần được sắp xếp phù hợp có cơ chế để kịp thời thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Tinh thần là cán bộ được bổ nhiệm không phải sẽ yên vị trong suốt thời gian đó. Nếu cán bộ nào hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ xem xét, cho thôi giữ chức vụ hoặc bố trí công việc khác phù hợp với cán bộ đó.
Tin tưởng và đánh giá cao Nghị quyết T.Ư 4, trao đổi trên Tiền Phong, nguyên Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt cho rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ vẫn phải giữ vững, nhưng lúc này cần làm mạnh về dân chủ thì mới phát huy được trí tuệ của toàn Đảng toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nguyên Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt
Nguyên Thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt
“Từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị tự kiểm điểm, tự phê bình là rất tốt nhưng cố gắng hãy tự mình viết lấy bản tự kiểm điểm... Tôi chưa bao giờ để những người giúp việc nói hộ mình, viết hộ mình. Có thế thì nói mới thật chứ tự phê bình mà toàn để cho người khác chuẩn bị hộ, ra đó nói mấy câu thì chẳng có ý nghĩa gì cả” - ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh.
Từ ngày 2 đến 5/2, các cựu tù lao 1 - trại 6B Côn Đảo cùng thân nhân các liệt sĩ, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, các giảng viên khoa sử Trường đại học KHXH&NV TP.HCM và đại diện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức chuyến về nguồn tại Côn Đảo nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập đảng bộ Lưu Chí Hiếu (3-2-1972 - 3-2-2012). 

Hoài Anh (tổng hợp)