Chủ tịch Quốc hội: Hà Nội cần tăng cường kỷ cương trong quản lý đô thị, đất đai

06/07/2020 14:30
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy định cụ thể về trách nhiệm của từng cấp, từng bộ phận, cá nhân, đặc biệt là của người đứng đầu để khắc phục cho được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Ngày 6/7, kỳ họp thứ 15, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã khai mạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc.

Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng 6 tháng đầu năm 2020; tình hình giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn thành phố Hà Nội; công tác phòng, chống tham nhũng…

Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ xem xét, thông qua 1 Nghị quyết thường kỳ, 11 nghị quyết chuyên đề và 2 nghị quyết về nhân sự.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Báo Hà Nội mới

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Báo Hà Nội mới

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng và biểu dương những cố gắng, nỗ lực mà Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân Thủ đô đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cùng với Luật Thủ đô, Nghị quyết số 97 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù dành cho Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, đã cho phép Hà Nội được thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, về mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính.

“Đây chính là sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với thành phố Hà Nội để thành phố sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đã có, huy động thêm nguồn lực nhằm thực hiện kết quả cao nhất các mục tiêu theo Kết luận số 22 ngày 7/11/2017 và Kết luận số 46 ngày 19//4-2019 của Bộ Chính trị”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều việc phải làm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp, các ngành thành phố cần tập trung quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, tại kỳ họp này, các vị đại biểu cần đánh giá, phân tích chính xác tình hình, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân nhằm đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, đồng thời quyết tâm cao nhất để hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch.

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm của thành phố.

Thành phố cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, cần tận dụng tốt những cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù trong Nghị quyết số 115 của Quốc hội, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/8/2020 để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn vào kết quả chung của đất nước.

Bên cạnh đó, thành phố cần tập trung phát triển mạnh thị trường, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương để có cơ chế, chính sách phát triển, đồng hành cùng doanh nghiệp để các cam kết đầu tư vào Hà Nội của doanh nghiệp, doanh nhân được triển khai trên thực tế một cách khẩn trương, hiệu quả và thiết thực hơn.

Quang cảnh phiên khai mạc. Ảnh: VOV

Quang cảnh phiên khai mạc. Ảnh: VOV

Thứ hai, quan tâm làm tốt công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch trên cơ sở thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về quy hoạch; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đô thị, quản lý đất đai.

Xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự xây dựng, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng.

Nâng cao chất lượng công tác quản lý duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng; bảo đảm thực hiện tốt công tác vệ sinh, môi trường; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch, các dự án xử lý nước thải, xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ, ao; tăng cường năng lực quan trắc môi trường tự động; giảm thiểu ô nhiễm không khí, nguồn nước.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt tại các khu chung cư cao tầng, chung cư tái định cư, khu, cụm công nghiệp, làng nghề...

Bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, không lơ là, chủ quan với những kết quả đã đạt được; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thực hiện tốt kỳ thi của học sinh các cấp, nhất là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thông năm 2020, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - xã hội, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân Thủ đô trong công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị; thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành tác nghiệp để minh bạch hóa, công khai hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

Khắc phục ngay những tồn tại, yếu kém trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải xây dựng quy chế làm việc, trong đó phải quy định cụ thể về trách nhiệm của từng cấp, từng bộ phận, cá nhân, đặc biệt là của người đứng đầu để khắc phục cho được tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Trong khuôn khổ quy định pháp luật, thành phố cần có các giải pháp quyết liệt, thận trọng, nhưng linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phù hợp với tình hình thực tế để phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Chuyển đổi phù hợp cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với minh bạch hoá các chế tài xử lý có đủ sức răn đe; giảm số lượng, tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra.

Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp vi phạm.

Thứ tư, nâng cao vai trò và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện quyết định các vấn đề quan trọng của thành phố, nhất là thẩm quyền của Hội đồng nhân dân trong việc quyết định những chính sách tài chính - ngân sách đặc thù theo Nghị quyết số 115 của Quốc hội.

Nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng giám sát, đặc biệt là giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan tư pháp các cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền thành phố Hà Nội.

Tập trung giám sát những vấn đề quan trọng, vấn đề nhân dân đang quan tâm, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan thông tin báo chí, cùng nhân dân trong việc xem xét, giải quyết dứt điểm những kiến nghị chính đáng của cử tri và các kết luận sau giám sát.

Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tiếp xúc cử tri để nắm bắt kịp thời tâm tư, ý nguyện của nhân dân, góp phần quan trọng để nâng cao vai trò, vị trí và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Thứ năm, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội đồng nhân dân thành phố cần phối hợp hiệu quả với các cấp, các ngành đánh giá toàn diện, khách quan về tình hình, kết quả đạt được trong việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, đồng thời xây dựng được các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để lựa chọn, bầu ra được những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới;

Góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ thành phố và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cần chú ý vấn đề nhân sự, tổ chức bộ máy phù hợp với việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97 của Quốc hội bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Đỗ Thơm