Tiếp tục đổi mới giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29

19/11/2021 06:46
Thùy Linh (thực hiện)
GDVN- Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã có nhiều chương trình hành động, nhiều đề án dự án và trên thực tế cũng đã triển khai làm nhiều việc.

Trước năm 2013, ngành giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng chất lượng, hiệu quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Vì vậy, ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW (Nghị quyết 29) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Có thể nói, Nghị quyết 29 như một luồng gió mới thổi vào nền giáo dục – đào tạo đang còn rất nhiều tồn tại, bất cập, trì trệ, kìm hãm sự phát triển để mở ra một hướng đổi mới toàn diện cho hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam.

Đến nay, sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 29, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta bước đầu đã tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phóng viên: Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 29 Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, theo ông, đâu là những điểm đột phá chúng ta đã làm được?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo ban hành đã 8 năm. Đó là một Nghị quyết rất quan trọng, có nhiều nội dung tốt về đổi mới, rất cần thiết, tiến bộ và đúng hướng.

Để thực hiện Nghị quyết đã có nhiều chương trình hành động, nhiều đề án dự án và trên thực tế cũng đã triển khai làm nhiều việc. Đánh giá kết quả thực hiện cũng là việc khó, cần đủ thông tin và cần nhiều người tham gia.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Chắc sắp tới sẽ có tổng kết, đánh giá chính thức và đầy đủ của các cơ quan liên quan về kết quả thực hiện Nghị quyết này. Tôi chỉ biết một số công việc chứ không thật đầy đủ. Tôi không nói đó là những điểm đột phá đã làm được như câu hỏi của phóng viên nêu ra, cũng không nói đó là kết quả nổi bật mà chỉ nói một số việc đã làm và vài ý kiến bình luận xung quanh công việc đó.

Một là, các cơ quan nhà nước đã ban hành một số cơ chế, chính sách tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, trong đó có một việc quan trọng là sửa đổi Luật Giáo dục Luật Giáo dục đại học rất đúng hướng, mặc dù có thể sau đây còn phải bổ sung điều chỉnh để tiếp tục hoàn thiện. Trong luật có ghi rõ về quyền tự chủ của các trường đại học và khẳng định vai trò quan trọng của Hội đồng trường. Đó là một tiến bộ rất đáng kể, mặc dù việc thực hiện trên thực tế thì không phải không có vấn đề.

Hai là, một số tiến bộ đáng ghi nhận về phổ cập giáo dục mầm non và tiểu học. Tất nhiên kết quả này là thuộc về phát triển giáo dục nói chung chứ không phải nhờ đổi mới, dù tinh thần đổi mới có coi trọng giáo dục mầm non và tiểu học. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đứng thứ 2 ASEAN (sau Singapore). Đây là điểm của giáo dục nước ta được các tổ chức quốc tế như UNICEF, UNESCO, WB đánh giá cao.

Ba là, đã ban hành và bắt đầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng có tiến bộ hơn trước.

Thứ tư, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại và tinh thần Nghị quyết, khuyến khích sự sáng tạo trong dạy và học đồng thời tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giáo khoa, cung cấp cho xã hội những cách tiếp cận đa dạng đối với những mục tiêu thống nhất.

Năm là, công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá đối với giáo dục phổ thông được đổi mới một bước theo hướng đánh giá năng lực và bớt rườm rà, mặc dù sự tiến bộ vẫn còn ít, chưa đủ để gọi là căn bản.

Sáu là, việc tự chủ đại học đã có chủ trương chính thức, có nghị quyết của Trung ương và có luật quy định, 23 trường đã được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm. Nhìn chung việc thực hiện thí điểm đã cho thấy, mặc dù còn rất nhiều trở ngại, nhưng kết quả có khá lên đáng kể so với trước, góp phần khẳng định một lần nữa bằng thực tế rằng tự chủ là một cơ chế đúng và cần thiết. Có trường được thí điểm tự chủ đã có bứt phá rõ rệt và mạnh mẽ trong đào tạo và nghiên cứu. Cá biệt có trường được các tổ chức quốc tế xếp vào tốp 401-500 trường tốt của thế giới.

Bảy là, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đang diễn ra tích cực, ngày càng khẳng định tính ưu việt, kể cả trong điều kiện bình thường và nhất là trong điều kiện có dịch bệnh không dạy và học tập trung được.

Nghị quyết 29 có một quan điểm chủ chốt là: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”, thời gian qua, tất cả xoay quanh cụm từ cơ bản đó. Ông đã nhìn thấy sự chuyển động mạnh trong cách tổ chức xây dựng chương trình từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực khả quan ra sao?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và xây dựng phẩm chất là một chủ trương rất đúng. Theo tôi đó là một trong hai giá trị cốt lõi của Nghị quyết.

Phát triển năng lực không có nghĩa là không cần truyền thụ kiến thức. Muốn có năng lực thì trước tiên phải có kiến thức. Kiến thức là nền tảng ban đầu để phát triển năng lực. Nhưng có nhiều kiến thức cũng chưa có nghĩa là đã có năng lực. Kiến thức cũng có nhiều loại và sự cần thiết cho nghề nghiệp của mỗi người cũng khác nhau. Chọn cái gì để nghiên cứu tiếp thu là một câu chuyện lớn đối với từng người và đòi hỏi phải có năng lực để lựa chọn.

Chương trình giáo dục phổ thông đã bước đầu có sự chuyển động theo hướng đổi mới này nhưng cũng phải nói thật là còn ít lắm, chưa nhiều đâu, cơ bản vẫn còn là truyền thụ kiến thức, bắt học sinh phải học thuộc bài và nhớ, nói chung phải cố gắng rất nhiều nữa theo hướng đổi mới này.

Dấu ấn quan trọng trong đổi mới căn bản toàn diện là chúng ta đã đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông kéo theo đổi mới cách đánh giá, kiểm tra. Tuy nhiên, để tạo ra sự thay đổi về chất, ông cho rằng chúng ta cần phải tập trung đổi mới mạnh mẽ điều gì?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Đã có chương trình giáo dục mới cho phổ thông và bắt đầu làm sách giáo khoa theo chương trình mới. Đó là một công việc đáng kể trong thời gian qua.

Chương trình mới có một số tiến bộ theo hướng chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực như tinh thần Nghị quyết 29, nhưng nhìn chung theo tôi như đã nói ở trên là chưa nhiều, cơ bản vẫn truyền thụ kiến thức là chính. Đây là một nội dung cần trao đổi sâu về nhận thức.

Chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và xây dựng phẩm chất là một chủ trương rất đúng.

Chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và xây dựng phẩm chất là một chủ trương rất đúng.

Tôi xin nói lại một lần nữa, phát triển năng lực không có nghĩa là không cần truyền thụ kiến thức. Muốn có năng lực thì trước tiên phải có kiến thức. Nhưng có nhiều kiến thức cũng chưa có nghĩa là đã có năng lực. Năng lực không dừng lại ở chỗ có nhiều kiến thức mà quan trọng hơn nữa là có khả năng sử dụng, vận dụng các kiến thức ấy để cải tạo hiện thực, hành động có hiệu quả cao, đồng thời trên cơ sở ấy có thể tiếp tục sáng tạo ra những giá trị mới, làm giàu cho kho tàng tri thức chung và của từng người.

Ngày nay khoa học và kỹ thuật tiến bộ rất nhanh, thực tiễn cũng biến đổi nhanh hơn ngày xưa rất nhiều, kinh nghiệm của loài người cũng đã được tích góp rất lớn, sự tích lũy về lượng (kiến thức) đã đạt đến độ có thể tạo ra những bước nhảy vọt – biến đổi về chất. Từ đó làm cho quá trình bổ sung kiến thức, tri thức phát triển nhanh vô cùng, theo cấp số nhân, mỗi giờ mỗi ngày đều có sản sinh ra nhiều tri thức mới.

Nếu vẫn tiếp tục tập trung truyền thụ một cách áp đặt và một chiều, để bắt học trò phải nhớ, thì truyền đạt thế nào cho hết, để đâu cho hết, còn để làm gì nữa chứ, và người thầy làm sao cập nhật cho kịp để mà truyền thụ? Vậy nên việc truyền thụ chỉ là giới thiệu những giá trị cốt lõi cô đọng nhất để giúp cho người học tự mình tiếp tục cập nhất kiến thức thường xuyên và suốt đời. Có năng lực tự trang bị kiến thức sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc người thầy trang bị kiến thức giúp cho học trò.

Chương trình giáo dục mới có nhấn mạnh tinh thần này theo Nghị quyết. Nhưng để đạt được tinh thần đó thì còn phải hoàn thiện rất nhiều, chưa có gì gọi là thỏa mãn.

Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại và tinh thần Nghị quyết. Đã bắt đầu thực hiện theo tinh thần có nhiều bộ sách giáo khoa. Ban đầu cũng có một chủ trương không chuẩn khi cho rằng nhiều bộ sách giáo khoa nhưng phải có một bộ là do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo biên soạn. Nếu làm vậy thì các bộ sách khác Bộ không chỉ đạo hay sao, người học và các trường sẽ tập trung học một bộ sách của Bộ, đồng nghĩa với việc chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa bị thất bại từ đầu, bị chết ngay khi chưa kịp sinh ra, tức là quay lại như cũ, “đổi mới như cũ”. Rất may là sau đó không làm như thế.

Ban đầu cũng chuẩn bị sử dụng mấy ngàn tỷ đồng của ngân sách nhà nước để cấp cho việc làm sách giáo khoa, đó là cách nghĩ “bao cấp” không cần thiết, nhưng sau đó đã thôi và thực hiện theo tinh thần xã hội hóa nguồn đầu tư. Nói vậy để thấy câu chuyện cũng gian khổ lắm.

Rất tiếc là 5 bộ sách cho lớp 1 thì 4 bộ tập trung ở một Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cũng là một cách cố gắng giữ độc quyền làm sách giáo khoa chăng? Sao lại không thể sử dụng nhiều nhà xuất bản khác nhau? Bộ lo việc quản lý nhà nước, đã ban hành chương trình, và còn nắm công việc phê duyệt kết quả thẩm định sách giáo khoa để cho phép sử dụng, vậy là được rồi, không cần phải đi sâu vào làm các dịch vụ cho công việc có tính chất sự nghiệp.

Còn công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá đối với giáo dục phổ thông như tôi đã nói ở phần trên được đổi mới một bước theo hướng đánh giá năng lực và bớt rườm rà, mặc dù sự tiến bộ vẫn còn ít, chưa đủ để gọi là căn bản. Hãy tiếp tục theo dõi xem, khi nào đề thi chủ yếu là câu hỏi mở, để kiểm tra năng lực tư duy và giải quyết vấn đề, không kiểm tra việc học thuộc và nhớ giỏi nữa, người đi thi tha hồ mang theo tài liệu nếu muốn, vĩnh viễn xóa bỏ nạn tiêu cực đem tài liệu vào phòng thi, thì khi đó sẽ là biểu hiện cụ thể của việc đổi mới căn bản cách thi, và kèm theo sẽ là cách đánh giá.

Thực tế cho thấy, giờ đây chúng ta nói chuyện về giáo dục đã rất khác rồi, tự tin hơn nhiều khi nói về: nền giáo dục mở, thực học thực nghiệp, đổi mới theo hướng linh hoạt, liên thông… nhưng đâu đó vẫn còn e dè. Theo ông, giáo dục-đào tạo trong giai đoạn 5 năm, 10 năm tới cần tập trung giải quyết những nhiệm vụ nào để đáp ứng yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Đây là câu hỏi mà khi trả lời nó có thể sẽ đụng đến nhiều vấn đề rất quan trọng có tính chiến lược và không thể trả lời ngắn trong mấy câu. Ý kiến của tôi đối với câu hỏi này xin được nói một số vấn đề sau đây.

Một là, đổi mới không có mục đích tự thân. Đổi mới không phải để mà thay đổi. Đổi mới là để phát triển mạnh hơn và tốt hơn. Đổi mới giáo dục là để phát triển giáo dục. Phát triển giáo dục là để phát triển con người, dân tộc và đất nước. Nước ta chỉ có thể trở thành một nước công nghiệp phát triển khi có đủ điều kiện về nhân tố con người với nguồn nhân lực chất lượng cao. Giáo dục là giải pháp quan trọng nhất để đáp ứng điều đó.

Phát triển giáo dục là để phát triển con người, dân tộc và đất nước

Phát triển giáo dục là để phát triển con người, dân tộc và đất nước

Lịch sử phát triển của thế giới cho thấy nhiều nước đã trở thành cường quốc giàu mạnh bắt đầu từ cải cách giáo dục và thể chế quản trị quốc gia. Đó là nước Anh một thời là trung tâm phát triển của Châu Âu, rồi nước Mỹ sau nội chiến và liên tục nhiều lần sau đó cho đến bây giờ, nước Nga (kể cả thời của Pi-e Đại đế và tiếp theo là thời của Lê-nin sau này khi ông chủ trương phải: Học, học nữa, học mãi). Nước Đức vào thế kỷ 19 cũng như vậy để trở thành một nước công nghiệp hiện đại sau đó. Nước Nhật càng rõ nữa khi Minh Trị Thiên Hoàng tiến hành một cuộc đại cải cách nước Nhật bắt đầu từ sự học. Hàn Quốc sau chiến tranh 1953 họ bắt đầu từ kinh tế để khắc phục hậu quả chiến tranh, nhưng liền sau đó là chăm lo giáo dục để có bước tiến tiếp theo mạnh mẽ và bền vững hơn. Singapore cũng vậy. Ngay cả Trung Quốc, muốn phát triển cũng phải cải cách giáo dục và cải cách thể chế quản lý…

Nước Việt Nam ta cũng không thể ngoại lệ. Sau khi lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, trong những ngày đầu của chính quyền mới thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chống “giặc dốt” và công cuộc này đã được tổ chức thực hiện rất thành công, đưa Việt Nam từ chỗ trên 90% dân số mù chữ đã thành một Việt Nam mà gần 100% dân số biết chữ sau này, lực lượng đó đã làm thành công 4 cuộc chiến tranh vệ quốc và thống nhất đất nước, rồi bắt đầu công cuộc đổi mới sau chiến tranh.

Khi bắt đầu đổi mới, tập thể lãnh đạo của Việt Nam đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đó là một chiến lược có tầm nhìn xa và sâu sắc. Nhưng rất tiếc là nhiều chục năm qua nó chỉ mới dừng lại ở quan điểm. Trong các chiến lược, kế hoạch và chỉ đạo công việc chưa thể hiện là quốc sách đó. Đến nay nền giáo dục của ta, nhất là giáo dục đại học còn rất nhiều mặt yếu kém. Với thực trạng này không thể nào trở thành một nước công nghiệp phát triển được.

Việc đầu tiên cần làm là phải thực hiện đúng tinh thần “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Muốn vậy, trước nhất là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của quốc gia phải thực sự quan tâm hàng đầu đối với giáo dục. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo dù có muốn cũng không thể nào biến giáo dục thành quốc sách hàng đầu được (tất nhiên ông có trách nhiệm tham mưu), mà chỉ có những người đứng đầu quốc gia quan tâm hàng đầu thì nó mới có thể là quốc sách hàng đầu.

Nhìn lại tất cả các nhiệm kỳ từ trước tới nay, người đã dồn công sức hàng đầu cho giáo dục ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh ra, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng có thể hiện sự quan tâm nhiều hơn các đồng chí khác, nhưng tôi cho rằng vẫn chưa đủ để giáo dục thành quốc sách hàng đầu.

Kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh, đối ngoại, chống tham nhũng, xây dựng đảng và chính quyền thường được quan tâm hàng đầu, hơn nhiều so với giáo dục – tôi thấy như thế! Mặc dù các lĩnh vực đó đều quan trọng, nhưng cũng cần luôn nhớ rằng tất cả mọi công việc ấy đều được thực hiện bởi con người của nền giáo dục tạo ra.

Hai là, giáo dục phải lấy chất lượng làm đầu. Bản chất giáo dục là vậy. Nó tạo nên chất lượng con người, chất lượng dân tộc, chất lượng nguồn nhân lực. Ngay cả giáo dục đại chúng, giáo dục đại trà cũng là vì chất lượng của một cộng đồng. Bản chất Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo là nâng chất lượng của nền giáo dục. Nếu nói Nghị quyết ấy gom lại trong một từ thôi thì theo tôi đó là Nghị quyết “nâng chất lượng” nền giáo dục.

Kiểm tra lại xem 8 năm qua có những việc làm nào sai hướng đó (như chạy theo số lượng xem nhẹ chất lượng, gác cổng đầu vào mà thả lỏng đầu ra, chạy theo chỉ tiêu, chạy theo giải ngân, hạ chuẩn, bệnh thành tích, bệnh hình thức, chạy nâng điểm, ngồi nhầm lớp, chạy học hàm học vị, …). Những việc làm nào trái với mục đích, yêu cầu và tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết…? Tôi nghĩ là nhiều đấy.

Do đó, cần phải tổng kết nghiêm túc việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 29 xem chúng ta đã làm như nào, đã có cái nhìn tổng thể, nhất quán và khoa học chưa, hay còn chắp vá và lúng túng, lủng củng nữa.

Không nên tổng kết cho có tổng kết, mà phải nghiêm túc khoa học, thành tâm và trách nhiệm với công việc và đất nước, nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật, không phải để báo cáo thành tích, không sợ trách nhiệm do làm chưa tốt. Nói chung là phải tổng kết với tư cách của những người có văn hóa, có trách nhiệm cao với đất nước, vì tương lai của dân tộc này. Để từ đó thấy rõ nguyên nhân chưa thành côngquyết làm cho thành công bằng được công cuộc đổi mới căn bản này. Đây là công việc không dễ, vừa khoa học, văn hóa và cả nghệ thuật nữa, nhưng hoàn toàn có khả năng làm được và phải quyết làm cho bằng được, nếu muốn đất nước mình cường thịnh và tiến bước cùng nhân loại văn minh.

Ba là, chương trình giáo dục phổ thông nếu tốt sẽ là công việc rất quan trọng để nâng chất lượng giáo dục phổ thông. Cần đánh giá kỹ về mặt khoa học đối với chương trình đã có, tiếp tục bổ sung và điều chỉnh, nhằm hoàn thiện căn bản việc chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực và xây dựng đạo đức. Trong năng lực thì trước tiên và quan trọng nhất là năng lực tư duy độc lập. Trong xây dựng đạo đức, giáo dục nhân bản thì quan trọng nhất là tính trung thực và lòng nhân ái. Khi có trung thực thì sẽ biết tự trọng, trước tiên là tự trọng với chính mình và có trách nhiệm với xã hội.

Trong giáo dục phổ thông, cần chú ý đặc điểm: giai đoạn mầm non và tiểu học là thời kỳ quan trọng nhất đối với việc hình thành nền tảng nhân cách (còn sau đó là hoàn thiện và bổ sung), trung học cơ sở là phổ thông cơ bản, trung học phổ thông là thời kỳ bắt đầu tiếp cận nghề nghiệp.

Bốn là, cần phải phấn đấu để tăng thêm tỷ lệ lao động có trình độ đại học trong tổng số lao động. Nước ta hiện nay tỉ lệ này mới khoảng 12-15%, trong khi ở các nước phát triển đạt trên 35%. Đây là tiêu chí đầu tiên của một nước công nghiệp phát triển. Nước ta không thể nào trở thành một nước công nghiệp phát triển nếu tỷ lệ lao động như hiện nay.

Trong vòng 25 năm tới ít ra tỉ lệ này cũng cần được nâng lên gấp đôi, sau đó sẽ tiếp tục hơn nữa. Muốn vậy, quy mô phát triển của giáo dục đại học sẽ tăng gấp bội so với hiện nay.

Đừng lấy cớ “thừa thầy thiếu thợ” để hạn chế giáo dục đại học. Tất nhiên là cần tính toán cơ cấu ngành trong đào tạo để không bị vừa thừa vừa thiếu. Đừng nghĩ đây chỉ là nói về số lượng. Không phải thế đâu, vì tỷ lệ đại học trong cơ cấu lao động xã hội còn thể hiện chất lượng quan trọng của nguồn nhân lực đấy. Như thế là vừa phải mở rộng hơn quy mô đào tạo của các trường, vừa phải có thêm không ít các trường đại học nữa. Vấn đề đáng lưu ý là kiểm soát chất lượng đầu ra, chứ đừng nghĩ nhiều trường thì đồng nghĩa với chất lượng kém.

Năm là, khi tăng quy mô đào tạo đại học thì ngân sách nhà nước không đủ sức? Hoàn toàn đúng như thế. Chưa tăng quy mô, mới chỉ như hiện nay, mà đã rất khó khăn rồi. Tỷ lệ đầu tư cho giáo dục đại học so với GDP ở Việt Nam hiện nay chỉ bằng 1/2 đến 1/7 so với các nước, đầu tư cho một sinh viên chỉ bằng ½ đến 1/5 các nước. Rất khó có chất lượng cao với giá rẻ. Vậy mà tăng gấp bội số lượng sinh viên thì ngân sách nhà nước làm sao chịu nổi?

Cho nên tất yếu phải đẩy mạnh tiếp tục xã hội hóa để cho nhân dân đầu tư là chính và thu hút các nguồn đầu tư quốc tế nữa. Và đó cũng là xu hướng phù hợp còn ngân sách nhà nước chỉ chiếm một phần nhỏ. Tiềm lực chung của cả xã hội sẽ lớn hơn nhiều so với tiềm lực của nhà nước. Cơ cấu các loại trường nên điều chỉnh phù hợp với tình hình đó. Số trường công lập do nhà nước trực tiếp đầu tư chỉ có thể (và nên như vậy) chiếm một tỷ lệ ít, còn các loại trường ngoài công lập chiếm tỷ lệ nhiều hơn.

Tại các nước phát triển, tỷ lệ ngoài công lập chiếm khoảng 70% số sinh viên hoặc hơn thế nữa, còn công lập chỉ có 30%. Nước ta hiện nay ngoài công lập là 18%, còn công lập đến 82%. Tăng mạnh số trường và số sinh viên ngoài công lập là một tất yếu.

Các trường mới thành lập nói chung nên là trường ngoài công lập, còn không lập thêm trường mới công lập nữa. Đồng thời các trường công lập đã có nếu khó khăn quá, không phát huy được hiệu quả thì cũng không nên giải thể (vì trước sau cũng cần phải có thêm trường), nói chung cũng không sáp nhập (vì đó không phải là lối ra), mà nên chuyển sang trường ngoài công lập không vì lợi nhuận bằng cách cho thực hiện hợp tác công tư trong hoạt động và phát triển trường.

Sáu là, trong loại trường ngoài công lập nên ưu tiên khuyến khích nhất đối với loại trường không vì lợi nhuận. Đây sẽ là loại hình rất triển vọng đối với tương lai của giáo dục đại học ở Việt Nam. Hiện nay tại Anh, Mỹ loại trường này phát triển mạnh và tốt. Trong tốp 100 trường đứng đầu thế giới (theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế) thì đa số là loại trường không vì lợi nhuận, nhất là các trường của Mỹ. Ở Mỹ, trong số 20 trường đứng đầu nước Mỹ thì có đến 19 trường là không vì lợi nhuận, chỉ có một trường là công lập được xếp thứ 20 và không có trường nào là trường tư thục (có lợi nhuận).

Các trường đại học nổi tiếng bậc nhất thế giới như Harvard, MIT, Stanford…là các trường không vì lợi nhuận. Thực tế đó đã chứng minh loại hình trường không vì lợi nhuận có mặt mạnh và hiệu quả nhất. So với các trường công lập thì trường không vì lợi nhuận có lợi thế về cơ chế tự chủ. So với các trường tư thục (có lợi nhuận) thì trường không vì lợi nhuận có lợi thế hơn về mục đích mục tiêu hoạt động. Trường không vì lợi nhuận tập trung cho một mục tiêu là chất lượng đào tạo và phát triển nhà trường, không bị chi phối bởi sức ép của việc phân chia lợi nhuận cho các cổ đông.

Ở Việt Nam nói chung là chưa có trường không vì lợi nhuận, trừ trường Đại học Fulbright Việt Nam mới thành lập ít năm nay theo sự thỏa thuận hợp tác giữa nguyên thủ hai nước Việt - Mỹ đang phát triển tốt.

Cũng có ý kiến cho rằng, trường không vì lợi nhuận do không chia lợi nhuận cho người góp vốn, (mà lợi nhuận nếu có thì để hết 100% cho phát triển trường), nên không huy động được tiền đầu tư như trường tư thục có lợi nhuận, dẫn đến hạn chế đầu tư vào giáo dục. Ý kiến đó cũng có một phần đúng với thực tế của Việt Nam cho đến hôm nay.

Nhưng mặt khác cũng phải thấy rằng tương lai sẽ khác. Trong xã hội và kể cả các quỹ đầu tư quốc tế có những nguồn vốn dành cho giáo dục chỉ đầu tư vào loại trường ngoài công lập không vì lợi nhuận. Nhà đầu tư không muốn đầu tư vào trường công vì có cảm giác giống như đi nộp thuế cho nhà nước, cũng không muốn đầu tư vào trường tư để người khác chia lợi nhuận. Còn ai muốn đầu tư có lợi nhuận thì cứ tiếp tục đầu tư vào trường tư thục có chia lợi nhuận chứ có ai ngăn cản hạn chế gì đâu.

Lâu nay có nhiều ý kiến nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi nên xử lý thế nào về mối quan hệ giữa giáo dục và thị trường trong định hướng xã hội chủ nghĩa? Thảo luận mãi và cuối cùng nêu ra một ý khả dĩ hơn rằng, sử dụng cơ chế thị trường để thúc đẩy phát triển dịch vụ giáo dục nhưng không thị trường hóa giáo dục. Nói lý thuyết thì nghe cũng được, tạm thời đồng ý như vậy, nhưng vẫn rất trừu tượng. Nay nghiên cứu kỹ mô hình trường không vì lợi nhuận của các nước, tôi thấy mô hình cụ thể này đã giúp ta có một câu trả lời tốt cho câu hỏi đó. Bản chất của mô hình không vì lợi nhuận rất phù hợp với tính chất xã hội chủ nghĩa.

Bảy là, cần phát triển cho được một số trường có chất lượng cao đẳng cấp quốc tế (tốp 100-200 của thế giới). Việc này sẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng đại học và xây dựng thương hiệu quốc gia. Lãnh đạo Chính phủ của nước ta nhiều nhiệm kỳ đã quan tâm theo đuổi mục tiêu này, đã đầu tư 700 triệu USD vào các trường Việt Đức, Việt Pháp, Việt Nhật, đó là chưa kể các đầu tư thường xuyên vào các đại học quốc gia và đại học vùng, nhưng đến nay vẫn chưa thành công.

Trong khi Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân nhờ cơ chế tự chủ mà phát triển lên, lọt vào tốp 500 của thế giới mặc dù nhà nước không đầu tư. Tất nhiên 2 trường này vẫn phải cố gắng liên tục, phát huy dân chủ nội bộ và lắng nghe dư luận của báo chí và xã hội, tự kiểm tra chấn chỉnh các sai sót, củng cố và nâng cao thêm nhiều nữa (chú ý đánh giá thực chất về sự tiến bộ trong hợp tác nghiên cứu khoa học đến đâu).

Qua thực tế cho thấy, hoàn toàn không phải cứ đầu tư nhiều tiền vào thì có đại học đẳng cấp cao, mà quan trọng có tính quyết định chính là cơ chế tự chủ, năng lực quản trị và tầm tư duy của lãnh đạo chủ chốt nhà trường. Nhà nước giúp chủ yếu bằng cách tạo cơ chế và môi trường, hỗ trợ kỹ thuật về chất xám, kinh nghiệm và đào tạo cán bộ quản trị.

Tám là, tự chủ đại học là một giải pháp lớn, rất quan trọng, có ý nghĩa đột phá để đại học Việt Nam trưởng thành. Chưa có tự chủ chưa phải là đại học đủ trưởng thành. Thế giới đã thực hiện điều này từ rất lâu.

Nước ta đã có chủ trương của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, đã có các nghị quyết, luật và các văn bản pháp lý dưới luật. Đó là một bước tiến đáng kể về tư duy quản trị so với những thập niên trước đây. Nhưng rất tiếc là đến nay việc thực hiện tự chủ vẫn rất gian khó, chỉ mới một số trường được thực hiện thí điểm tự chủ, chưa được tổng kết một cách nghiêm túc, cách làm thì nửa vời, vừa tự chủ vừa không được tự chủ, vừa nói cơ chế tự chủ vừa thực hiện cơ chế chủ quản, trong khi hai loại cơ chế đó rất khác nhau.

Bản chất cơ chế chủ quản có nguồn gốc từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung mà nước ta đã bắt đầu từ bỏ hơn ba mươi năm trước, nay đã lạc hậu và cản trở, nhưng trong giáo dục đại học mãi vẫn chưa bỏ được, nó có nguyên nhân từ nhận thức và từ lợi ích cục bộ nữa. Sở dĩ việc này khó là vì nó liên quan đến phân chia quyền lực, ai cũng muốn nắm quyền và giữ cửa.

Nếu không kiên quyết thực hiện tự chủ thì một chủ trương đúng và tốt sẽ bị phá sản và quản trị đại học vẫn lúng túng không có đường ra, không giải quyết được vấn đề chất lượng và động lực phát triển.

Chín là, loài người đang tiến nhanh vào nền văn minh mới của kỷ nguyên thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin, kết nối và số hóa; Dữ liệu mở, Giáo dục mở, Tài nguyên Giáo dục mở và Khoa học mở là một xu thế tất yếu và có lợi, giúp cho các cơ sở giáo dục đào tạo, giảng viên và sinh viên có thể sử dụng nguồn tài nguyên thông tin của thế giới để thực hiện quá trình đào tạo và tự đào tạo. Giáo dục đại học Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này để phát triển.

Thông tin là nguồn tài nguyên vô tận, không cạn kiệt và liên tục bổ sung. Đó là nguồn tài nguyên lớn nhất và giá trị nhất đối với sự phát triển của con người và đất nước. Nhà nước cần tạo điều kiện về hạ tầng, cấp phép mở và nâng cao trình độ quản lý vĩ mô để thúc đẩy phát triển lành mạnh và bền vững. Cùng với xu thế đó, việc hợp tác đào tạo với các trường chất lượng cao của nước ngoài cũng là một giải pháp tốt.

Mười là, cần thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục, khắc phục tình trạng phân khúc, chia cắt, chắp vá như hiện nay, để từ đó mà xử lý tổ chức liên thông, phân luồng, phân tầng, phân ngành và phối hợp về sứ mệnh của các cơ sở đào tạo và thực hiện thống nhất về cấp độ đào tạo phù hợp với các quy định chung của quốc tế để tham gia hội nhập thị trường lao động toàn cầu.

Cao đẳng vốn thuộc giáo dục đại học nhưng hiện nay lại cắt đôi, cao đẳng thì do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, còn đại học thì do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Cần phải trả khối cao đẳng về với giáo dục đại học. Đào tạo đại học và đào tạo nghề nghiệp cần gắn kết chặt chẽ thì cũng bị tách ra. Giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học rất cần thống nhất nhưng cũng lại bị cắt ra. Nguồn nhân lực để nghiên cứu khoa học phần lớn đang nằm ở các cơ sở đại học, đó là nơi cung cấp con người cho nghiên cứu khoa học. Thông qua việc tham gia nghiên cứu khoa học mà nâng chất lượng giáo dục đại học.

Mặt khác, cần phát triển nghiên cứu khoa học ở các trường đại học là khu vực chính của hoạt động khoa học của quốc gia. Bản thân phổ thông trung học cũng có nhu cầu kết nối, liên thông với giáo dục đại học, ít nhất là thông tin về nghề nghiệp.

Đối với giáo dục đại học để triển khai đổi mới theo tinh thần của Nghị quyết 29, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 giao cho 23 cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện thí điểm tự chủ giai đoạn 2014 – 2017. Tuy nhiên có thực tế là một trường hợp thí điểm tự chủ rất thành công theo đánh giá của Hiệp hội đó là Trường Đại học Tôn Đức Thắng thì người đứng đầu là thầy Lê Vinh Danh lại bị kỷ luật, ông đánh giá như thế nào về trường hợp này?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Việc tự chủ đại học đã có chủ trương chính thức, có ghi trong nghị quyết Trung ương và Luật Giáo dục đại học, tôi nói lại đây là chủ trương đúng và tốt, 23 trường đã được cho phép thực hiện thí điểm. Nhìn chung việc thực hiện thí điểm đã cho thấy, mặc dù còn rất nhiều trở ngại (chủ quan và khách quan), nhưng kết quả rõ ràng có tốt hơn đáng kể so với không được tự chủ, có trường đã trưởng thành vượt bậc như Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2020 chẳng hạn.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã đề nghị phong danh hiệu anh hùng lao động cho trường này. Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được tổ chức xếp hạng quốc tế xếp vào tốp 401-500 của thế giới (trong khi các đại học và trường lớn khác của Việt Nam mới được xếp số thứ tự trên dưới top 1000).

Khi xếp hạng người ta xem xét nhiều tiêu chí khác nhau, toàn diện nhiều mặt. Trong thành tích của Trường Đại học Tôn Đức Thắng thì phải nói ông Hiệu trưởng lúc đó (tức ông Lê Vinh Danh) là người có công lớn nhất. Công bằng phải nói như thế.

Theo thông tin Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chúng tôi được biết qua kết luận của thanh tra, kiểm tra thì ông ấy không tham nhũng, chỉ có một vài việc làm trái so quy định chung (nhưng trường này được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm và được làm những việc như trong đề án thí điểm đã được duyệt). Kết luận 14 của Bộ Chính trị thì bảo phải khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung, không tham nhũng.

Theo tinh thần tự chủ đã ghi vào luật lệ, thì hiệu trưởng là chức danh do hội đồng trường chọn, chứ không còn cơ quan chủ quản bổ nhiệm như trước, vậy mà nhân danh cơ quan chủ quản vẫn ra quyết định thay đổi hiệu trưởng (chúng tôi còn được biết trước đó giữa ông hiệu trưởng này và cơ quan chủ quản cũ đã có những việc bất đồng ý kiến, kể cả việc ông ấy không chịu nộp tiền về cho cơ quan đó, tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra thông tin này để xem đúng sai thế nào và ai đúng, ai sai, để hiểu thêm về bản chất sự việc ở đằng sau đó). Tôi nghĩ đây là cách làm không đúng. Tôi gọi tên sự cố này, nhìn từ góc độ cơ chế, là “Cơ chế Chủ quản dẹp bỏ cơ chế Tự chủ” đã được Đảng và Nhà nước chủ trương và đã có luật quy định.

Vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo ông, với Kết luận này, lãnh đạo các trường công lập đã có quyết định thí điểm tự chủ và những trường công thuộc diện có thể làm tự chủ có đủ niềm tin và sự vững tâm để đột phá, dám suy nghĩ táo bạo, ngoài tiền lệ để tạo hiệu quả xã hội cho đơn vị mình hay không?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tôi cho rằng Kết luận 14 của Bộ Chính trị là tốt, đúng thực tế, rất cần thiết. Cứ vì lợi ích chung mà làm như thế thì tốt quá. Không chỉ trong thí điểm tự chủ đại học đâu, mà trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều có thể làm theo đó.

Tôi nghĩ những người làm cụ thể, nhất là những người tâm huyết, có trách nhiệm với công việc, muốn hành động, dám nghĩ dám làm đều đồng tình, ủng hộ và phấn khởi trước một kết luận như thế. Vấn đề còn lại là thực hiện như thế nào? Mọi người tuy có phấn khởi nhưng còn xem thử thực tế có thực hiện đúng như thế không.

Ở Việt Nam ta không khó để chứng minh nhiều việc chủ trương ở trên cao thì đúng, không sai, nhưng khi thực hiện thì vì nhiều lý do khác, không phải vì lợi ích chung, họ không làm như thế, hoặc làm biến tướng đi, đến mức thay đổi hẳn bản chất so với ban đầu đã định ra.

Vì lẽ ấy, nhiều người vẫn theo dõi thử xem sao. Nhất là xem cách ứng xử với những việc đã làm trong thời gian gần đây. Ngay cả chủ trương tự chủ và việc cho làm thì điểm, cũng đã có chủ trương rồi, quyết định rồi, bằng nghị quyết Trung ương và bằng luật nữa, chứ không chỉ là một thông báo kết luận, nhưng bắt đầu làm thì đã khác so với tinh thần của chủ trương.

Câu hỏi cuối cùng, thưa Ông, nhiều người cho rằng Chính phủ cần tổng kết Nghị quyết và các quyết định thí điểm để đánh giá sự thành công, hạn chế và bài học cần rút ra thành chính sách; để các trường tiếp tục yên tâm thí điểm và cơ quan chức năng khác không thể tùy tiện viện dẫn văn bản ngoài thí điểm để buộc tội người đứng đầu. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Quá đúng rồi, cần phải tổng kết sớm việc thực hiện tự chủ trong thời gian qua. Đây là một chủ trương đúng rồi, và rất quan trọng. Cần phải được tổng kết một cách nghiêm túc, khoa học, nhìn thẳng sự thật, chứ không phải tổng kết cho qua chuyện, càng không phải báo cáo thành tích, mục đích là để rút kinh nghiệm mà tiếp tục thực hiện rộng và tốt hơn, chứ không phải để xét lại và nói làm hay không làm.

Người đứng đầu ở các trường mà năng động, trách nhiệm với sự phát triển thực chất của trường, muốn thực hiện chủ trương tự chủ nhưng họ có yên tâm thực hiện hay không, và yên tâm đến mức nào sẽ còn phụ thuộc vào thái độ của lãnh đạo cấp trên.

Muốn có một hội đồng trường quyền lực thực chất, mạnh và nắm chắc công tác quản trị nhà trường, chứ không phải hình thức (mà đây là việc có ý nghĩa quyết định trong tự chủ), thì theo tôi, ở các trường công lập, nên chọn ngay các vị hiệu trưởng đang thực quyền hiện nay sang làm chủ tịch Hội đồng trường, còn ai làm hiệu trưởng thì do Hội đồng trường tìm chọn và quyết định. Tại sao không thể như thế?

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

Thùy Linh (thực hiện)