Tiếp xúc đại biểu QH, cử tri than: “Lương GV còn thấp hơn cả lao động phổ thông”

17/10/2023 13:53
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thầy Lê Văn Lực, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Đặng Tấn Tài, lương giáo viên còn thấp hơn cả lao động phổ thông.

Sáng ngày 17/10, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tiếp xúc với cử tri của ngành giáo dục, y tế trước khi kỳ họp Quốc hội bắt đầu.

Lương giáo viên còn thấp hơn lao động phổ thông

Nêu ý kiến của mình tại buổi tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Lê Văn Lực – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Đặng Tấn Tài, thành phố Thủ Đức cho hay, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã triển khai việc xem xét, thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, tối thiểu vùng, sửa đổi và bổ sung các chế độ phụ cấp ưu đãi, thâm niên nghề nghiệp, phụ cấp theo ngành, đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp.

Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách về tiền lương như hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, cần được các cấp lãnh đạo quan tâm và tháo gỡ.

Đối với các đơn vị trường học công lập, mức lương của giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp là khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Thầy Lê Văn Lực nói rằng, mức lương này không cao, bởi hiện nay, công nhân lao động phổ thông đã có mức lương từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng, mà các chi phí thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày như ăn, ở, chăm sóc và nuôi con ở thành phố đều rất cao.

Lương thấp, giáo viên không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày, nên dẫn đến việc một số giáo viên phải nghỉ việc, chuyển sang làm công việc khác để có thu nhập cao hơn.

Thầy Lê Văn Lực - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Đặng Tấn Tài, thành phố Thủ Đức phát biểu (ảnh: V.D)

Thầy Lê Văn Lực - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Đặng Tấn Tài, thành phố Thủ Đức phát biểu (ảnh: V.D)

Theo thầy Lê Văn Lực, việc tăng lương cơ bản từ ngày 1/7/2023 thực chất chỉ là động viên tinh thần, do số tiền được tăng không theo kịp nhịp điệu của sự tăng giá hàng hóa, cùng với nhu cầu đời sống ngày càng cao.

Ngoài ra, thầy Lê Văn Lực còn cho hay, tình trạng thiếu giáo viên tại trường này nói riêng và cả nước nói chung vẫn chưa được giải quyết triệt để, do nhiều năm qua tuyển không đủ giáo viên cần.

Do đó, mong ước của các thầy cô giáo là được trả lương theo vị trí việc làm, điều chỉnh mức lương mới. Điều này sẽ giúp cho các thầy cô giáo đỡ vất vả hơn với cuộc sống hàng ngày, có thể sống được bằng lương mà không phải làm thêm các nghề “tay trái”.

Cũng theo thầy Lê Văn Lực, hiện vẫn còn tình trạng trả lương “cào bằng”, có nghĩa rằng người làm ít, làm nhiều cũng được hưởng lương như nhau, chưa phù hợp với mức độ cống hiến, chưa phản ảnh đúng năng lực, kết quả công tác của các cán bộ, công chức, viên chức.

Chính sách về tiền lương dù đã trải qua nhiều lần cải cách, nhưng vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh để cho người hưởng lương phát huy tài năng, cống hiến.

Lương thấp thì không kích thích được người lao động gắn bó lâu dài với Nhà nước, không thu hút được nhân tài, dẫn đến việc người tài giỏi bỏ khu vực Nhà nước ra làm cho khu vực tư nhân, nơi có tiền lương và thu nhập cao, có xu hướng ngày càng tăng.

Song song đó, lương thấp còn là nguyên nhân dẫn đến các tiêu cực có thể xảy ra.

Do vậy, thầy Lê Văn Lực đề nghị Nhà nước cần quan tâm đến các chế độ, chính sách tiền lương, các chế độ ưu đãi khác cho viên chức làm trong ngành giáo dục, để tiền lương và thu nhập cơ bản có thể đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống hàng ngày.

Với giáo viên mới vào nghề, hợp đồng, cần có chính sách hỗ trợ, để đảm bảo cho thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng, được hưởng ưu đãi và các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học.

Đồng thời, cần tiếp tục mở rộng mối quan hệ tiền lương (tối thiểu – trung bình – tối đa), nhằm triệt để khắc phục tính “cào bằng” trong chi trả lương như hiện nay, phát huy khả năng, trí tuệ của mọi người trong lao động, sản xuất, động viên và khuyến khích người tài, có trình độ yên tâm công tác trong khu vực công.

Đồng quan điểm này, thầy Lương Văn Minh – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Cần Thạnh, huyện Cần Giờ cho rằng, mối quan hệ tiền lương hiện nay chưa hợp lý.

Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc với cử tri ngành giáo dục, y tế của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc với cử tri ngành giáo dục, y tế của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Hệ số trung bình quá thấp, nên chưa cải thiện được đời sống, chưa khuyến khích được cán bộ, công chức, người lao động có hệ số lương thấp.

Kiến nghị nhân viên trong trường học hưởng thâm niên nghề nghiệp

Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Minh – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Quận 1 đề xuất, cần có các chính sách ưu đãi hợp lý đối với nhân viên bảo vệ, thư viện, thiết bị, kế toán, văn thư trong trường học, do hiện nay, mức thu nhập của những đối tượng này cũng vẫn còn thấp.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Minh, một điều chưa hợp lý khác là chế độ chính sách được quy định tại Thông tư 05/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ của nhân viên trong trường chuyên ngoài các nhiệm vụ chung, còn có các nhiệm vụ đặc thù, mà vẫn chưa được hưởng phụ cấp trách nhiệm trường chuyên.

Còn theo cô Trần Thị Lợi – Hiệu trưởng Trường tiểu học Lâm Văn Bền, huyện Nhà Bè, nên để cho các trường tiểu học được bố trí tối đa 3 nhân viên trong các vị trí việc làm là văn thư, thủ quỹ, kế toán, y tế.

Song song đó, cô Trần Thị Lợi còn kiến nghị tất cả các viên chức làm trong ngành giáo dục đều được hưởng thâm niên của nghề, kể cả các viên chức là nhân viên văn phòng của trường học.

Đồng tình với các ý kiến phát biểu của cử tri ngành giáo dục thành phố nêu ra tại hội nghị này, ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, để tạo bước đột phá, thì cần có thêm cơ chế để các đơn vị sử dụng tài sản công, cơ chế về tiền lương, quản lý và sử dụng biên chế hợp đồng lao động tại các đơn vị.

Về các vị trí việc làm, một số vị trí khó khăn trong thu hút nhân lực tốt như giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ...ông Dương Trí Dũng khẳng định, hiện đang áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng cán bộ kiêm nhiệm như vậy thì sẽ rất khó để có thể thực thi các nhiệm vụ ngày càng phức tạp.

Việt Dũng