ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: "Việt Nam sẽ chống được tham nhũng, nếu..."

04/10/2013 13:35
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - "Thất thoát, lãng phí, tham nhũng thì chỉ xảy ra ở khu vực các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, nhưng cái dở hiện nay của ta là cá nhân quyết định nhưng tập thể chịu trách nhiệm, nghĩa là ít khi quy được trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, mà càng ở các cấp cao thì càng khó làm điều này".

"Chịu trách nhiệm chung nghĩa là không ai chịu trách nhiệm"

PV: Thưa ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo, tại phiên họp thứ 21 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu tỏ rõ sự bức xúc trước kết quả phòng chống tham nhũng chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng của nhân dân. Ông nhận định thế nào về công tác chống tham nhũng với những gì đã nêu ra trong báo cáo mới nhất của Thanh tra Chính phủ?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Ai cũng biết tình trạng tham nhũng xảy ra phổ biến sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội. Đảng, Nhà nước và Chính phủ đều rất quan tâm tới chống tham nhũng, tuy nhiên kết quả thu được từ công tác ngăn chặn, kiểm tra, kiểm soát không cao, nếu không muốn nói thẳng ra là quá thấp, khiến cho người đặt ra nghi ngờ về năng lực phòng chống tham nhũng của một số cơ quan công quyền.

Những vụ việc được nêu từ báo cáo chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ đa phần rất nhỏ, và trên thực tế việc các cơ quan chức năng chủ động kiểm tra, kiểm soát cũng chưa thực sự hiệu quả, nhiều vụ việc báo chí nêu ra và không cãi được nữa thì mới bị xử lý, nhưng có những vụ việc tất cả đều tin có tham nhũng thì không xử được, hoặc có xử thì thường là rất nhẹ. Chính vì thế mà vừa rồi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi: Có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng không?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Muốn chống tham nhũng phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Muốn chống tham nhũng phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu.

PV: Theo ông thì vì sao kết quả chống tham nhũng chưa thực sự hiệu quả như mong muốn?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Vì nó có liên quan tới một loạt các vấn đề về cơ cấu tổ chức, rồi cơ chế hoạt động của các bộ ngành, các cơ quan sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước.

Thất thoát, lãng phí, tham nhũng thì chỉ xảy ra ở khu vực các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, nhưng cái dở hiện nay của ta là cá nhân quyết định nhưng tập thể chịu trách nhiệm, nghĩa là ít khi quy được trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, mà càng ở các cấp cao thì càng khó làm điều này. Đồng thời cũng thấy rằng, cơ chế hiện nay của nước mình cũng chưa thực sự giao quyền cho người đứng đầu, do đó để quy trách nhiệm rõ ràng là rất khó. Đã chịu trách nhiệm chung thì có nghĩa là chẳng ai phải chịu trách nhiệm.

Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, các dự án sử dụng vốn nhà nước thì khó quy được trách nhiệm, điển hình là các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài ngành, lỗ lớn mà cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm. Thí dụ như vụ Vinashin, thất thoát hàng nghìn tỷ nhưng bây giờ không thu hồi được. Tôi thấy lạ là tiền thì từ chỗ này ra chỗ khác chứ có biến mất được đi đâu mà lại không truy ra được?

Trong khi đó vai trò giám sát của các ủy ban và ĐBQH chưa đi tới đâu. Chính các ủy ban cũng không có quyền gì cụ thể, họ chỉ đưa ra kết quả giám sát để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý, nhưng kết quả này dựa trên báo cáo chứ không được kiểm tra hồ sơ, không có quyền đủ lớn như một cơ quan điều tra. Và sau khi kiến nghị đến cơ quan chức năng rồi thì người ta có xử lý hay không lại là chuyện khác.

Lâu nay, chúng ta đã nói về văn hóa từ chức, nhưng chẳng ai muốn từ chức vì sợ mất quyền lợi, vì trách nhiệm là của chung, chẳng riêng ai phải chịu, thậm chí khi có chuyện xảy ra là cấp trên đổ cho cấp dưới, phủi tay đứng ngoài cuộc. Còn ở nhiều nước, người đứng đầu được giao quyền rất lớn, cho nên họ sẵn sàng từ chức nếu cấp dưới làm sai.

PV: Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đã nêu một thực trạng phổ biến hiện nay là lãnh đạo các tỉnh mua nhà ở Hà Nội và TPHCM rất nhiều, nhưng chỉ đến khi họ về hưu thì mới lộ ra những tài sản ấy và nói rất thẳng “Đó là những con cá lớn, ở đó là hàng trăm tỷ, chứ không phải vài chục triệu”. Vậy theo ông vì sao lâu nay chúng ta nói tới kê khai tài sản nhưng không hiệu quả?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Chúng ta phải thấy một thực tế là những người kê khai toàn có chức quyền, có các mối quan hệ ràng buộc. Những người đi kiểm tra có khi lại là cấp dưới, vậy thì làm sao kiểm tra cấp trên được, làm ngược như vậy nên không có kết quả là đương nhiên.

Một trong những tiêu chuẩn khi vào ĐBQH là cũng phải kê khai, minh bạch tài sản, nhưng khai rồi cũng để đấy chứ chẳng thấy ai kiểm tra, giám sát, cũng không thấy truy đến cùng tài sản ấy, mà cứ chờ đợi vào sự tự giác cá nhân. Một số ít những vụ việc liên quan tới sai phạm của cán bộ nào đó thì mới truy ngược trở lại, nhưng số này thì không nhiều, và thường thì họ cũng sẽ để người thân đứng tên tài sản nên rất khó tìm ra.

Kê khai tài sản là một việc làm đang bị hình thức hóa.
Kê khai tài sản là một việc làm đang bị hình thức hóa.

Phải giải quyết bài toán tiền lương để chống tham nhũng

PV: Việt Nam có nên tiến tới việc thành lập một cơ quan chống tham nhũng độc lập không, thưa ông?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Nếu có cơ quan chống tham nhũng độc lập thì quá tốt, nhưng sợ rằng với cơ chế làm việc trong lĩnh vực này như ở nước ta hiện nay thì có thành lập cơ quan này cũng chưa dễ làm, là vì chúng ta không gắn trách nhiệm cho người đứng đầu, cái gì cũng chung chung, thậm chí còn liên đới tới nhiều bộ ngành. Chúng ta đã nói nhiều tới định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền, phải được xây dựng trên nền pháp luật minh bạch, nhưng thực tế là luật của ta lại quá nhiều sơ hở, cho nên ở điểm này cần phải nghiêm túc xem lại.

PV: Ông có đồng tình với quan điểm cần phải nghĩ ngay tới đấu tranh phòng chống tham nhũng khi ra các dự thảo luật?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này, nếu làm được như vậy thì từ bước đầu tiên chúng ta đã có sự chủ động, các bước tiếp theo sẽ thuận lợi hơn. Tôi lấy thí dụ đơn giản nhất và dễ nhìn thấy nhất là ở các công trình sử dụng vốn nhà nước lãng phí lớn như xây sân vận động trị giá cả chục triệu đô la, làm con đường chỉ chưa tới 1km mà tốn hàng trăm tỷ đồng… rồi mới đây chính Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã nói “"Nhiều lúc Thủ tướng bức xúc vì sao đường ở miền núi lại làm to kinh khủng đến 60-70m. Chủ trương này ai quyết định? Hay làm xong thì kệ không ai ở, không ai đến buôn bán. Không thể cứ đưa ra chủ trương đầu tư từ một cấp nào đó rồi phải lao theo. Đây là điều vô cùng lãng phí". Vậy thì trong lãng phí có tham nhũng không? Tôi tin là có đấy.

Ngoài ra, có cả vấn đề tham nhũng chính sách, mà tại phiên họp thứ 20 của Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường cũng phải thừa nhận chưa kiểm soát được việc các bộ ra Thông tư và Thông tư liên tịch, đồng thời khẳng định sẽ đề nghị với Quốc hội cho ý kiến. Nếu không có sự kiểm soát tốt thì đây chính là lỗ hổng của luật, người ta có thể tạo cơ chế (hoặc cơ chế đặc thù) bằng cách vận dụng cho từng trường hợp, từng dự án.

PV: Nhưng có một thực tế mà ai cũng biết là đồng lương cán bộ nhà nước quá thấp không đảm bảo được cuộc sống cho nên nếu không cải thiện tiền lương thì có lẽ công tác chống tham nhũng vẫn còn nhiều khó khăn?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Tôi tin rằng ai cũng muốn làm tốt việc của mình, chứ không ai nghĩ phấn đấu lên chức này, chức kia để tham nhũng. Nhưng trong quá trình phát triển thì nảy sinh nhiều thứ, thí dụ đồng lương thấp không đủ sống. Thứ hai là cơ chế hiện nay không cho người ta làm đúng mà phải làm khác, thế nên có khi chính người điều hành không nhận ra cái sai, hoặc biết sai vẫn phải làm để trôi việc.

Thí dụ một y tá đi làm bình thường đồng lương hiện tại đâu có đủ sống, thế nên họ cầm phong bì của bệnh nhân là chuyện rất dễ hiểu. Có người tham, nhưng có người không tham vẫn cầm thôi, là vì cuộc sống. Họ cũng là con người, họ cũng phải ăn uống, phải nuôi con cái chứ. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiên đã nói là không có chuyện nhận phong bì, nhưng thực tế là không quản lý được.

Về lâu dài, chúng ta vẫn phải giải quyết bài toán tiền lương, vì nó là một trong những yêu cầu bắt buộc để chống tham nhũng thành công.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)